Thế giới

Triều Tiên dùng đòn cân não để mặc cả với Hàn Quốc

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho rằng Bình Nhưỡng tranh thủ diễn biến căng thẳng gần đây để có lợi thế trước Seoul.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho rằng Bình Nhưỡng tranh thủ diễn biến căng thẳng gần đây để có lợi thế trước Seoul.
- Trước đây, người ta muốn thống nhất hai miền Triều Tiên bằng quân sự. Tuy nhiên, trước sự biến động trên trường quốc tế trong vài thập niên qua cùng sự phát triển cả về kinh tế và quân sự của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng không còn đủ khả năng đánh bại Seoul. Chính vì thế, Bình Nhưỡng chuyển sang một chiến thuật mới là thỉnh thoảng dùng đòn cân não với Hàn Quốc, đẩy tình hình đến “bên miệng hố chiến tranh”.
 

TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nhận định: "Triều Tiên dùng đòn cân não để tạo thế mặc cả với Hàn Quốc". Ảnh: FBNV

Các ví dụ điển hình của chiến thuật này là sự kiện chiến hạm Cheonan chìm tháng 3/2010 làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng hay đấu pháo trên đảo Yeonpyeong tháng 11 cùng năm và gần đây nhất là vụ đọ pháo ở biên giới liên Triều. Chiến thuật này giúp Bình Nhưỡng duy trì tình trạng căng thẳng để đạt mục đích.

Hiện tại Triều Tiên nắm trong tay sức mạnh quân sự tương đối với 70 tàu ngầm, tên lửa tầm trung, tầm ngắn và có thể là bom nguyên tử. Bình Nhưỡng dùng nó để tạo thế mặc cả với Hàn Quốc, thiết lập thế cân bằng giữa hai miền và thu hút sự quan tâm của các nước lớn.

Trước hành động của Bình Nhưỡng, Seoul áp dụng chiến thuật trả đũa mạnh mẽ. Quân đội Hàn Quốc đẩy mạnh tập trận với Mỹ nhằm nâng cao khả năng chiến đấu đồng thời tạo sức ép với Triều Tiên.

Trong khi đó, các nước lớn quá bận với việc riêng nên khó có khả năng quan tâm sâu sát tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ đang bận với chiến lược riêng trong bối cảnh nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama sắp kết thúc. Nga lo vấn đề khủng hoảng chính trị Ukraine, kinh tế trong nước hay cấm vận còn Trung Quốc phải đối phó với một loạt vấn đề nan giải.

Hiện tại, Triều Tiên và Hàn Quốc ở thế cân bằng. Các nước lớn không cần quan tâm quá sâu sát tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà thay vào đó là duy trì vị trí giám sát để chiến tranh không nổ ra và vỗ tay hưởng ứng cho các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là quốc gia được lợi nhiều nhất vì Hàn Quốc cần họ hiện diện trên bán đảo Triều Tiên, vị trí lý tưởng để kiềm chế Trung Quốc.

- Triều Tiên được lợi gì khi sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”?

- Với chiến thuật này, Bình Nhưỡng làm Seoul phải quan tâm tới họ. Tuy mục đích của Triều Tiên rất rõ ràng, các động thái đó vẫn khiến Hàn Quốc phải động binh. Nó cũng giúp củng cố vai trò của chính quyền Kim Jong Un tại Triều Tiên. Trong quan hệ quốc tế, Bình Nhưỡng giành thế cân bằng với Seoul. Như vậy, chiến thuật này chắc chắn sẽ có lợi cho Triều Tiên.

- Vì sao Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục phô trương lực lượng, yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong bối cảnh đàm phán cấp cao đang diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong Khu phi quân sự (DMZ)?

- Cả hai nước đang sử dụng chiến thuật vừa đánh vừa đàm. Một số nguồn tin cho hay, cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc có mục đích chính là ngừng hoạt động hệ thống loa phóng thanh công suất lớn của Hàn Quốc ở biên giới. Ngoài ra, các bên tiếp tục đàm phán về viện trợ lương thực, thực phẩm và mối quan hệ liên Triều dài hơi. Chúng sẽ không thể gói gọn trong một cuộc đàm phán.

Đàm phán ở Bàn Môn Điếm là cuộc gặp cấp cao nhất của quan chức hai miền Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Vì vậy, các bên cần tranh thủ giải quyết tối đa các vấn đề có liên quan giữa hai quốc gia. Triều Tiên sẽ không ngừng các hoạt động khiêu khích để tạo thế mặc cả còn Hàn Quốc sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống.

- Theo ông, kết quả đàm phán lần này có tác động như thế nào tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên?

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục nhùng nhằng dù hai bên sẽ xuống thang sau sự kiện vừa qua. Riêng phía Bình Nhưỡng, họ có thể tiếp tục tạo ra các sự kiện mới khi cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, chiến tranh chắc chắn sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng gặp nhiều xáo động trước các động thái của Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng điều 50 tàu ngầm rời căn cứ có khả năng đe dọa Seoul hay điều động pháo binh tới gần biên giới tạo ra nhiều thách thức với quốc gia láng giềng. Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye đã phải mặc áo lính. Đối với một nước phát triển như Hàn Quốc, các động thái của Triều Tiên chắc chắn sẽ gây nhiều bất lợi. Theo tôi, Seoul sẽ phải nhượng bộ hơn.
 
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan. Ông đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ Quốc tế (CSSD). Đây là tổ chức gồm nhiều chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế, góp phần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa việc nghiên cứu quan hệ quốc tế.
 
>> Huyên náo biên giới Triều Tiên: Trung Quốc điều xe tăng, Mỹ sẽ đưa máy bay B52?
>> Huyên náo, cuồng nộ trên bán đảo Triều Tiên
 
Theo Hồng Duy (Zing.vn)