Thế giới

Triều Tiên có thể làm “điều bất ngờ” trong bầu cử Mỹ

Một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu lịch sử lặp lại, Triều Tiên có thể sẽ có hành động khiêu khích vào khoảng thời gian diễn ra bầu cử Mỹ.

Một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu lịch sử lặp lại, Triều Tiên có thể sẽ có hành động khiêu khích vào khoảng thời gian diễn ra bầu cử Mỹ.

Theo nghiên cứu, trong 60 năm qua, các nhà lãnh đạo Triều Tiên thường có những hành động kích động căng thẳng vào khoảng thời gian tổ chức bầu cử ở Mỹ, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Ví dụ, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa và sau đó là một vụ thử hạt nhân ngay sau khi Tổng thống Barack Obama đắc cử.

"Tiến hành một vụ thử nghiệm lớn sẽ là một cách để dọa nạt tổng thống mới", Victor Cha, một trong những tác giả của nghiên cứu cho hay.

Ông Cha nói thêm: "Triều Tiên lựa chọn những cửa sổ đặc biệt mà họ biết sẽ nhận được sự chú ý tối đa của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng".

Ông nhấn mạnh: "Đó có thể là một vụ thử hạt nhân thứ 6. Có thể họ sẽ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo".

Dự kiến nghiên cứu sẽ được công bố trên trang web Beyond Parallel của CSIS.

Tuy nhiên một số nhà phân tích nhận thấy có sự thay đổi trong các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, từ những hành động mang tính biểu tượng đến các vụ thử nghiệm quân sự cứng rắn kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi năm 2011.

Các nhà phân tích cũng cho rằng có sự giảm bớt các vụ khiêu khích gây thương vong mà chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, như vụ pháo kích hồi năm 2010 vào hòn đảo tranh chấp Yeonpyeong hay vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bằng ngư lôi. Chỉ có vụ đặt mìn ở khu phi quân sự làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương hồi năm ngoái.

Giám đốc CIA John Brennan nhận định, Triều Tiên là một trong những thách thức an ninh quốc gia khó khăn nhất mà tổng thống mới phải đối mặt.

Khi được hỏi liệu nguy cơ lớn nhất của Mỹ trên toàn cầu là gì, ông Brennan nói rằng: "Đó là khả năng từ kho vũ khí hạt nhân của Kim Jong-un.

Không chỉ đe dọa các nước láng giềng nó còn có khả năng xuyên lục địa. Đó là điều mà đội ngũ lãnh đạo mới và cả nhà lãnh đạo hiện tại phải tìm hiểu chặt chẽ và giải quyết".

Song các nhà phân tích an ninh quốc gia nhận định, Mỹ có ít đòn bẩy để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

"Tôi cho rằng chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng ngoại giao, điều này khá rõ ràng rồi. Mỗi chính quyền trong 20 năm qua đã cố gắng dùng cách tiếp cận bằng ngoại giao và Triều Tiên vẫn phớt lờ qua từng năm một", chuyên gia Michael Green từ CSIS cho biết.

Chuyên gia này nói thêm: "Điều Mỹ có thể làm cùng các đồng minh và đối tác của mình – trong đó hy vọng có Trung Quốc – là kiềm chế cơ hội tiếp cận với công nghệ, tiền bạc của Triều Tiên, làm chậm chương trình hạt nhân của họ và bắt đầu thiết lập các vòng đàm phán".

Theo Thảo Nguyên (Lao Động)