Thế giới

Tranh cãi về việc sử dụng robot tiêu diệt kẻ bắn tỉa cảnh sát Mỹ

Việc cảnh sát Dallas sử dụng robot mang bom để tiêu diệt kẻ bắn tỉa làm dấy lên một cuộc tranh luận về sử dụng công nghệ như vũ khí chống lại cái ác.

 

Việc cảnh sát Dallas sử dụng robot mang bom để tiêu diệt kẻ bắn tỉa làm dấy lên một cuộc tranh luận về sử dụng công nghệ như vũ khí chống lại cái ác.

Cảnh sát Mỹ đứng gác tại một giao lộ sau khi vụ phục kích Dallas xảy ra. Ảnh: AP

Sau khi kẻ bắn tỉa Micah Johnson hôm 7/7 nổ súng giết 5 cảnh sát và làm bị thương 7 cảnh sát cùng hai dân thường, lực lượng an ninh đã bao vây tên này tại một gara. Họ thương lượng rồi đấu súng với hắn trong vài giờ sau đó. Cuối cùng, cảnh sát sử dụng một robot mang bom để tiêu diệt y.

Theo WSJ, cảnh sát đã sử dụng loại robot phá bom, và đặt trên nó chất nổ C-4. Các chuyên gia an ninh và các quan chức hành pháp cho biết đây là lần đầu tiên cảnh sát triển khai robot cho mục đích tiêu diệt.

Cảnh sát trưởng Dallas David Brown nói rằng robot là lựa chọn duy nhất. "Các phương án khác đều khiến cán bộ của chúng tôi đối diện nguy hiểm rất lớn", ông nói.

Thị trưởng Dallas Mike Rawlings khen ngợi ông Brown đã "quyết định đúng đắn" và nói rằng ông sẽ không e ngại khi phải dùng đến chiến lược tương tự trong tương lai. "Khi không có cách nào khác, tôi nghĩ đây là một ví dụ tốt", ông nói. "Điều quan trọng là giữ cho cảnh sát tránh khỏi nguy hiểm".

Theo AP, cảnh sát đã sử dụng những robot như vậy trong nhiều thập kỷ để xử lý những vật thể nghi là bom trong các vụ đấu súng, bắt cóc con tin. Trong khi đó, quân đội trên thế giới chủ yếu dựa vào robot để vô hiệu hóa các thiết bị nổ tự chế. Các chuyên gia quân sự cho biết robot mặt đất ít khi được sử dụng để tiêu diệt kẻ thù. Mục đích chính của chúng là phát hiện và tháo ngòi nổ quả bom để cứu mạng sống.

Cảnh sát Mỹ từng dùng robot phá bom để chuyển đồ đến các đối tượng tình nghi, con tin và những người khác, hoặc để đánh lạc hướng hay giao tiếp với nghi phạm.

Năm ngoái, một người đàn ông cầm một con dao dọa nhảy khỏi một cây cầu ở San Jose, California. Anh ta bị khống chế sau khi cảnh sát dùng một con robot để chuyển cho anh ta một chiếc điện thoại di động và một chiếc bánh pizza.

Tranh cãi

Quyết định sử dụng robot trong vụ việc Dallas đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có vì sao cảnh sát không xử lý tay súng bằng lính bắn tỉa, hay vì sao cảnh sát không tiếp tục chờ đợi hắn quy hàng.

William Cohen, một cựu nhân viên Exponent người giúp thiết kế MARCbot, cho biết robot được chế tạo để cứu mạng sống thay vì kết thúc chúng. Mặc dù ông cảm thấy nhẹ nhõm khi tiêu diệt được nghi phạm ở Dallas, đã đảm bảo không có thêm cảnh sát khác hoặc dân thường bị tổn thương, Cohen vẫn lo lắng về những gì có thể xảy ra tiếp theo.

"Nó mở ra một loạt câu hỏi hoàn toàn mới về việc đối phó với những tình huống như thế này", Cohen nói. "Cảnh sát sẽ vạch ra ranh giới như thế nào khi quyết định giữa việc tiếp tục thương lượng và làm một điều gì đó như thế này?".

"Nếu robot có khả năng giết người được sử dụng trong tình huống này, chúng có thể còn được sử dụng ở đâu nữa?", Elizabeth Joh, một giáo sư Đại học California, nói. "Chúng ta liệu có muốn robot mang khả năng giết người trở thành một phần thường trực trong ngành cảnh sát? Chúng ta liệu có muốn chúng có trí tuệ nhân tạo? Vụ việc ở Dallas cho thấy đây không phải là giả thiết xa vời".

Cựu ủy viên cảnh sát Boston Ed Davis cho biết quy định của cảnh sát cho phép nhân viên có tính sáng tạo. Một khi cảnh sát có quyền sử dụng lực lượng gây chết người, họ có thể tiến hành bằng bất cứ cách nào cần thiết.

Một chuyên gia về các vấn đề pháp lý và robot nghĩ rằng việc sử dụng robot là hợp lý, và không thấy nhiều khác biệt giữa sử dụng robot và lính bắn tỉa từ khoảng cách xa.

"Sẽ không có tòa án nào thấy có vấn đề pháp lý ở đây", Ryan Calo, giáo sư tại trường luật của Đại học Washington, nhận định. "Khi ai đó là mối nguy hiểm có thể sát hại những người xung quanh, thì cảnh sát không có nghĩa vụ đặt mình vào nguy hiểm".

Theo NYTimes, các quan chức hành pháp cũng chú ý đến những vấn đề quan trọng khác phát sinh khi sử dụng một thiết bị nổ. Vụ nổ có thể hủy hoại tài sản và gây ra hỏa hoạn. Một trong số ít các trường hợp đó là khi cảnh sát sử dụng thuốc nổ năm 1985. Các cảnh sát Philadelphia đã đánh bom trụ sở của một nhóm tự xưng là "giải phóng người da màu". 11 thành viên của nhóm, trong đó có 5 trẻ em, thiệt mạng. Ngọn lửa lan qua cả khu phố, phá hủy hơn 60 ngôi nhà. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cảnh sát đã thả thuốc nổ xuống từ trực thăng chứ không sử dụng robot.

Seth Stoughton, một giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina lo ngại vụ việc tại Dallas có thể khiến các cảnh sát khác học theo, kể cả trong các tình huống không hợp lý. "Chúng ta có thể thấy robot được sử dụng cho mục đích tiêu diệt ở các trường hợp nhẽ ra không cần nó, bởi vì chúng rất dễ sử dụng và có vẻ an toàn hơn so với các lựa chọn khác", ông nói. "Chúng ta phải ít nhất thừa nhận một số rủi ro của việc lạm dụng".
 

Theo P.Vũ (VnExpress.net)