Thế giới

Tranh cãi về trách nhiệm trùng tu các nhà thờ trên thế giới

Mâu thuẫn thường xảy ra giữa chính quyền các nước và giáo hội khi các công trình tôn giáo lịch sử xuống cấp và cần được trùng tu.

Tranh cãi về trách nhiệm trùng tu các nhà thờ trên thế giới
Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi xảy ra vụ cháy hôm 15/4. Ảnh: MaxPixel.

Vụ hỏa hoạn hôm 15/4 không chỉ gây hư hại nghiêm trọng cho nhà thờ Đức Bà Paris mà còn cho thấy những tranh cãi gay gắt giữa chính quyền Pháp và giới chức giáo hội về trách nhiệm trùng tu, sửa chữa công trình có giá trị rất lớn về lịch sử và văn hóa này.

Trong lúc các chuyên gia tiếp tục đánh giá thiệt hại sau vụ cháy, một số người cho rằng Nhà thờ Đức bà đáng lẽ phải trải qua quá trình trùng tu từ nhiều năm trước và hỏa hoạn có thể không trở nên tồi tệ như vậy nếu việc bảo trì diễn ra thường xuyên.

Pháp ban hành đạo luật mang tên "Laicite" từ năm 1905, trong đó yêu cầu sự phân định rạch ròi giữa nhà nước và giáo hội, kể cả trong việc quản lý đất và tài sản ở các công trình tôn giáo. Nhiều người cho rằng quy định có thể khiến chính phủ Pháp ngần ngại trong việc chi tiền trùng tu nhà thờ Đức Bà trước đây, bởi đó có thể là hành động vi phạm luật.

Sự chần chừ này có thể là lý do nhà thờ bị xuống cấp trong thời gian dài trước khi dự án trùng tu quy mô lớn được tiến hành. Các điều tra viên Pháp đang xem xét giả thuyết sơ sót trong hoạt động trùng tu đã gây nên vụ hỏa hoạn hôm 15/4.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nguyên nhân không hoàn toàn xuất phát từ điều luật này. "Luật Laicite 1905 có hai điểm cơ bản là tự do tôn giáo và tính trung lập của nhà nước", Quentin Lopinot, nhà ngoại giao Pháp kiêm chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay. "Luật này không ngăn cản các cơ quan nhà nước hay cơ quan công quyền thực hiện việc duy tu, bảo trì cơ sở tôn giáo mà ngược lại, nó bảo lưu nguyên tắc rằng các nhà thờ không phải công trình tư nhân mà là những công trình thuộc sở hữu nhà nước".

Trước những ý kiến cho rằng sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước là lý do chính khiến chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron không đầu tư khôi phục Nhà thờ Đức bà Paris trước đây, Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud khẳng định "nhà thờ thuộc về nhà nước, bên chịu trách nhiệm cho việc bảo trì".

Dù vậy, việc duy tu, bảo trì thường xuyên các nhà thờ, thánh đường ở Pháp thường do những hiệp hội tôn giáo và văn hóa đảm nhận. Dù nhà nước Pháp chịu trách nhiệm cấp ngân sách cho những dự án cơ sở hạ tầng công cộng lớn, họ không phải lúc nào cũng có đủ kinh phí để thực hiện chúng.

"Chúng ta biết rằng tình hình tài chính công đang khá khó khăn nên có một vài công trình, di tích lịch sử dường như không được bảo trì như trước đây", Lopinot nói.

Theo một cuộc điều tra của Bộ Văn hóa, Pháp hiện có 32.000 nhà thờ, 6.000 nhà nguyện và 87 thánh đường, trong đó tất cả những công trình được xây dựng trước năm 1905 đều thuộc sở hữu của nhà nước.

Lý giải cho việc Nhà thờ Đức bà Paris không được bảo trì thường xuyên, Lopinot cho rằng một phần nguyên nhân là do nhà thờ quá lớn và cũ, trong khi ở Pháp hiện có rất ít người đủ năng lực để xử lý kiểu công trình như vậy.

Tranh cãi về trách nhiệm trùng tu các nhà thờ trên thế giới - 1
Nhãn


Phòng thờ Edicule bên trên mộ Chúa Jesus ở Jerusalem. Ảnh: Reuters.
Không chỉ ở Pháp, dự án trùng tu các công trình tôn giáo đặc biệt quan trọng cũng từng châm ngòi cho làn sóng tranh cãi quyết liệt ở nhiều quốc gia khác, điển hình là kế hoạch tôn tạo Mộ Chúa Jesus trong nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, Israel.

Được xây từ thế kỷ IV, Mộ Chúa Jesus đã xuống cấp trầm trọng và cần tu sửa khẩn cấp để tránh nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người hành hương. Tuy nhiên, các lãnh đạo tôn giáo phụ trách nhà thờ vẫn khăng khăng không chấp thuận dự án trùng tu, phản đối bất cứ thay đổi nào dù là nhỏ nhất, khiến kế hoạch tôn tạo từng lâm vào bế tắc vì tranh cãi giữa chính quyền và các giáo đoàn.

Năm 2015, cảnh sát Israel đã phải đóng cửa nhà thờ Mộ Chúa trong một thời gian ngắn sau khi nhận được cảnh báo về sự nguy hiểm của công trình đối với người hành hương. Hành động quyết liệt của chính quyền Israel đã thôi thúc lãnh đạo giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, giáo hội Armenia và giáo hội Chính thống Hy Lạp, ba giáo hội phụ trách quản lý nhà thờ Mộ Thánh, bỏ qua mâu thuẫn và hợp tác để bắt đầu công việc sửa chữa. Quá trình tôn tạo do Đại học Công nghệ Quốc gia Athens thực hiện.

Cũng có những công trình tôn giáo được phục dựng thuận lợi hơn nhờ sự đồng lòng giữa chính quyền và giáo hội. Tại Anh, Nhà thờ Thánh John ở Royston, Hertfordshire, được xây dựng cùng thời gian với Nhà thờ Đức bà Paris vào thế kỷ XIII, hứng chịu một vụ hỏa hoạn khiến phần mái và tháp chuông bị phá hủy hồi tháng 12 năm ngoái.

Ngay sau thảm họa, công tác tái thiết đang được thực hiện và dự kiến hoàn thành vào Giáng sinh năm 2020. Nhà chức trách cho hay toàn bộ kinh phí xây dựng lại nhà thờ được bảo hiểm chi trả.

"Đây là nơi mọi người đến để cầu nguyện suốt hàng thế kỷ, bạn có thể cảm nhận được những lời cầu nguyện, cảm giác thánh thiện trên từng bức tường", người quản lý nhà thờ Heidi Huntley nói. "Những người không thường xuyên đến nhà thờ vẫn đánh giá cao sự yên bình của không gian nơi này. Đó là điều tạo nên sự đặc biệt".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)