Thế giới

Trại giam không có áo tù, cai ngục và vũ khí ở Brazil

Các nhà tù ở Brazil nổi tiếng vì điều kiện tồi tệ và tình trạng quá tải, nhưng tại Apac, phạm nhân được đối xử theo cách hoàn toàn khác.

Trại giam không có áo tù, cai ngục và vũ khí ở Brazil
Phạm nhân Tatiane Correia de Lima mới được chuyển đến một nhà tù đặc biệt. Ảnh: Gustavo Oliveira.

Tatiane Correia de Lima, phạm nhân 26 tuổi bị kết án 12 năm tù, không nhận ra chính mình trong ngày đầu tiên tới phòng giam mới, bởi ở nơi cũ cô không thể ngắm mình trong gương.

"Thật kỳ lạ khi lại được nhìn thấy mình trong gương. Lúc đầu tôi còn không biết đó là ai", Lima trả lời BBC.

Cô mới được chuyển từ nhà tù chính thống tới một trại giam của Hiệp hội Bảo vệ và Hỗ trợ phạm nhân (Apac) tại thị trấn Itauna, bang Minas Gerais, Brazil.

Không giống hệ thống nhà tù thông thường "khiến bạn đánh mất sự nữ tính", tại trại giam của Apac, Lima được phép mặc quần áo của mình, dùng gương, trang điểm và nhuộm tóc. Tuy nhiên, sự khác biệt không chỉ dừng lại ở đó.

Brazil là quốc gia có số lượng tù nhân lớn thứ 4 trên thế giới. Các trại giam thường xuyên bị phản ánh bởi điều kiện nghèo nàn, tình trạng quá tải và bạo lực băng đảng, gây ra những cuộc ẩu đả chết người.

Giữa cuộc khủng hoảng nhà tù của đất nước, hệ thống Apac ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ bởi điều kiện nơi đây an toàn hơn, rẻ hơn và nhân đạo hơn. Hôm 20/3, nhà tù Apac đầu tiên ở miền bắc Brazil mở cửa tại bang Rondonia, nâng số lượng cơ sở tại quốc gia Nam Mỹ lên con số 49.

Trại giam không có áo tù, cai ngục và vũ khí ở Brazil - 1
Lima và người bạn cùng phòng tù Viviane Campos. Ảnh: Gustavo Oliveira.

Tất cả tù nhân tại Apac đều từng trải qua thời gian giam giữ trong các nhà tù chính thống, phải tỏ ra ăn năn, sẵn lòng tuân theo chế độ làm việc và học tập nghiêm ngặt. Đây là một phần trong triết lý của hiệp hội khi lập ra hệ thống Apac.

Hệ thống nhà tù Apac được thành lập bởi một nhóm người Công giáo vào năm 1972, hiện nay được hỗ trợ bởi Quỹ AVSI, một tổ chức phi chính phủ của Italy, và Hội hữu nghị Hỗ trợ Phạm nhân Brazil.

Phó chủ tịch Quỹ AVSI tại Brazil, Jacopo Sabatiello, cho biết tình yêu thương và công việc được ưu tiên trong nhà tù. "Ở đây chúng tôi gọi nhau bằng tên thật, không phải bằng một con số hay biệt danh, điều họ đã trải qua suốt cuộc đời tù tội", ông nói. Nơi đây không có cai ngục hay các loại vũ khí. Khách tới thăm sẽ được một tù nhân dẫn đường.

'Cải tà quy chính'

Các tù nhân tại đây được gọi là "những người đang phục hồi", thể hiện sự tập trung của Apac vào việc giúp họ hoàn lương và nhận ra công lý. Họ phải học tập và làm việc, đôi khi phối hợp với cộng đồng địa phương. Nếu không làm theo hoặc cố gắng bỏ trốn, họ có nguy cơ bị trả lại những nhà tù cũ.

Sabatiello chia sẻ rằng từng có những trận đánh nhau, nhưng chưa bao giờ có án mạng xảy ra tại nhà tù Apac. Ông cho biết sự vắng mặt của lực lượng bảo vệ làm giảm căng thẳng. Một số nữ tù nhân tại đây đã phạm những tội ác kinh khủng, nhưng không khí vẫn rất êm ấm.

Trại giam không có áo tù, cai ngục và vũ khí ở Brazil - 2
Các nhà tù chính thức tại Brazil đầy bạo lực và nguy hiểm. Ảnh: AP.

"Tôi vẫn đang cố gắng quên đi số hiệu tù nhân cũ của mình", Aguimara Campos, người điều hành một hội đồng trong nhà tù giúp liên lạc với chính quyền, cho biết.

Campos đã trải qua 4 tháng trong một nhà tù chính thống. Cô bị kết tội cấu kết và buôn bán ma túy sau khi cảnh sát tìm thấy 26 g cocaine trong căn hộ cô ở cùng chồng cũ.

"Chúng tôi bị ném vào nhau. 20 tù nhân ngủ trên những tấm nệm bẩn thỉu dưới sàn nhà, còn đồ ăn thì không thể nuốt nổi", cô kể lại. Một vấn đề khác khiến những nữ tù nhân như cô phải ái ngại là những người vào thăm đều bị lột trần để kiểm tra.

Hệ thống nhà tù truyền thống cứng nhắc

Trường hợp của Campos phản ánh nhiều vấn đề trong hệ thống nhà tù Brazil. Các chuyên gia cho biết phụ nữ thường bị bắt do các đồng phạm là nam giới tố giác, sau đó bị tống vào ngục với những luật lệ hà khắc. Đó là một trong những lý do số lượng tội phạm nữ ở Brazil tăng mạnh trong những năm gần đây.

"Tôi không biết gì về tội phạm khi bước chân vào nhà tù đó. Người phụ nữ ở cạnh tôi đã chặt đầu hàng xóm và đựng nó trong vali", Campos bày tỏ. Nhưng giờ đây cô đang đếm ngược thời hạn 8 năm tù bằng cách lao động chăm chỉ, và đã được áp dụng chế độ mở cửa một nửa tại nhà tù.

Thẩm phán Antonio de Carvalho, người ủng hộ hệ thống Apac ở Itauna, cho biết việc giảm án thông qua lao động và học tập cũng là một quy định trong hệ thống nhà tù thông thường, nhưng hiếm khi được áp dụng.

"Thật đáng buồn cho hệ thống nhà tù chính thức, còn Apac đang được ca ngợi vì duy trì việc thực thi luật lệ. Tôi chắc chắn Apac là biện pháp hiệu quả để đảm bảo quyền con người cho tù nhân Brazil khi họ hối cải", ông nhấn mạnh.

Tình yêu sau song sắt

Giống như những tù nhân mới đến khác, Lima hiện vẫn trong chế độ giam khép kín với ít đặc quyền hơn, và phải cố gắng thể hiện sự tiến bộ để được chuyển tới khu vực mở cửa một nửa. Sau đó, các tù nhân có thể tiến tới khu vực mở cửa hoàn toàn, nơi họ được phép rời nhà tù một lần mỗi tuần.

Lima vẫn tìm được bạn trai dù bị nhốt giữa những bức tường. Cô và bạn cùng phòng giam Viviane Campos bắt đầu hẹn hò với hai phạm nhân nam tại Apac sau khi gửi thư qua bộ phận quản lý nhà tù.

"Chúng tôi muốn đưa mọi người tới gần nhau hơn và muốn những người đang phục hồi cảm thấy tốt khi ở đây", Eduardo Oliveira, nhân viên của Hội hữu nghị Hỗ trợ Phạm nhân Brazil, cho biết.

Trong khoảng sân bên ngoài trại giam, dưới những khung sắt che phủ bầu trời, là dòng thông điệp của Apac: "Không ai chạy trốn khỏi tình yêu".

Trại giam không có áo tù, cai ngục và vũ khí ở Brazil - 3
Dòng thông điệp "Không ai chạy trốn khỏi tình yêu" tại nhà tù Apac. Ảnh: Gustavo Oliveira.

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)