Thế giới

Tính toán của Trung Quốc sau các cuộc hội đàm liên Triều

Khẳng định vai trò không thể thiếu trong các cuộc đàm phán, muốn các nước ủng hộ đề xuất “đóng băng kép”, cạnh tranh ảnh ưởng với Mỹ và chia rẽ liên minh Hàn - Mỹ là những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc tích cực trong việc thúc đẩy và ủng hộ các cuộc đối thoại liên Triều.

Tính toán của Trung Quốc sau các cuộc hội đàm liên Triều
Ảnh: Newsweek

Trung Quốc tích cực trong các cuộc hội đàm liên Triều

Trong những tuần đầu tiên của năm 2018, cả thế giới đã chứng kiến sự tan băng đáng kể trong căng thẳng liên Triều.

Trong các cuộc đối thoại cấp cao nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vừa qua, chính quyền Bình Nhưỡng đã nhất trí cử một phái đoàn tới tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 ở Hàn Quốc, dự kiến từ ngày 9-25/2 tới.

Ngoài ra, hai bên còn nhất trí lập đội tuyển khúc côn cầu nữ chung và cùng diễu hành tại lễ khai mạc sự kiện thể thao này.

Trung Quốc, quốc gia có vai trò then chốt đối với tình hình Bán đảo Triều Tiên, đã hoan nghênh các diễn biến trên và diễn giải rằng đó là “cách giải quyết đúng đắn thông qua đối thoại và tham vấn”.

Sự ủng hộ của Trung Quốc không phải là một điều bất ngờ. Bắc Kinh đã đóng vai trò tích cực đằng sau hậu trường trong những tháng gần đây nhằm thúc đẩy hai miền Triều Tiên tiến gần hơn tới đàm phán.

Theo chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden, một cuộc họp bí mật giữa Thứ trưởng Thể thao Triều Tiên và phía Hàn Quốc đã diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 12/2017. Nếu đúng thì điều này cho thấy Bắc Kinh là một nhà kiến tạo các cuộc đàm phán liên Triều cấp thấp.

Trước khi cuộc đối thoại liên Triều cấp cao hơn diễn ra tại Panmunjom hôm 9/1, các trưởng đoàn của Trung Quốc và Hàn Quốc tại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng đã gặp nhau trong 2 ngày ở Seoul.

Đặc biệt, vào thời điểm Mỹ kêu gọi tất cả các nước cắt đứt quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc lại duy trì một kênh liên lạc mở với Bình Nhưỡng và thể hiện sẵn sàng đàm phán. Bất chấp sự đi xuống trong quan hệ, Bắc Kinh vẫn tìm cách tổ chức cuộc gặp song phương với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho bên lề hội nghị ASEAN hồi tháng 8/2017 và tháng 11/2017. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng để đàm phán với trợ lý thân cận nhất của ông Kim Jong-un.

Trung Quốc tính toán những gì?

Theo các chuyên gia về quan hệ Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, bằng cách đặt nền móng cho các cuộc đàm phán liên Triều, Trung Quốc hy vọng đạt được những mục tiêu sau.

Trước hết, Trung Quốc hy vọng giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và nếu có thể, sắp xếp để “giành được” sự ủng hộ cho đề xuất “đóng băng kép”, theo đó, Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, đổi lại Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa.

Việc căng thẳng gia tăng trở lại đóng vai trò quan trọng đối với an ninh Trung Quốc, do nước này coi Triều Tiên như một vùng đệm để giữ quân đội Mỹ ở bên ngoài biên giới nước này và lo sợ tình trạng bất ổn cũng như dòng người tị nạn do chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ gây ra. 

Xét theo quan điểm của Bắc Kinh, việc tạm thời ngừng các cuộc tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, nhiều khả năng tạo ra cảm giác hài lòng và sẽ được coi là chiến thắng nho nhỏ nếu Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử trong thời gian đó.

Thứ hai, Bắc Kinh hy vọng tái khẳng định một số đòn bẩy đối với Triều Tiên. Trung Quốc đã sử dụng Liên hợp quốc (LHQ) để gây sức ép với Triều Tiên, thương lượng với Mỹ về những điều khoản trong các nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thể hiện sự khó chịu trước việc Bình Nhưỡng sẵn sàng đe dọa an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể giao dịch thương mại với Triều Tiên phù hợp với các lệnh trừng phạt nói trên của LHQ. Bằng việc làm này, Bắc Kinh đã cho Bình Nhưỡng thấy sự thất vọng và sức mạnh địa chính trị của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không cắt hoàn toàn quan hệ thương mại với Triều Tiên và bảo vệ bảo vệ lợi ích của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong các vấn đề về  nhân quyền. Bằng cách này, Bắc Kinh đã thể hiện cho Bình Nhưỡng thấy một mức độ cam kết còn sót lại mặc dù ở mức hạn chế.

Cuối cùng, Trung Quốc được thúc đẩy bởi các lý do địa chính trị. Triều Tiên đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ.

Nhà phân tích chính trị Triệu Thông thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie–Tsinghua giải thích: “Đối với Trung Quốc, Mỹ luôn là mối quan ngại chiến lược hàng đầu về địa chính trị”, chứ không phải Triều Tiên.

Sẽ có những khó khăn cho Trung Quốc

Như vậy, có thể thấy rằng bằng việc ủng hộ đối thoại liên Triều, Trung Quốc có thể chia rẽ liên minh Hàn – Mỹ. Và kéo dài thời gian trì hoãn việc nối lại các cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ.

Đặc biệt, với việc ủng hộ ông Kim Jong-un chìa cành ôliu cho Hàn Quốc, Bắc Kinh cũng đã thể hiện sự ủng hộ các biện pháp có thể nới lỏng lệnh trừng phạt của LHQ cũng như giảm sức ép cho Bình Nhưỡng về giải giáp hạt nhân và làm thất bại chiến lược “siết chặt” của Washington.

Tuy nhiên, sẽ khó khăn cho Trung Quốc để đạt được những mục tiêu trên .

Theo Đức Thức (Tiền Phong)