Thế giới

Tình hình Campuchia hạ nhiệt trước chuyến thăm của ông Tập

Phó Chủ tịch Đảng CNRP xuất hiện trước công chúng sau 5 tháng ẩn náu trong trụ sở, Chủ tịch Trung Quốc có thể thăm Campuchia trong tháng 10.

Phó Chủ tịch Đảng CNRP xuất hiện trước công chúng sau 5 tháng ẩn náu trong trụ sở, Chủ tịch Trung Quốc có thể thăm Campuchia trong tháng 10.

Điều đặc biệt là ông Kem Sokha đã không bị chính quyền bắt giữ do có liên quan tới việc ông tố cáo chính quyền.

Tinh hinh Campuchia ha nhiet truoc chuyen tham cua ong Tap
Ông Kem Sokha đến thăm thành viên trong nhóm nghiên cứu tại nhà tù Prey Sar ở ngoại ô Phnom Penh vào tháng Hai. Ảnh: Cambodia Daily

Hồi tháng trước, ông này bị tòa án Campuchia tuyên án 5 tháng tù trong phiên xử vắng mặt vì không chịu ra làm chứng trong một vụ việc khác.

Theo báo chí Campuchia, sau khi rời khỏi trụ sở CNRP, ông Kem Sokha đã đăng ký tham gia bầu cử ở thủ đô Phnom Penh rồi quay trở lại trụ sở CNRP.

Phát biểu trong ngày 5/10, ông Kem Sokha tuyên bố CRNP muốn các đảng phái ở Campuchia được cạnh tranh tự do, công bằng trong cuộc bầu cử sắp tới, bảo đảm kết quả bầu cử phản ánh đúng nguyện vọng của người dân.

Cùng ngày, CRNP hoan nghênh dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng chính trị của giới chức nước này.

Yem Ponhearith, thành viên CRNP cho biết tình hình hiện tại đã bớt căng thẳng. 
Trong khi đó, đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen không đưa ra bình luận.

Tờ Cambodia Daily cho hay phía nhà chức trách nước này thông báo sẽ không bắt ông Kem Sokha cho tới khi quá trình kháng cáo kết thúc.

Reuters dẫn lời ông Soy Sopheap, chủ một tờ báo và nhà thương thuyết chính trị lâu năm của Thủ tướng Campuchia đương nhiệm, cho biết ông đã đưa ra giải pháp hòa giải cho hai đối thủ chính trị.

 “Tình hình diễn biến thế nào đều phụ thuộc cách hành xử của đảng đối lập”- Soy Sopheap nói và cho biết đảng cầm quyền sẽ dõi theo hành động của CRNP.

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen cũng đã tuyên bố một lệnh đình chiến chính trị,  kêu gọi các đối thủ gác khác biệt sang một bên. CRNP, vốn tẩy chay quốc hội từ năm ngoái, cho biết sẽ quay lại đối thoại.

Tinh hinh Campuchia ha nhiet truoc chuyen tham cua ong Tap
Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong lần gặp mặt hồi năm 2014. Ảnh: Cambodia Daily

Trong khi tình hình Campuchia có các dấu hiệu hạ nhiệt, thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đất nước Chùa Tháp trong tháng này đang được lan truyền.

The Cambodia Daily ngày 3/10 đưa tin, giữa lúc quan hệ Campuchia với phương Tây đang xấu đi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Campuchia trong tháng này.

Thông tin này được tướng Neth Savoeun, Cảnh sát trưởng quốc gia Campuchia đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân.

Nếu nó diễn ra, đây là chuyến thăm đầu tiên đến Campuchia của ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Lần trước ông Bình đến Campuchia năm 2009 với tư cách Phó Chủ tịch nước.

Hiện, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh không đưa ra bình luận nào về thông tin này.

The Phnom Penh Post hôm 30/9 cũng chỉ đưa thông tin khả năng ông Tập Cận Bình sẽ thăm Campuchia trong tháng 10.

Tờ báo cho hay, ông Vương Tiểu Hồng đã làm việc với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, tướng Neth Savoeun, Cảnh sát trưởng Phnom Penh Chuon Sovann để chuẩn bị cho chuyến thăm.

Trung Quốc vốn đang rót ít nhất 600 triệu USD viện trợ cho Campuchia. Các nhà phê bình đã chỉ trích Campuchia làm cánh tay nối dài của Trung Quốc, ngăn cản đưa Biển Đông vào các hội nghị của ASEAN.

The Phnom Penh Post đánh giá: Campuchia ngày càng được xem như một đồng minh gần gũi nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Đất nước Chùa Tháp đã nhận được hàng tỉ đô la viện trợ của Trung Quốc.

Lee Morgenbesser, một nhà nghiên cứu từ Đại học Griffith của Australia bình luận: "Viện trợ và đầu tư không điều kiện ràng buộc của Trung Quốc tiếp tục hút Campuchia về phía Trung Nam Hải một cách nhanh chóng. Phương Tây chỉ đơn giản là không thể cung cấp những gì Bắc Kinh có thể. Những chỉ trích về nhân quyền từ phương Tây 'là việc cần thiết', nhưng thực sự không mang lại kết quả."

Ou Virak, nhà nghiên cứu từ Diễn đàn Tương lai nhận xét, sự thay đổi bắt đầu từ năm 2008 khi nổ ra tranh chấp biên giới Campuchia- Thái Lan. Trung Quốc là nước duy nhất "giúp" Campuchia vũ khí và tiền bạc.

Điều này cũng sẽ làm giảm khả năng lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy có được nguồn ủng hộ quốc tế nhằm tìm kiếm một lệnh ân xá từ Hoàng gia để trở về nước.

Người phát ngôn chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan nói: "Chúng tôi không phụ thuộc vào bất cứ ai, mà cố gắng làm đối tác với tất cả các nước. Ngay cả khi Mỹ chỉ trích chúng tôi, chúng tôi vẫn mở rộng vòng tay và mỉm cười với họ", Cambodia Daily dẫn lời ông Siphan.

Theo Kim Hoa (Đất Việt)