Thế giới

Tình báo Anh – Mỹ và kế hoạch nắm giữ nguồn dầu mỏ Trung Đông

Tờ Politico Magazine vừa phát hiện tại Thư khố Quốc gia Anh ở London tập tài liệu tuyệt mật được giữ kín trong nhiều năm dài tiết lộ Mỹ và Anh từng lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Liên Xô chiếm đoạt những nguồn dầu mỏ có giá trị ở Trung Đông.

Tờ Politico Magazine vừa phát hiện tại Thư khố Quốc gia Anh ở London tập tài liệu tuyệt mật được giữ kín trong nhiều năm dài tiết lộ Mỹ và Anh từng lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Liên Xô chiếm đoạt những nguồn dầu mỏ có giá trị ở Trung Đông; Còn trong trường hợp không ngăn chặn được thì họ sẽ có những hành động nhằm vô hiệu hóa nguồn dầu mỏ đó.

“Kế hoạch khắc chế”

Đệ nhị Thế chiến đã cho thấy tầm quan trọng của dầu mỏ, chính nhờ kiểm soát được nguồn dầu mỏ mà quân Đồng minh dần đạt được ưu thế và giành chiến thắng trước phe Trục phát xít. Sau năm 1946, hai siêu cường thế giới bắt đầu tìm cách sở hữu nguồn tài nguyên giàu có này. Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới đã được Liên Xô giúp đỡ và thành lập một công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ; trong tổng vốn liên doanh, Liên Xô chiếm 51%.

Tổng thống Harry S.Truman.

Một ngày mùa hè năm 1951, sĩ quan George Prussing của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có mặt tại trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Anh ở thủ đô London, gặp gỡ 3 giám đốc điều hành người Anh làm việc cho 3 công ty dầu mỏ - Iraq Petroleum, Kuwait Oil và Bahrain Oil- để nói chuyện về kế hoạch của chính quyền Mỹ đối phó với Liên Xô. Mục đích của cuộc nói chuyện mà Prussing hướng tới là 3 vị giám đốc điều hành này đồng ý “giúp đỡ và hợp tác” với CIA.

Nhằm tăng tính thuyết phục, Prussing không quên nhấn mạnh đến vấn đề an ninh, cụ thể là việc giữ bí mật đối với các quốc gia mục tiêu ở Trung Đông bao gồm Arập Xêút, Iran và Iraq và xoáy vào trọng tâm của kế hoạch - mà CIA lấy tên gọi “chính sách khắc chế” - là “tàn phá ngành công nghiệp dầu mỏ ở Trung Đông nếu như khu vực này lọt vào vòng kiểm soát của Moscow. “Tàn phá” ở mức độ nào? Các giếng dầu sẽ bị bít lại, trang thiết bị và các  kho dự trữ dầu bị phá hủy, phải vô hiệu hóa các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu… nghĩa là làm bất cứ hành động nào nhằm ngăn chặn Liên Xô sở hữu những nguồn dầu mỏ có giá trị…

Thật ra, kế hoạch này là một “bổn cũ soạn lại” vì vào năm 1941, giai đoạn đầu của Đệ nhị thế chiến, Anh và Liên Xô là đồng minh của nhau và cả hai cùng triển khai “Chiến dịch Countenance” nhằm chống lại khả năng phát xít Đức mở rộng phạm vi chiến tranh và tìm cách kiểm soát nguồn dầu mỏ ở Trung Đông. Sau khi Đệ nhị thế chiến kết thúc, Anh xoay lưng đổi mặt biến bạn thành thù.

Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman phê chuẩn kế hoạch NSC 26/2 để ngăn chặn quân đội Liên Xô nắm giữ nguồn dầu mỏ Trung Đông, các tài liệu từ Thư khố Quốc gia Anh cho thấy lần đầu tiên CIA đóng vai trò chủ đạo trong kế hoạch biến các công ty dầu mỏ thành lực lượng bán quân sự sẵn sàng thực hiện “chính sách khắc chế” của chính quyền Mỹ.

Theo đó, CIA đã bí mật cài một số điệp viên vào trong nội bộ các công ty dầu mỏ để hoạt động gián điệp. Tài liệu mật cũng tiết lộ những cuộc bàn luận giữa Mỹ và Anh về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Iraq và Iran. Giới chức quân sự Anh lúc đó tin rằng bom nguyên tử cũng có thể là giải pháp sau cùng nhằm phá hủy những nhà máy lọc dầu.

Trước đây, do sự nhầm lẫn tai hại mà Kế hoạch NSC 26/2 đã bị một thủ thư làm việc tại Thư viện Tổng thống Truman – một bộ phận của Cơ quan Quản trị Hồ sơ chính quyền và Thư khố Quốc gia Mỹ (NARA) – cho giải mật. Các quan chức CIA vô cùng giận dữ yêu cầu sa thải ngay lập tức người thủ thư.

Hồ sơ NSC 26/2 được tái phân loại tuyệt mật, nhưng vào lúc đó Công ty Research Publications ở bang Connecticut miền bắc nước Mỹ đã kịp thời gửi hồ sơ giải mật cùng với một số tài liệu vi phim đến cho các thư viện khác trên nước Mỹ. Nếu như tiến hành thu hồi số tài liệu vi phim thì hành động này có thể thu hút sự chú ý trong dư luận nên phần lớn Kế hoạch NSC 26/2 được công chúng biết đến vào năm 1996 qua câu chuyện của Charles Crumpley đăng tải trên tờ The Kansas City Star.

Năm 1953, Kế hoạch NSC 26/2 được chính quyền của Tổng thống Dwight D. Eisenhower thay thế bằng Kế hoạch NSC 176 và sau này đổi tên gọi lần nữa thành NSC 5401 với sự nhấn mạnh hành động tăng cường bịt kín những giếng dầu nhằm “bảo tồn” nguồn dầu mỏ Trung Đông cho các chính quyền phương Tây sử dụng sau này. “Chính sách khắc chế” tiếp tục kêu gọi các công ty dầu mỏ vô hiệu hay phá hủy các cơ sở và trang thiết bị sản xuất dầu nhằm ngăn chặn Liên Xô chiếm hữu.

Do lo ngại sự rò rỉ thông tin mật đến các chính quyền Trung Đông nên “chính sách khắc chế” được tái cấu trúc vào năm 1957 với tên gọi NSC 5714 đi vào trọng tâm bảo vệ các cơ sở dầu mỏ trước những cuộc  không kích và phá hoại. Dù thế nào đi nữa thì “chính sách khắc chế” cũng không che giấu được sự thèm khát kiểm soát các cơ sở dầu mỏ Trung Đông khổng lồ của phương Tây và họ luôn dùng mọi cách can thiệp vào một khu vực đầy nhạy cảm.

“Kẻ ngáng đường” Mohammad Mossadeq

Lịch sử Iran có lẽ đã sang một trang khác nếu không có sự can thiệp “công phu và bài bản” của hai cơ quan tình báo Mỹ và Anh tiến hành vào mùa thu năm 1953 mà kết quả là một cuộc đảo chính lật đổ vị thủ tướng dân cử. Cuộc chính biến này đã để lại “bước ngoặt bi kịch” trong tiến trình lịch sử của Iran và trong mối quan hệ giữa nước này với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đây cũng là một trong các điệp vụ “thành công vang dội” đầu tiên của CIA mà ngay cả đối thủ sừng sỏ như Cơ quan tình báo KGB của Liên Xô cũng bị bất ngờ.

Một giàn khoan dầu mỏ ở Vùng Vịnh.

Bản thân Mỹ và cả Anh thường cố gắng bưng bít thông tin về vai trò của họ trong cuộc đảo chính này, tuy nhiên, sự thật không thể che giấu khi các tài liệu CIA được giải mật năm 2011 và được công bố trên trang web của Viện Nghiên cứu Tư liệu an ninh quốc gia thuộc Đại học George Washington (Mỹ) ngày 19-8-2013. 20 trang tài liệu của CIA và 14 trang tài liệu của phía Anh, tuy chưa thực sự đầy đủ (có nhiều đoạn bị xóa và còn nhiều tài liệu mật liên quan chưa được công bố) nhưng đã cung cấp thêm nhiều chi tiết về các hoạt động lật đổ của CIA.

Trước đó, vào năm 2009, tại Đại học Cairo ở Ai Cập, Tổng thống Obama trong bài phát biểu của mình đã khẳng định: “Giữa lúc diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã đóng vai trò đáng kể trong việc lật đổ một chính phủ Iran được bầu một cách dân chủ và hoàn toàn hợp hiến”.

Còn vào năm 2000, trong  bài phát biểu tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright cũng thừa nhận: “Năm 1953, Hoa Kỳ gần như là đầu lĩnh trong việc dàn dựng cuộc lật đổ Thủ tướng dân cử của Iran Mohammad Mossadeq… Hơn nữa, trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, Hoa Kỳ và phương Tây đã liên tục hậu thuẫn cho chế độ Shah (Quốc vương Iran)… Chính quyền Shah đã đàn áp một cách tàn bạo những người bất đồng chính kiến”.

Cũng vào năm 2000, báo New York Times đã lần lượt đăng tải một tập tài liệu bị rò rỉ của CIA (đề tháng 3-1954) ghi lại hoạt động lật đổ của tổ chức này tại Iran năm 1953 với mục đích “tổng kết kinh nghiệm” và làm tài liệu hướng dẫn cho các điệp vụ của họ trong tương lai.

Stephen Kinzer, tác giả của một trong các cuốn sách viết về cuộc đảo chính này, khi tham gia buổi tọa đàm của kênh truyền hình Democracy Now của nhà báo điều tra Amy Goodman năm 2003, cho biết: Khi xâu chuỗi các sự kiện để viết cuốn sách, ông chợt nhận ra một điều “Một quốc gia giàu mạnh đã dễ dàng đến nhường nào trong việc đẩy một nước nghèo yếu vào tình trạng hỗn loạn”.

Ở đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại bối cảnh xã hội và xuất phát từ động lực nào khiến Anh, Mỹ cùng nhau tiến hành đảo chính tại quốc gia Tây Á này. Vào đầu thế kỷ XX, Công ty Dầu mỏ Anh-Iran, viết tắt là AIOC (sau này trở thành hãng dầu BP của Anh), được thành lập sau khi phát hiện mỏ dầu trữ lượng lớn ở Iran. Công ty này độc quyền khai thác dầu tại Iran và đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của nước Anh giai đoạn đó.

Các giếng dầu của Iraq Petroleum.

Tuy nhiên Iran chỉ được hưởng một phần lợi nhuận nhỏ nhoi từ nguồn tài nguyên của chính mình và chính quyền Iran đã nhiều lần thương lượng để nâng tỷ lệ lợi nhuận cho mình nhưng bất thành, đó là chưa kể công nhân Iran trong lĩnh vực dầu mỏ chỉ được lĩnh mức lương thấp và sinh hoạt trong điều kiện môi trường lao động tồi tàn, đầy nguy hiểm không khác nào dành cho những người tù khổ sai.

Sau Đệ nhị thế chiến, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa phát triển mạnh tại khu vực Trung Đông mà Iran không phải là ngoại lệ. Bất mãn với tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận dầu mỏ, người Iran bắt đầu hình thành tư tưởng quốc hữu hóa Công ty AIOC.

Một trong các lực lượng đi đầu trong phong trào quốc hữu hóa ngành dầu mỏ là đảng trung tả Mặt trận Dân tộc do Mohammad Mossadeq sáng lập và lãnh đạo, từ đầu thập kỷ 1950, ông là người kịch liệt phản đối ưu thế của Anh trong ngành dầu mỏ nước mình. Mossadeq đòi ăn chia 50-50 giữa Iran và Công ty dầu mỏ Anh - Iran, tỷ lệ sau này trở thành phổ biến giữa các nước sản xuất dầu với các công ty Mỹ.

Ông Mossadeq trở thành Thủ tướng Iran sau một cuộc bỏ phiếu dân chủ tại Quốc hội. Với chủ trương quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, Thủ tướng Mossadeq đã trình dự thảo về việc này lên quốc hội Iran và nhận được sự thông qua với tỉ lệ nhất trí gần như tuyệt đối. Việc quốc hữu hoá Công ty dầu mỏ Anh - Iran tiến hành thành công và Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran ra đời trong bối cảnh này.

Hẳn nhiên khi biết tin về chuyện quốc hữu hóa này, người Anh không thể ngồi yên. Họ phái đại diện đến Iran thuyết phục Thủ tướng Iran chỉ tiến hành quốc hữu hóa trên danh nghĩa mà thôi, nhưng Mossadeq kiên quyết không nhượng bộ.

Trước tình hình đó, Anh tính bắt đầu tính đến phương án xâm lược Iran để chiếm các khu vực dầu mỏ, bảo vệ các lợi ích của mình, nhất là khi đã bị mất thuộc địa khổng lồ Ấn Độ. Nhưng Tổng thống Mỹ Harry Truman dứt khoát phản đối kế hoạch phiêu lưu này có lẽ vì nước Mỹ đang vướng vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên?

Thủ tướng Anh Churchill đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đe dọa can thiệp quân sự đối với Iran. Đến lúc này, nước Anh tạm thời tăng cường hoạt động khai thác dầu mỏ ở một số nước khác để bù lại sự thiếu hụt ở Iran, đồng thời tung ra lá bài cấm vận kinh tế (rút chuyên gia kỹ thuật, phong tỏa tài chính và các hải cảng, lôi kéo các nước khác tẩy chay dầu mỏ Iran trên thị trường quốc tế…

Sau đó, Mỹ cũng làm như vậy). Không một công ty dầu quốc tế nào mua dầu của Iran. Tehran không có hệ thống phân phối nguồn năng lượng riêng; họ không có công nghệ sản xuất vì người Anh từ lâu chỉ cho dân bản xứ làm những công việc thuần túy chân tay.

Ngay cả khi Thủ tướng Mossadeq đe dọa sẽ bán dầu với giá bằng một nửa so với giá thị trường thế giới, việc mua bán cũng chỉ diễn ra nhỏ giọt, còn chính quyền Mỹ cũng cắt toàn bộ viện trợ cho Iran. Những động thái này thực sự đã gây lao đao cho nền kinh tế Iran và chính phủ của Thủ tướng Mossadeq, mặc dù vậy nước Anh vẫn chưa hài lòng và họ đã lên kế hoạch nhổ cho bằng được cái gai trước mắt.

Theo Trang Thuần - Đinh Linh (CAND Online)