Thế giới

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã khẳng định vị thế của Singapore như một mảnh đất không chỉ làm sản sinh của cải mà còn là nơi có thể kiến tạo hòa bình thế giới.

"Thôi, tôi sẽ không nói tôi thích Kim hay Trump hơn đâu, dù tôi không ưa Trump chút nào. Người Singapore chúng tôi trung lập mà", Koh Kah Noi, một phụ nữ về hưu 70 tuổi, nói trong buổi chiều khi cả thế giới đang nhìn về Singapore và hội nghị Mỹ - Triều.

Không phải lúc nào người ta cũng gặp tôn chỉ ngoại giao của một quốc gia được thốt ra ngay trên vỉa hè như vậy. Nhưng thành tựu đối ngoại của Singapore, nếu không được mọi công dân rành rẽ, thì cũng được thể hiện qua rất nhiều dịp, gần đây nhất là việc họ trở thành nơi chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên, một cuộc gặp chưa từng xảy ra trong hơn 70 năm thù địch của 2 nước.

Người bạn giàu có, trung lập của Triều Tiên

Truyền thông Triều Tiên vốn thường hạn chế việc trình chiếu cảnh thịnh vượng của các nước tư bản. Thế nhưng, trong bộ phim tài liệu ghi lại chuyến đi Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều của ông Kim Jong Un, Bình Nhưỡng lại "hé bức rèm" để người dân được nhìn ngắm sự thịnh vượng của đường phố Singapore, bến cảng bận rộn bậc nhất thế giới và vẻ rực rỡ của khu vườn nhân tạo Gardens by the Bay về đêm.

“Triều Tiên rất thích mô hình của Singapore, phồn vinh nhưng ổn định, với một gia đình nhiều đời lãnh đạo. Chuyện này rất thuyết phục Triều Tiên nếu họ muốn mở cửa", phó giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (thuộc Đại học Quốc gia Singapore), nói với Zing.vn.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore
Lãnh đạo Triều Tiên trong lần ra ngoài để ngắm cảnh Singapore vào tối 11/6. Ảnh: .

Nhưng Singapore không chỉ là một mô hình lý tưởng, họ còn là một người bạn lâu năm của Triều Tiên. Trong một thời gian dài trước khi được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Singapore đã xây dựng hình ảnh của họ như một quốc gia an toàn, trung lập và đáng tin cậy. Không nhiều quốc gia có sứ quán đặt tại Triều Tiên và sứ quán của Triều Tiên đặt tại nước họ như Singapore, với một đại sứ và cả những mối quan hệ làm ăn. Thậm chí cho đến cuối năm 2016, Singapore vẫn miễn visa cho công dân Triều Tiên.

"Quan hệ của Singapore với Bình Nhưỡng ‘đủ tốt’, dù không hoàn hảo nhưng ‘đủ tốt’, và tốt hơn so với nhiều quốc gia khác đối với Bình Nhưỡng. Đằng nào thì ông Kim cũng sẽ không đến Malaysia”, tiến sĩ Mustafa Izzuddin, nhà phân tích chính sách đối ngoại Singapore tại Viện nghiên cứu Yusof Ishak (ISEAS, Singapore), nói với Zing.vn, ám chỉ việc Malaysia, dù cũng có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, lại là nơi diễn ra vụ ám sát công dân Triều Tiên Kim Chol. Người bị sát hại còn được cho là anh trai cùng cha khác mẹ với ông Kim Jong Un.

Trở lại với đảo quốc sư tử, bất kỳ đâu có cơ hội kinh tế, ở đó có người Singapore. "Đặc biệt là tại châu Á, các nước có truyền thống Khổng giáo, dễ làm ăn hơn rất nhiều", theo ông Khương.

Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng vạch rõ rằng Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên - cả nam và bắc bán đảo - cùng Việt Nam là những cơ hội kinh tế đặc biệt mà Singapore phải để tâm đến, đó là "những vùng đất sẽ đặc biệt phát triển, bất kỳ giá nào cũng phải cắm rễ ở đó". Và Singapore đã không bỏ Triều Tiên, cho đến tháng 11/2017, khi họ phải tuân thủ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và cắt đứt giao thương với Bình Nhưỡng. 

Quan hệ Mỹ - Singapore đương nhiên tốt và có truyền thống từ lúc Singapore độc lập vào thập niên 1960. Lúc sinh thời, Lý Quang Diệu đã trở thành bộ óc mà các tổng thống Mỹ tham vấn khi gặp các vấn đề về châu Á.

Có nhiều phương án được đề cập khi chính phủ Mỹ và Triều Tiên cân nhắc nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, với Thụy Sĩ và Mông Cổ từng được đề cập cạnh Singapore.

“Ông Kim có thể sẽ muốn đến Thụy Sĩ, nơi ông ấy từng học. Nhưng các nước châu Âu có lẽ sẽ không quá hoan nghênh ông ấy và thường chỉ trích chính quyền Triều Tiên”, ông Izzuddin nói. “Mông Cổ, dù có nền văn hóa giàu có, nhưng có thể không đủ phát triển về kinh tế. Có thể sẽ có vài quan ngại về an ninh”.

Chỉ còn Singapore, đất nước giàu có, hòa hợp về xã hội và ổn định về chính trị. Quan trọng không kém, Singapore có thể cho cả Kim lẫn Trump cảm giác “như ở nhà”.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore - 1
Singapore vốn có kinh nghiệm tổ chức an ninh và hậu cần do từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn. Ảnh: .

Về phần Singapore, một đất nước không lớn và không có nhiều dịp để thể hiện tầm ảnh hưởng của họ lên thế giới, điều duy nhất Singapore có thể làm là "chuẩn bị và chờ thời". Họ có mọi thứ để chuẩn bị cho việc tổ chức một sự kiện lớn như vừa qua: nguồn lực, an ninh, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn. Và cuối cùng họ nắm được cơ hội có thể sẽ không lặp lại trong thế kỷ 21.

“Singapore đã căng mắt ra để tìm những cơ hội như thế này. Định vị chiến lược của họ bao gồm việc nắm bắt cơ hội và chuẩn bị nguồn lực khi cơ hội đến”, theo ông Khương. 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không giấu giếm tham vọng này. Trong dịp đến thăm trung tâm báo chí của hội nghị hôm 10/6, ông nói Singapore đã chi ra 15 triệu USD cho công tác hậu cần và an ninh của cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng đó là một cái giá Singapore "sẵn sàng trả" và là "một nhiệm vụ rất quan trọng" của họ.

An ninh không bằng "sự hiểu thấu trong lòng"

Trong sự bất ngờ của nhiều người, cả ông Kim và ông Trump đã đến Singapore sớm gần 2 ngày để chuẩn bị cho cuộc gặp. Và họ sử dụng một ngày trống trước khi gặp nhau ở đảo Sentosa để gặp Thủ tướng Lý Hiển Long, thậm chí gặp gỡ cả Singapore - đối với ông Kim khi ông đã rời khách sạn lúc đêm muộn để nhìn ngắm thành phố.

Cuộc gặp lần lượt của ông Kim và ông Trump với Thủ tướng Lý làm hé lộ khả năng Singapore không chỉ cung cấp một nơi để 2 nhà lãnh đạo gặp gỡ, mà tham vọng trở thành một nguồn tham vấn.

"Giá trị lớn nhất của Singapore không phải các vấn đề hậu cần, mà chính là sự hiểu thấu trong lòng. Họ hiểu rất rõ về quan hệ Mỹ - Triều, họ có thể gặp gỡ riêng, trao đổi riêng với các bên. Dù người ta hay nghĩ giá trị đóng góp lớn nhất của Singapore là an ninh hay hậu cần, tôi cho rằng điểm mạnh của họ là ở khả năng tư vấn", ông Khương nói.

"Nếu Singapore chỉ cung cấp được an ninh cho cuộc gặp, vai trò này trước sau cũng bị nhiều nước thay thế. Chính sự thấu hiểu và tin cậy cho Mỹ và Triều Tiên mới là thế mạnh của họ".

Ông Izzuddin bất đồng trong quan điểm này: "Tôi nghĩ là Singapore biết được giới hạn của họ".

"Tôi không nghĩ Singapore bước đến với cuộc gặp thượng đỉnh này với ý tưởng họ có thể là người hòa giải. Tôi không nghĩ họ sẽ thất bại nếu làm vậy nhưng tôi nghĩ Singapore ý thức được tầm quan trọng của việc giữ một góc nhìn trung lập. Trung lập là khi họ cho cả 2 bên cảm giác được chào đón khi đến đây, được đảm bảo an ninh, không phải lo lắng gì. Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận của Singapore, tạo cho các bên điều kiện để tương tác trực tiếp", ông nói.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore - 2
Singapore đã cung cấp một địa điểm họp mặt an ninh và một hội nghị thông suốt, không xảy ra sự cố gì cho các bên. Ảnh: .

Nhưng sau tất cả, các chuyên gia đều đồng ý rằng cuộc gặp vừa qua là một màn trình diễn của Singapore trước thế giới, một minh chứng rằng họ, dù là một nước nhỏ, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại hòa bình thế giới và tạo ra những tác động lớn hơn là quy mô quốc gia của họ.

"Cuộc gặp, dù thành công hay không, cũng biến Singapore trở thành một địa điểm tiềm năng để giải quyết nhiều xung đột khác. Đây là vai trò mà Thụy Sĩ từng đóng trong quá khứ, giờ thì Singapore có thể trở thành một lựa chọn thay thế", ông Izzuddin nói trước 1 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Cũng trong ngày hôm đó, đứng giữa con đường con đường bị chặn lại vì đoàn xe của Tổng thống Trump vừa chạy ngang để đến gặp Thủ tướng Lý, một nữ phát thanh viên của Channel NewsAsia đã nói rằng "tôi hy vọng người dân Singapore có thể cảm thông vì đây là nỗ lực của chúng ta nhằm đóng góp cho hòa bình thế giới".

Phó giáo sư của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu cũng đồng ý và nhận định: "Singapore muốn định vị không chỉ là mảnh đất đầu tư và kinh doanh tốt, mà còn là nơi kiến tạo hòa bình".

Thách thức thời "hậu-Lý Quang Diệu"

Trong các cuộc trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc chính phủ Singapore biết rằng họ là một "nước rất nhỏ", không hề có điều kiện để mặc cả với ai cả. Đó là lý do Singapore phải cực kỳ trung lập và thận trọng. Họ chỉ có thể ảnh hưởng đến thế giới bằng tầm nhìn của mình, không phải bằng quyền lực cứng.

"Họ biết họ có nhiều hạn chế, họ là một nước nhỏ, khí hậu nóng bức (thời tiết Singapore những ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều quả thật rất nóng - PV). Họ chỉ còn cách sử dụng sức mạnh mềm và đầu tư vào con người. Trình độ của dân chúng chưa cao, nhưng chính phủ Singapore lại là một tập hợp rất ưu tú, đặc biệt là sự đầu tư cao nhất cho Bộ Ngoại giao", ông Khương nói.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore - 3
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay Changi khi ông đến Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: .

"Nước nhỏ" cũng là chủ đề chính trong cuộc "bút chiến" nổi cộm nhất trong vài năm qua của giới học giả và ngoại giao Singapore. Tất cả được châm ngòi bằng bài viết trên Straits Times của nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani, người lúc đó đang giữ chức hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. 

Mahbubani lấy ví dụ là việc Qatar bị các nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao làm minh chứng cho hệ quả của việc các nước nhỏ không "cư xử như một nước nhỏ", can thiệp quá nhiều vào các vấn đề của khu vực. Việc này làm dấy lên sự phản đối từ nhiều học giả và nhà ngoại giao của Singapore rằng đây là một quan điểm nguy hiểm, và Singapore sẽ bị "bắt nạt" nếu họ chấp nhận họ là một nước nhỏ.

"Tôi cho rằng đây là một cuộc tranh cãi về việc thực thi chính sách ngoại giao thế nào, hơn là bất đồng về nguyên tắc ngoại giao", ông Izzuddin nhận định, ám chỉ bài viết của Mahbubani là một sự nhắc nhở Singapore thận trọng trong cách cư xử hơn là phải "cúi đầu". Thế nhưng, nó cũng hé lộ được giằng xé thường trực trong giới làm ngoại giao Singapore là việc theo đuổi các nguyên tắc đến mức nào và mềm mỏng đến mức nào.

Ngoài ra, trong bài viết của Mahbubani có một cụm từ mà hẳn các chuyên gia sẽ đồng ý với nhau, rằng Singapore đang bước vào thời kỳ "hậu-Lý Quang Diệu".

"Rất nhiều thành viên nội các hiện tại là người bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Lý Quang Diệu, cách ông ấy nhìn nhận thế giới. Chính sách ngoại giao của Singapore từ đó đến nay vẫn không thay đổi", theo chuyên gia của viện ISEAS. "Điều thay đổi là nhân sự, chúng ta có một thế hệ mới đang thực thi chính sách này, và tất nhiên, chúng ta sống giữa một trật tự thế giới mới".

Trong quá khứ, Lý Quang Diệu là một tiếng nói được cả lãnh đạo Mỹ lẫn Trung Quốc tìm đến để lắng nghe. Giờ thì một Singapore không còn Lý Quang Diệu sẽ đối mặt với một nước Mỹ có Trump, một nhà lãnh đạo phi truyền thống và một Trung Quốc đã giàu có hơn rất nhiều. Singapore sẽ phải tìm kiếm những lợi thế mới để bù đắp cho việc đã không còn một tiếng nói như ông Lý.

"Là một nước nhỏ, Singapore luôn gặp phải trở ngại ở việc có những chính sách ngoại giao họ không thể theo đuổi và làm sao đảm bảo được an ninh quốc gia", ông Izzuddin nói. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng, tốt nghiệp chuyên ngành Đông Nam Á học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và hiện làm việc tại ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho rằng thách thức của Singapore, cũng như mọi nước tìm kiếm sự trung lập và độc lập khác, là làm sao họ không bị ngã vào các nước lớn.

"Có một sự lo lắng hiển hiện trong nghị viện Singapore về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sức ép mà Bắc Kinh dành cho Singapore", ông nói với Zing.vn. "Singapore có thể dựa vào luật pháp quốc tế. Vì Singapore ý thức rằng các nước lớn trước sau gì cũng chơi 'luật rừng', họ cần đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, như việc thúc đẩy việc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đàm phán COC trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông...".

Dù vậy, ông Dũng thừa nhận có việc là trước đây Singapore đã mạnh miệng hơn về chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông so với hiện tại.

Trong khi đó, theo phó giáo sư Khương, nỗi lo lớn nhất của Singapore chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do ông Trump châm ngòi. Giá trị thương mại của Singapore lớn gấp 4 lần GDP của họ, mọi điều ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến Singapore.

"Nếu Mỹ - Trung xung đột thương mại, chỉ cần kinh tế thế giới suy giảm 1%, Singapore sẽ 'thấm đòn' ngay", ông nói.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Dù đúng dù sai, kẻ chiến thắng vẫn là Singapore - 4
Singapore thời "hậu Lý Quang Diệu" đối mặt với những thách thức của một trật tự thế giới đang biến động. Ảnh: .

Khi Singapore vừa được thông báo là nơi sẽ tổ chức cuộc gặp Mỹ - Triều, tờ báo Hong Kong South China Morning Post đã giật dòng tít "Vì sao Singapore tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều? Vì nơi đó nhạt nhẽo". 

Nhưng khi nói về một cuộc gặp Mỹ - Triều với 2 nhà lãnh đạo đến từ 2 đất nước thù địch và khác hẳn nhau, còn phông nền nào phù hợp hơn chính sự nhạt nhẽo và có phần thiếu màu sắc của Singapore. Ở Singapore, cả Kim và Trump đều được chào đón bởi những con đường sạch bóng xe, khách sạn không bị quấy rầy bởi những cuộc biểu tình, một chính phủ có truyền thống tốt với tất cả và thậm chí có thể mang lại những lời khuyên thấu suốt.

Còn nơi nào trên thế giới có thể cho cả Kim Jong Un và Donald Trump, những lãnh đạo đầy tranh cãi, một sự đối đãi như vậy? Ngoài Singapore nhạt nhẽo có tiếng.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)