Thế giới

Thực hư việc Việt Nam đã có hệ thống tên lửa bờ Bal-E

Thông tin cho biết, Việt Nam đã đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E xuất hiện lần đầu trên báo Nga từ giữa năm 2014.

Thông tin cho biết, Việt Nam đã đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E xuất hiện lần đầu trên báo Nga từ giữa năm 2014.
Báo Kommersant của Nga ngày 26/5/2014 cho biết, Việt Nam chính là quốc gia thứ hai sau Nga đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E, hợp đồng cung cấp tên lửa đối hạm 3M24-E phiên bản phóng từ đất liền đã được ký kết trong năm 2012.
 
Thông tin này ngay sau khi công bố đã gây xôn xao các diễn đàn quân sự quốc tế, vì trước đó chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ sớm biên chế hệ thống tên lửa bờ biển  tiên tiến này.
 

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E

 
Bal-E là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal, do Công ty cổ phần KBM, một công ty con của Tổng công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV) phát triển. Hệ thống chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ Hải quân Nga trong năm 2008.
 
Bal-E được thiết kế để kiểm soát vùng duyên hải và khu vực eo biển; bảo vệ căn cứ hải quân; bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ.
 
Thành phần của một hệ thống Bal-E bao gồm xe chỉ huy và liên lạc cơ động, xe tự hành mang bệ phóng với 8 tên lửa chống hạm và các xe chở, tiếp đạn cho những loạt bắn tiếp theo, tổng số đạn tên lửa trang bị cho mỗi tổ hợp lên đến 64 quả.
 
Sức mạnh của Bal-E nằm ở tên lửa hành trình chống hạm cận âm 3M24 Uran-E có tầm bắn 130 km, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 145 kg, đủ khả năng vô hiệu hóa tàu chiến có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn.
 
Theo đánh giá, chỉ cần một hệ thống Bal-E duy nhất là đủ để tiêu diệt hoặc đẩy lui cuộc đổ bộ của cả một binh đoàn thủy quân lục chiến đối phương.
 

Tên lửa chống hạm 3M24 rời bệ phóng

 
Tuy nhiên, sau bài báo trên của Kommersant, sự việc có vẻ như đã “chìm xuồng” khi không có thêm bất cứ một động thái nào cho thấy Việt Nam đã chính thức tiếp nhận tổ hợp.
 
Ngay cả trong báo cáo mới nhất vừa được công bố ngày 16/3/2015 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng hoàn toàn không nhắc gì đến thương vụ trên.
 
Do đó, nhận định cho rằng thực ra Việt Nam chưa có hệ thống Bal-E tỏ ra là có cơ sở.
 
Vậy tại sao Kommersant lại đưa ra thông tin trên, có lẽ họ bị nhầm lẫn giữa 2 sự kiện: KTRV thông báo đã hoàn tất hợp đồng cung cấp tên lửa 3M24 Uran-E cho Việt Nam và lần bắn trình diễn tính năng của tổ hợp trước giới chức quân sự Việt Nam vào năm 2012.
 
Hợp đồng mua sắm tên lửa Uran-E được ký năm 2004 với tổng số 400 đạn là nhằm trang bị cho các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, Molniya 1241.8 và BPS-500.
 
Theo SIPRI, tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là hợp đồng mua tên lửa Uran-E duy nhất của Việt Nam và đó đều là phiên bản trang bị trên tàu chiến, biến thể phóng đi từ đất liền và phóng từ trên không chưa hề xuất hiện trong báo cáo.
 
Có thể thấy tương tự như trường hợp SA-6 được một số báo nước ngoài cho rằng có trong trang bị của Quân đội Việt Nam, mọi tranh cãi chỉ lắng xuống khi hệ thống phòng không hiện đại hơn nhiều là S-300PMU1 được công khai còn SA-6 thì vẫn “bặt vô âm tín”.
 
Vì vậy, khi hình ảnh hệ thống Bastion-P của Việt Nam đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc chúng ta phải “giấu hàng” một tổ hợp có hiệu suất tác chiến thấp hơn là rất khó hiểu, gần như không thể xảy ra.
 
Không loại trừ ở tương lai không xa, Việt Nam sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến này, nhưng nếu cho rằng hiện tại Bal-E đã có trong biên chế của Hải quân Việt Nam thì đây là một khả năng rất thấp.
 
Theo Bạch Dương (Dailo.vn)