Thế giới

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe toàn lực lôi kéo Nga, cô lập Trung Quốc

Trong chiến lược đối ngoại mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ toàn lực thúc đẩy quan hệ với Nga.

Trong chiến lược đối ngoại mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ toàn lực thúc đẩy quan hệ với Nga.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe toàn lực lôi kéo Nga, cô lập Trung Quốc

Đó là thông tin đăng trên tờ Kommersant (Nga), dẫn đánh giá của chuyên gia Nhật Bản về sự thay đổi chính sách của ông Abe.

Phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Nhật hôm 28/9, Thủ tướng Shinzo Abe đề ra mục tiêu chính sách mới trong quan hệ với Nga, bao gồm: Phát triển hợp tác với Moscow, tạo lập điều kiện đưa Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc về với Nhật Bản và ký kết hiệp định hòa bình.

Abe bày tỏ kỳ vọng lớn vào chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến được tiến hành vào tháng 12 năm nay.

Theo Kommersant, "nguồn tin cao cấp" từ Bộ ngoại giao Nhật nói rằng chính sách bình thường hóa quan hệ với Nga đã được Thủ tướng Abe xác định ngay sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.

Tokyo đặt kế hoạch bắt đầu "hòa dịu" với Moscow vào năm 2014, nhưng đã bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ. Quan hệ hợp tác Nga-Nhật chỉ được khôi phục một cách chậm chạp sau khi "Bộ tứ Normandy" ký kết thỏa thuận Minsk 2.0 vào tháng 2/2015.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe toàn lực lôi kéo Nga, cô lập Trung Quốc - Ảnh 1.
Chính phủ Nhật sẽ dốc toàn lực cải thiện và củng cố quan hệ với Nga.

Mục tiêu rõ ràng: Chỉ cần Nga "trung lập"

Kommersant dẫn lời các chuyên gia nhận định tầm quan trọng của Nga đối với Nhật Bản không chỉ thể hiện ở tranh chấp chủ quyền hay trao đổi thương mại.

Các quan chức thuộc Nội các của Shinzo Abe cho hay, Tokyo hy vọng Nga giữ vị trí trung lập trong bối cảnh Mỹ-Nhật tăng tốc định hình liên minh nhằm đối kháng và cô lập Trung Quốc.

Một quan chức giấu tên từ Bộ ngoại giao Nhật nói rằng nước này nhận thức rất rõ ràng trong tình hình Mỹ-Nhật củng cố một liên minh vững chắc thì Shinzo Abe không thể thực sự "ngả" về phía Moscow. Do đó, việc Moscow bảo đảm "hữu nghị trung lập" đã là một mục tiêu lớn cần đạt được.

Các học giả Nhật Bản nhất trí rằng động cơ cá nhân của ông Abe cũng quan trọng như tác nhân địa chính trị trong quan hệ Nga-Nhật.

Giáo sư Nobuo Shimotomai của Đại học Hosei, Nhật Bản nói với Kommersant: "Ông Shintaro Abe, cha ông Shinzo Abe, giữ chức Ngoại trưởng giai đoạn 1982-1986, đã tích cực tham gia công tác khôi phục quan hệ với Liên Xô sau khi Gorbachev lên năm quyền."

Theo Shimotomai, hiệp ước hòa bình với Nga là một trong những cam kết của Shinzo Abe khi tranh cử, đồng thời là ý nguyện của cha ông.

Giới chuyên gia tin rằng, cơ sở để hòa dịu quan hệ Nga-Nhật phụ thuộc rất lớn vào quan hệ cá nhân giữa Putin với Abe. Nhưng nếu mất quá nhiều thời gian đợi chờ Moscow phản ứng, Thủ tướng Nhật có nguy cơ đánh mất tín nhiệm của đồng minh và cử tri.

Vào năm 2010, cựu Thủ tướng Hatoyama Yukio từng rơi vào tình cảnh này, khi tỉ lệ ủng hộ ông rớt thê thảm từ 70% xuống 15% trong vòng nửa năm.

Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)