Thế giới

Thông điệp đằng sau tuyên bố 'tên lửa đang tới Syria' của Trump

Lời đe dọa tấn công Syria của Tổng thống Mỹ dường như chỉ là sự đáp trả bột phát tuyên bố "bắn hạ tên lửa" của đại sứ Nga.

Thông điệp đằng sau tuyên bố 'tên lửa đang tới Syria' của Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo năm 2017. Ảnh: Reuters.

"Nga hãy sẵn sàng bởi tên lửa sẽ tới, đẹp, mới và 'thông minh'", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua viết trên mạng xã hội Twitter, dường như xác nhận rằng Mỹ sẽ phát động đòn tấn công trừng phạt bằng tên lửa nhắm vào Syria sau khi nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Tuy nhiên, Nhà Trắng ngay sau đó thông báo rằng Tổng thống chưa đưa ra quyết định cuối cùng đối với vấn đề Syria. Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận về tuyên bố này của Trump, chỉ xác nhận quân đội Mỹ vẫn đang xem xét các thông tin tình báo về cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 7/4.

Theo bình luận viên Patrick Reevell của ABCNews, dòng tweet của Trump không phải là thông báo chính thức của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ về hành động quân sự của Washington, mà chỉ đơn giản là một phát ngôn bột phát nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn mà đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin vừa đưa ra.

Trước đó, ông Zasypkin nói trên truyền hình rằng quân đội Nga sẽ bắn hạ mọi tên lửa Mỹ phóng vào Syria, thậm chí là cả những khí tài được sử dụng để phóng chúng.

Hồi giữa tháng 3, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov từng công khai cảnh báo rằng Nga sẽ bắn hạ tên lửa và máy bay Mỹ đe dọa đến sinh mạng của binh sĩ nước này ở Syria, kể cả những tàu chiến được sử dụng để khai hỏa tên lửa.

Tuyên bố này của tướng Gerasimov khi đó khiến dư luận rất chú ý, nhiều người cho rằng Nga đang vạch ra một "lằn ranh đỏ" ở Syria, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột trực diện giữa Moscow và Washington tại quốc gia Trung Đông này.

Nhưng sau khi cuộc khủng hoảng liên quan đến cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta bùng phát, Nga gần như im lặng về cách đáp trả đối với Mỹ, ngay cả khi Washington liên tục đưa ra những lời đe dọa về khả năng sử dụng tên lửa để "trừng phạt" Damascus. Sự im lặng đó chỉ bị phá vỡ bằng phát ngôn của đại sứ Zasypkin, khiến nhiều quan sát viên tin rằng đây là nguồn cơn cho lời đe dọa "tên lửa đang tới" của Trump.

Bình luận viên Trudy Rubin của tờ Philly cho rằng tuyên bố về cuộc tấn công sắp xảy ra trên Twitter của ông Trump là "khác thường và phản tác dụng", đồng thời cho thấy sự mâu thuẫn trong chính con người Tổng thống Mỹ.

Trong giai đoạn tranh cử, Trump từng chỉ trích Barack Obama vì đã tiết lộ các động thái quân sự của Mỹ với kẻ thù bằng cách thông báo trước kế hoạch tác chiến. Thế nhưng tuyên bố trên Twitter của Trump đang lặp lại điều đó, khi Syria có thời gian để sơ tán các khí tài chiến lược đến nơi an toàn, trong khi Nga sẽ đặt hệ thống phòng không của mình ở Syria trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Những tuyên bố kiểu như vậy cũng khiến Trump tự dồn mình vào thế không còn lựa chọn nào khác. "Nếu Mỹ không phát động cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria trong vài ngày tới, hình ảnh Trump sẽ trở nên yếu đuối và ngớ ngẩn trong mắt dư luận", Rubin bình luận.

Một bài bình luận đăng trên RT cho rằng những tuyên bố sặc mùi bom đạn của Trump nhắm vào Syria đều xuất phát từ động cơ chính trị. "Từng là người phản đối việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Trump giờ đây lại dùng Twitter để đe dọa Damascus và Moscow về những tên lửa "thông minh" đang bay tới. Phải chăng tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm là một yếu tố thúc đẩy Trump thay đổi chính sách một cách đột ngột như vậy", RT đặt câu hỏi.

Phản ứng của Nga

Thông điệp đằng sau tuyên bố 'tên lửa đang tới Syria' của Trump - 1
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria tháng 4/2017. Ảnh: US Navy.

Tuyên bố "tên lửa đang tới" trên Twitter của Trump dường như không phản ánh tình hình trên thực địa, nhưng lại châm ngòi cho những nỗi lo lắng, bất an về đòn tấn công có thể gây nên đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Giới phân tích cho rằng việc dự đoán phản ứng của Nga nếu Mỹ phát động đòn tấn công là không dễ dàng. Không nhiều người tin rằng Điện Kremlin sẵn sàng đối đầu quân sự với Washington, nhưng quan hệ căng thẳng qua nhiều năm giữa hai nước cũng như những động lực trên chiến trường Syria khiến các nhà quan sát không thể loại trừ nguy cơ này.

"Tôi cho rằng chúng ta chưa đến mức căng thẳng như thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba", Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định. "Nhưng tình hình hiện nay nguy hiểm hơn rất nhiều so với thời kỳ Trump bắt đầu nhậm chức".

Michael Carpenter, cựu quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc thời chính quyền Obama, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ coi cuộc khủng hoảng Syria hiện nay như một "phép thử ý chí", đặc biệt là sau dòng tweet đầy đe dọa của Trump, theo Politico.

Các chiến lược gia quân sự Mỹ dường như đang lên kế hoạch dựa trên giả định rằng Nga sẽ hành động như những gì đã diễn ra trong cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria hồi tháng 4/2017. Khi Trump ra lệnh phóng gần 60 tên lửa vào căn cứ quân sự Syria cách đây một năm, Nga đã không khai hỏa tên lửa đánh chặn nào.

Tuy nhiên, phản ứng của Nga lần này có thể rất khác, khi Mỹ dự kiến tung ra đòn tấn công lớn hơn nhiều. Các quan chức Mỹ nói rằng họ muốn không kích nhiều cơ sở quân sự Syria cùng một lúc, khiến không quân Syria không thể hoạt động nhiều hơn một ngày. Mỹ lần này nhiều khả năng sẽ phối hợp hành động với các quốc gia khác, đặc biệt là Pháp và có thể là Anh.

Bởi vậy, các chuyên gia tin rằng Moscow lần này sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn. Theo Carpenter, Nga có thể sẽ sử dụng các khí tài tác chiến điện tử và hệ thống S-400 hiện đại để bắn hạ tên lửa hành trình Mỹ phóng vào Syria.

Thông điệp đằng sau tuyên bố 'tên lửa đang tới Syria' của Trump - 2
Các tổ hợp phòng không hiện đại được Nga triển khai ở Syria.

"Tôi đoán rằng Nga sẽ nỗ lực hết sức để đánh chặn tên lửa hành trình Mỹ và coi đó là một chiến thắng", Alexander Bick, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định. "Sau đó sẽ là nỗ lực ngoại giao để khắc họa sự hiện diện của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp, cũng có thể là những chiến thuật quyết liệt hơn để ngăn máy bay Mỹ tiếp cận không phận Syria".

Nhiều quan sát viên cũng cho rằng Nga có thể bắn hạ vài tên lửa Mỹ như một biểu tượng cho sự kháng cự. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn nếu tên lửa Mỹ đánh trúng cơ sở quân sự Nga và khiến binh sĩ của Moscow thiệt mạng. "Kịch bản đó sẽ đặt Nga vào tình thế nguy hiểm hơn nhiều", Vladimir Frolove, chuyên gia phân tích chính trị ở Moscow, nhận định.

"Cũng như Mỹ và Pháp, Nga cũng tự vạch ra cho mình các giới hạn đỏ. Nếu giới hạn đó bị vượt qua mà Nga không đáp trả như cam kết, đó quả là sự mất mặt lớn", Frolov viết.

"Mỹ và Nga đang tiến gần hơn tới nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp lớn hơn bao giờ hết kể từ Chiến tranh Lạnh", Dmitry Trenin, bình luận viên tại Trung tâm Carnegie Moscow, viết trên Twitter. "Câu hỏi duy nhất trong đầu tôi là liệu Nga có đáp trả nếu Mỹ phóng tên lửa vào Damascus hay không?"

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)