Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời NATO ngay khi bà Clinton trở thành tổng thống?

Những tuyên bố và hành động gần đây của bà Clinton về vấn đề người Kurd và Syria dường như đã vượt quá sức chịu đựng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tuyên bố và hành động gần đây của bà Clinton về vấn đề người Kurd và Syria dường như đã vượt quá sức chịu đựng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Hôm 12/10 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chỉ trích phát ngôn của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, trong đó bà nói rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ trang cho PYD (Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria) và YPG (Lực lượng Bảo vệ Người Kurd), vốn là những tổ chức chính trị của người Kurd mà từ lâu trở thành mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Đây là một tuyên bố rất không tốt", Thông tấn xã Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan.

Theo AP, trước đó một hôm , Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng bày tỏ sự không hài lòng khi ứng cử viên tổng thống nước Mỹ cho biết sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí để hỗ trợ các chiến binh người Kurd ở Syria.

Tờ CBS News gọi đây là "đòn đâm sau lưng Ankara" bởi từ lâu hai nước vẫn luôn là đồng minh thân thiết. Từ điều này, AP dự đoán sẽ có một phản ứng cứng rắn được phát ra từ Thổ Nhĩ Kỳ nếu như bà Clinton trở thành tổng thống nước Mỹ vào năm tới.

Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và bà Clinton không chỉ đơn giản ở vấn đề người Kurd, khi cựu ngoại trưởng Mỹ hậu thuẫn công khai cho người Kurd ly khai và hình thành quốc gia riêng độc lập.

Người ta nhớ rằng, trước đó, khi còn làm việc ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bà Clinton vẫn thường thúc giục để thiết lập một "vùng cấm bay" đối ở Syria, tuy nhiên bà cũng nói rằng có thể làm điều này ở cả biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ/Syria - nơi lực lượng người Kurd chiếm đóng khá đông ở cả hai bên biên giới.

"Chúng ta phải tìm ra cách để, nếu có thể, tạo nên một Mùa xuân Ả rập lần 2", Hillary Clinton nói hôm 19/11/2015, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch ném bom của ở Syria hồi tháng 9.

Theo Al-monitor, áp đặt một "vùng cấm bay" như vậy chẳng khác gì việc Mỹ sẽ bắn hạ máy bay ném bom của Nga, điều có thể gây nên một cuộc xung đột chiến tranh và người Kurd đứng dưới cái ô bảo hộ của Washington sẽ được thế hoành hành và tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ.

Tuy nhiên, mặc dù hào hứng về cái gọi là "mùa xuân Ả Rập" ở Syria - quân chủ bài mà bà Clinton hy vọng sẽ dùng nó làm đòn bẩy cho chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử - nhưng trên thực tế hầu hết những người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều không mặn mà về việc thiết lập một thể chế mới.

Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Eric Zuesse từ Viện Nghiên cứu Toàn cầu (Mỹ) cho rằng, bà Clinton đã thể hiện những quan điểm và việc làm vượt sức chịu đựng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ sau cuộc đảo chính hôm 15/7, quan hệ Mỹ-Thổ đã trở nên vô cùng căng thẳng khi Washington bị cáo buộc hậu thuẫn cho phong trào của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen để hạ bệ chính phủ Erdogan. Thế nhưng giới quan sát dự đoán mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn khi bà Clinton lên nắm quyền. Tổng thống Barack Obama và hoàng gia Ả Rập thích điều này nhưng Erdogan và Yildirim thì không.

Ankara từng nói rằng CIA là bên khởi xướng mọi việc và nếu như không có Moscow báo tin trước về cuộc đảo chính, mọi việc giờ đây có thể đã nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.

Bởi vậy kể từ sau thời điểm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sự phòng vệ trước Mỹ, và giới lãnh đạo hiểu lý do tại sao việc người Kurd sẽ trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với họ.

Chỉ một ngày sau cuộc binh biến ở thủ đô Ankara, Mỹ đã ngay lập tức thông qua một gói viện trợ quân sự trực tiếp trị giá 415 triệu USD. Hai ngày sau, Mỹ cho biết sẽ thiết lập 5 căn cứ quân sự ở khu vực người Kurd ở Iraq.

Eric Zuesse nêu quan điểm, đây không phải vì "tình cảm lớn" dành cho người Kurd mà thực sự Washington muốn chính phủ Ankara hiện tại bị lật đổ giống như đối với chính phủ Shiite ở Syria; điều sẽ làm thuận lợi hơn cho các hoạt động xây dựng các đường ống dẫn dầu tỏa ra khắp châu Âu thể theo mong muốn của Ả Rập Saudi.

Hơn bất kỳ ai, Tổng thống Obama khẳng định muốn bà Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Bởi một khi trở thành người kế nhiệm bà sẽ là người kế thừa lại mọi di sản để lại, từ vấn đề Trung Đông, cô lập Nga và Trung Quốc cho đến TPP.

Trong cuộc hội đàm song phương hôm 10/10, Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Putin đã cùng ký kết thỏa thuận thiết lập đường ống đưa khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó sẽ phân phối ra khắp châu Âu. Nó là minh chứng cho thấy một sự đối đầu rõ ràng của Ankara khi lựa chọn ngả về phía Moscow, và ngày tháng rời NATO của Ankara có thể không còn xa.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên chủ chốt của liên minh quân sự lớn nhất được dẫn bởi Mỹ. Một khi Ankara rời bỏ, trật tự quốc tế sẽ thay đổi một cách chóng mặt. Mỹ sẽ không còn chiếc thòng lọng nào đối với các quốc gia khác. Và kế hoạch chuyển biến từ một cuộc Chiến tranh Lạnh sang đối đầu xung đột với Nga của một số quan chức Mỹ sẽ trở nên vô dụng.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)