Thế giới

Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông

Lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa việc bị coi là xem thường luật pháp quốc tế với sức ép trong nước đòi phản ứng quyết liệt với phán quyết Biển Đông.

Lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa việc bị coi là xem thường luật pháp quốc tế với sức ép trong nước đòi phản ứng quyết liệt với phán quyết Biển Đông.
 
the-tien-thoai-luong-nan-cua-trung-quoc-sau-phan-quyet-bien-dong

Tòa Trọng tài hôm 12/7 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đẩy Bắc Kinh vào một câu hỏi hóc búa hơn về cách phản ứng: Phớt lờ luật pháp quốc tế, hay nhượng bộ láng giềng và Mỹ nhưng bị dư luận trong nước chỉ trích.

Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết là tuyên bố không tuân thủ. Theo giới phân tích, việc công khai chấp nhận bất kỳ phần nào của phán quyết sẽ là rủi ro chính trị cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tuyên bố sẽ không thỏa hiệp về cái ông gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh trên Biển Đông.

WSJ dẫn nhận định của các nhà ngoại giao quốc tế cho rằng để xoa dịu công chúng trong nước, Trung Quốc nhiều khả năng duy trì những lời công kích chống lại tòa án, Mỹ và Philippines, đồng thời tiếp tục các động thái quân sự ở Biển Đông trong vài tuần và vài tháng tới. 

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đã nhắm mục tiêu chỉ trích vào các nước phương Tây sau phán quyết, nói rằng họ cố tình kìm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh. "Đây là sợi dây trói buộc hão huyền phương Tây tung ra vào thời điểm chiến lược, trong một nỗ lực vô ích để chấm dứt sự phát triển của Trung Quốc", hãng này viết. Họ lặp lại khẳng định trước đó của ông Tập rằng Trung Quốc "không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ gặp rắc rối".

"Việc hoàn toàn phớt lờ phán quyết sẽ dễ dàng dẫn đến các cuộc đụng độ và áp lực ngoại giao lớn hơn", trong khi việc hoàn toàn tuân thủ phán quyết "về cơ bản là không thể" đối với Trung Quốc, Shen Dingli, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nói.

Bắc Kinh khó có thể chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài do chịu áp lực từ dư luận và phong trào dân tộc chủ nghĩa trong nước, khi ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với lời kêu gọi phản ứng quyết liệt hơn với phán quyết của Tòa Trọng tài.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục dùng lời nói mà không có hành động, không khiến cho Philippines chịu áp lực và thiệt hại cụ thể, làm sao chúng ta có thể ngăn các quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông khác học theo phương pháp của họ?", Gao Cheng, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.

Ngay cả những người trẻ tuổi ở nước này cũng đang lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa án. "Chúng tôi không thể tin một vụ kiện kỳ lạ như vậy lại có thể được chuyển tới The Hague, thủ phủ của luật pháp quốc tế", Xinhua dẫn lời sinh viên Peng Qinxuan nói. Một sinh viên khác tên Wang Zhili cho rằng truyền thông phương Tây "đã quá phiến diện về vụ việc".

Geoff Raby, cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc cho rằng đây là thời điểm nguy hiểm về chính trị đối với ông Tập. Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến ông có nhiều đối thủ trong giới tinh anh. Bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào khi đối mặt với điều được nhiều người Trung Quốc coi là "sự sỉ nhục quốc gia" sẽ là cái cớ chính đáng cho họ công kích ông.

Sức ép quốc tế

Dưới áp lực từ dư luận trong nước, Trung Quốc có thể có một loạt phản ứng đối với phán quyết của Tòa Trọng tài, như rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) - cơ sở pháp lý của phán quyết, bắt đầu cải tạo tại bãi cạn Scarborough - thực thể họ kiểm soát từ năm 2012, và tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.

Tuy nhiên, những động thái này sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế, và giảm cơ hội để Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Manila. Mỹ đã bố trí một cụm tàu sân bay chiến đấu ở Biển Đông trong vài tuần qua và đã cảnh báo Bắc Kinh không lập ADIZ trên Biển Đông hay cải tạo bãi cạn Scarborough.

Các nhà phân tích cho rằng, về lâu dài, việc Trung Quốc không thể dần điều chỉnh yêu sách Biển Đông của mình phù hợp với phán quyết sẽ làm tăng cơ hội xảy ra các vụ kiện mới, và có nguy cơ biến Bắc Kinh thành nước đứng ngoài vòng pháp luật quốc tế.

Việc này cũng sẽ làm suy yếu tuyên bố lâu nay của Bắc Kinh rằng họ là người che chở cho các quốc gia yếu hơn, đồng thời làm xói mòn mục tiêu khác của ông Tập là đưa Trung Quốc lên vị thế dẫn đầu cộng đồng quốc tế, sánh ngang với Mỹ.

Nếu Trung Quốc tăng cường sức ép với các láng giềng trong khu vực, họ có thể khiến các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Mỹ, để đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.

Ngay cả Indonesia, nước từng bày tỏ quan điểm trung lập với các tranh chấp trên Biển Đông, gần đây cũng bị cuốn vào căng thẳng, sau một loạt vụ đụng độ với tàu Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, nơi Jakarta tuyên bố là nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.

"Việc duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong thực tế lại có lợi về lâu dài cho Trung Quốc, bởi đó là cơ hội tốt nhất để Bắc Kinh có thể tránh khỏi cuộc xung đột quân sự tại khu vực vốn gắn liền với sự trỗi dậy của họ. Trung Quốc không cần công khai thừa nhận các nguyên tắc đó, mà có thể ngầm thực hiện thông qua việc thay đổi từ từ hành vi và giọng điệu ở Biển Đông", William Burke-White, giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận định.

the-tien-thoai-luong-nan-cua-trung-quoc-sau-phan-quyet-bien-dong-1
Diễn biến vụ kiện Biển Đông. Đồ họa: Tiến Thành

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)