Thế giới

Thế lực ngăn Duterte nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông

Tiếng nói từ giới quân sự có ảnh hưởng lớn ở Philippines, khiến Tổng thống không thể tự mình định đoạt chiến lược với Trung Quốc.

Thế lực ngăn Duterte nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trước các sĩ quan quân đội hôm 18/4. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/5 khẳng định sẵn sàng "tuyên bố chiến tranh" nếu quân đội bị tấn công hay tài nguyên thuộc chủ quyền nước này ở Biển Đông bị khai thác trái phép, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không xây dựng hay khai thác ở bãi cạn Scarborough.

Giới phân tích cho rằng đây là tuyên bố đầy bất thường của Duterte, được đưa ra sau khi chính phủ nước này bị chỉ trích là quá nhún nhường trước các hành động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Động thái này trái ngược với chính sách "chuyển hướng chiến lược" ngả về phía Bắc Kinh của Tổng thống Philippines, người coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thực tế không thể chối cãi, còn nước Mỹ "thất thường" sẽ sớm đánh mất ảnh hưởng tại khu vực, theo National Interest.

Tổng thống yêu mến Trung Quốc

Giữa tâm bão chỉ trích về nhân quyền liên quan đến chiến dịch chống ma túy ở Philippines, Duterte coi Trung Quốc là nước bảo trợ chiến lược quan trọng nhất trong hệ thống quốc tế, theo Richard Heydarian, giáo sư về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle.

Trên thực tế, Bắc Kinh là một trong những tiếng nói bảo vệ mạnh mẽ nhất tại Liên Hợp Quốc cho chiến dịch chống ma túy của ông. Lãnh đạo Philippines còn coi Trung Quốc là đối tác quan trọng có thể cấp vốn đầu tư lớn cho phát triển quốc gia.

Phát biểu trong cuộc gặp các doanh nhân Philippines – Trung Quốc hồi đầu năm, Duterte tuyên bố "Nếu Bắc Kinh muốn, cứ biến chúng tôi thành một tỉnh" trong tiếng cười của các khách mời, trong đó có đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua.

Suốt hai năm qua, đại sứ Zhao là người trò chuyện với Duterte nhiều hơn bất cứ đại diện ngoại giao nước ngoài nào khác. Vị khách thường xuyên đến thăm dinh tổng thống Malacanang này thường được gọi là "người thì thầm" bởi ông luôn là người "nhỏ to" với Duterte trước ống kính truyền hình.

Bản thân Duterte cũng hiếm khi bỏ lỡ cơ hội để bày tỏ tình cảm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông thậm chí từng tuyên bố rằng những nước nhỏ như Philippines cần phải "khiêm nhường" và "hạ mình" để được Trung Quốc "đoái thương", cũng như tránh một cuộc xung đột mang tính "tự sát" trên Biển Đông.

Tổng thống Philippines còn khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép ai lật đổ ông trong bất cứ âm mưu đảo chính nào. Ông cũng chính là người nhiều lần cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch lật đổ ông, dù không đưa ra bằng chứng. Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc này.

Đổi lại, Bắc Kinh cũng hầu như không lên tiếng gì trước những phát ngôn gây tranh cãi của Duterte, trong đó có tuyên bố ông đưa ra hồi năm ngoái rằng Trung Quốc đe dọa sẽ gây chiến nếu Philippines khăng khăng đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Thế lực ngăn Duterte nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông - 1
Oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough gần Philippines. Ảnh: AP.

Nhiều chuyên gia, học giả Philippines chỉ trích Tổng thống Duterte thể hiện lập trường yếm thế, "chưa đánh đã nhận thua" trước Trung Quốc nhằm bao biện cho chính sách thân Bắc Kinh của ông. Họ lo ngại Philippines sẽ hoàn toàn thất thế trước Bắc Kinh trên Biển Đông bởi quan điểm này của người đứng đầu điện Malacanang.

Tuy nhiên, Heydarian cho rằng dù Duterte là lãnh đạo được nhiều người dân Philippines ủng hộ nhờ chính sách dân túy, ông không phải là một vị vua và không thể tự mình quyết định về quan hệ đối ngoại của Philippines, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ.

Trở ngại từ quân đội

Trong khi Tổng thống thường xuyên ca ngợi Trung Quốc, giới quân sự Philippines lại tỏ ra lo lắng về các hành động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Dù Duterte nhiều lần chỉ trích Washington, quân đội Philippines (AFP) vẫn quyết định nâng cấp quan hệ quốc phòng với Mỹ, quốc gia có chung quan ngại về tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các quan chức quân đội Philippines cũng đưa ra nhiều tuyên bố trái ngược với phát ngôn thể hiện sự ưu ái với Trung Quốc của Tổng thống Duterte.

"Quân đội luôn cảnh giác và sẽ không bao giờ từ bỏ nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông được quy định trong hiến pháp", người phát ngôn AFP Edgard Arevalo mới đây khẳng định.

Việc Arevalo nhấn mạnh vào cụm từ "nghĩa vụ theo hiến pháp" rất quan trọng, bởi nó phát đi tín hiệu rằng quân đội Philippines chỉ trung thành với hiến pháp chứ không phải với tổng thống. Quân đội Philippines đã hai lần hậu thuẫn các nỗ lực lật đổ tổng thống Ferdinand Marcos vào năm 1986 và Joseph "Erap" Estrada vào năm 2001, khi những lãnh đạo này đánh mất niềm tin ở người dân.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng là một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách quyết liệt hơn của Philippines trên Biển Đông. Ông nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Mỹ như sự răn đe mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa trong và ngoài nước, khi đề cập đến các hành động xâm phạm của Trung Quốc ở vùng biển phía đông và tây Philippines.

Chỉ trong năm nay, hai tàu sân bay Mỹ đã ghé thăm Philippines, dấu hiệu cho thấy quan hệ hợp tác ngày càng khăng khít giữa AFP và Lầu Năm Góc. "Người Mỹ là bạn của chúng tôi. Bằng cách này hay cách khác, họ có thể giúp chúng tôi răn đe bất cứ mối đe dọa nào trên Biển Đông", tướng Philippines Rolando Bautista phát biểu khi thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hồi tháng 4.

Cuộc tập trận Balikatan giữa quân đội Philippines và Mỹ năm nay cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng binh sĩ lên 60%, cùng sự tham gia của các quan sát viên là Nhật Bản và Australia. Trong đợt tập trận, quân đội Mỹ và Philippines cũng bắt đầu thực hành lại khoa mục diễn tập đổ bộ chung tại khu vực cách không xa bãi cạn Scarborough hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Thế lực ngăn Duterte nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông - 2
Binh sĩ Mỹ, Philippines diễn tập đổ bộ trong đợt tập trận Balikatan 2018. Ảnh: AP.

Giới phân tích cho rằng dù có quyền lực hành pháp lớn đến đâu, Duterte không thể phớt lờ tiếng nói của quân đội Philippines. Ông từng đề ra nhiều chính sách để lôi kéo sự ủng hộ của quân đội như tăng lương, phụ cấp cho sĩ quan, binh sĩ hay đưa ra những lời kêu gọi cảm thông từ họ.

Hồi đầu tháng 5, Duterte tìm cách giải thích chính sách ngoại giao của mình với các sĩ quan cấp cao của quân đội rằng thái độ của ông với Trung Quốc "chỉ là một phần của trò chơi địa chính trị".

Phát ngôn "có thể phát động chiến tranh trên Biển Đông" gần đây của Duterte cho thấy chính sách với Bắc Kinh của Manila có thể thay đổi nhanh chóng do quá trình đấu tranh trong nội bộ. Với tác động từ giới quân sự Philippines, Trung Quốc chưa thể lôi kéo được hoàn toàn quốc gia Đông Nam Á này, trong khi liên minh quân sự với Mỹ vẫn được duy trì, Heydarian nhận định.

Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)