Thế giới

Tên lửa không-đối-không tân tiến nhất của Ấn Độ có gì đặc biệt?

Được bắn đi từ một máy bay tiêm kích di chuyển với vận tốc trên 1.000 km/h, Astra – loại tên lửa tân tiến nhất của Ấn Độ có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 65-70 km.

Được bắn đi từ một máy bay tiêm kích di chuyển với vận tốc trên 1.000 km/h, Astra – loại tên lửa tân tiến nhất của Ấn Độ có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 65-70 km.

Tên lửa không-đối-không tân tiến nhất của Ấn Độ có gì đặc biệt?

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trong đợt bắn thử mới nhất được thực hiện ở ngoài khơi bờ biển Odisha từ ngày 11 – 14/9, 7 quả tên lửa Astra đã được phóng đi từ tiêm kích Sukhoi-30MKI nhằm vào các mục tiêu giả định là một máy bay không người lái. Tất cả 7 quả Astras đều bắn trúng mục tiêu.

"Vòng bắn thử nghiệm lần này đã kết thúc thành công giai đoạn phát triển hệ thống vũ khí Astra" - Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã gửi lời chúc mừng tới Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng – đơn vị phát triển Astra, Hindustan Aeronautics – công ty tích hợp Astra với tiêm kích Su-30MKI và hơn 50 hãng tư nhân tham gia vào quá trình chế tạo tên lửa này.

Được xếp vào loại "tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn" (BVRAAM), Astra sở hữu những công nghệ cực kỳ khác biệt so với tên lửa đạn đạo và chiến thuật.

Trong quá trình bắn thử, máy bay tiêm kích mang Astra liên tục theo dõi mục tiêu bằng hệ thống radar và căn chỉnh tên lửa về hướng mục tiêu thông qua một kết nối dữ liệu.

Khi di chuyển tới khoảng cách 15 km, radio lắp trên Astra sẽ khóa mục tiêu và từ thời điểm này nó không còn cần tới tín hiệu dẫn đường của Su-30MKI.

Khi đã tiếp cận máy bay mục tiêu ở khoảng cách vài mét, đầu đạn Astra sẽ được kích nổ bằng một "ngòi nổ cận đích vô tuyến" (radio proximity fuze) làm bắn ra các mảnh đạn kim loại và tiên diệt đối phương.

Tên lửa không-đối-không tân tiến nhất của Ấn Độ có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tên lửa Astra được bắn thử từ một máy bay tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: Rediff

Cho đến nay, trên thế giới chỉ có một số ít đơn vị phát triển tên lửa ở Mỹ, Nga, châu Âu và Trung Quốc làm chủ được các công nghệ tích hợp cho tên lửa không đối không. Vì vậy, đợt thử nghiệm thành công mới nhất này đã đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ tinh hoa đó.

Phần lớn các bộ phận của Astra được Ấn Độ phát triển nội địa nhưng đầu dò tên lửa thì vẫn phải nhập khẩu.

Ấn Độ hiện đang vận hành từ 600 – 700 máy bay tiêm kích nên nhu cầu sử dụng Astra có thể sẽ lên tới hàng nghìn chiếc.

Mỗi tên lửa không đối không trong thị trường khu vực có giá khoảng 2 triệu USD, vì vậy, Astra hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh đầy hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ.

Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)