Thế giới

Tây Ban Nha trục xuất 200 người Đài Loan về Trung Quốc

Đài Loan ngày 18.2 cho biết “lấy làm tiếc” về quyết định của chính phủ Tây Ban Nha trục xuất khoảng 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông về Trung Quốc, theo Reuters.

Đài Loan ngày 18.2 cho biết “lấy làm tiếc” về quyết định của chính phủ Tây Ban Nha trục xuất khoảng 200 người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông về Trung Quốc, theo Reuters.

Trung Quốc cho rằng các nghi phạm gian lận viễn thông nên được đưa về Trung Quốc để xét xử vì hành động của họ chủ yếu nhằm vào người dân đại lục

Phản ứng của Đài Loan được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Tây Ban Nha thông báo quyết định trục xuất 269 “công dân Trung Quốc” trong khuôn khổ cuộc điều tra kéo dài một năm về một đường dây gian lận internet hoạt động ở nhiều địa phương, bao gồm thủ đô Madrid và thành phố Barcelona.

Theo Cơ quan ngoại giao Đài Loan, trong số này có khoảng 200 nghi phạm là cư dân Đài Loan.

Trong một tuyên bố, cơ quan trên nói rằng Đài Loan “lấy làm tiếc” về quyết định của chính phủ Tây Ban Nha “vốn đã vi phạm các quyền và lợi ích của nhân dân chúng tôi và phớt lờ truyền thống nhấn mạnh vào nhân quyền của Liên minh châu Âu”.

Vụ trục xuất của Tây Ban Nha là diễn biến mới nhất liên quan đến những người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông xuyên biên giới bị bắt giữ và đưa về Trung Quốc.

Theo giới chức Đài Bắc, năm ngoái nhiều người Đài Loan bị tình nghi gian lận viễn thông đã bị các nước như Kenya, Campuchia và Armenia trục xuất, đôi khi bằng vũ lực, về Trung Quốc.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết các nghi phạm chưa bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, và rằng các đại diện của Đài Loan tại đó sẽ tiếp tục làm việc với giới chức tư pháp và cảnh sát Tây Ban Nha về quyền của những nghi phạm này.

Reuters cho biết đã không liên lạc được với giới chức chính quyền Tây Ban Nha hôm 18.2 để nghe họ phát biểu về vấn đề quốc tịch của các nghi phạm.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ và không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ và toàn bộ châu Âu trừ Vatican, đều tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, tức chỉ xem Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.

Theo Trùng Quang (Thanh Niên Online)