Thế giới

Tàu vũ trụ 1,5 tỷ USD của NASA bắt đầu sứ mệnh chạm vào Mặt trời

Tàu vũ trụ NASA đã bắt đầu hành trình 143 triệu km hướng đến trung tâm của hệ Mặt trời, trong sứ mệnh “chạm vào Mặt trời”.

Theo Daily Star, tên lửa đẩy Delta IV của NASA đã mang theo tàu thăm dò Mặt trời Parker trị giá 1,5 tỷ USD vào vũ trụ, bắt đầu hành trình lịch sử.

Tàu vũ trụ với kích thước bằng xe hơi này sẽ bay trong vũ trụ với tốc độ 692.000 km/giờ và dự kiến sẽ tới khu vực cách Mặt trời khoảng 6 triệu km vào năm 2024.

Tàu vũ trụ 1,5 tỷ USD của NASA bắt đầu sứ mệnh chạm vào Mặt trời
Tên lửa đẩy Delta IV mang theo tàu vũ trụ của NASA hướng đến Mặt trời.

Khi áp sát Mặt trời, tàu vũ trụ NASA sẽ phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt lên tới 1.377 độ C, gần đến ngưỡng làm tan chảy kim loại. Để chống chọi lại mức nhiệt này, tàu vũ trụ được phủ một lớp carbon composite dày 11cm, đủ sức chịu nhiệt độ lên tới 1.650 độ C.

NASA hy vọng sứ mệnh lịch sử này sẽ hé lộ nhiều điều bí mật về Mặt trời, bao gồm vành nhật hoa - vùng khí quyển ngoài cùng của Mặt trời. Khu vực này không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt Mặt trời mà còn là nơi tán xạ bức xạ điện từ, gây ra bão Mặt trời thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái đất.

Tàu vũ trụ 1,5 tỷ USD của NASA bắt đầu sứ mệnh chạm vào Mặt trời - 1
Tàu vũ trụ NASA sẽ trải qua quãng đường 143 triệu km cho đến năm 2024.

Phát ngôn viên NASA nói: “Tàu vũ trụ sẽ bay vòng quanh Mặt trời ở tốc độ 692.000 km/giờ. Tốc độ đó đủ để đến Washington DC từ Philadelphia trong 1 giây”.

“Mặt trời ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi biết những câu hỏi mà mình muốn trả lời”, Nicky Fox, nhà khoa học trong dự án thuộc Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Johns Hopkins, chia sẻ.

Tàu vũ trụ 1,5 tỷ USD của NASA bắt đầu sứ mệnh chạm vào Mặt trời - 2
Tàu thăm dò chuyên dụng có kích thước bằng chiếc xe hơi.

Ông Fox nói thêm rằng 6 triệu km có thể vẫn còn là xa, nhưng nếu so sánh với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, tàu vũ trụ chỉ cách Mặt trời tương đương 4cm.

“Chúng ta đã chuẩn bị cho sứ mệnh này từ năm 1958, nhưng chỉ đến bây giờ công nghệ mới đáp ứng đủ để đưa giấc mơ thành hiện thực”.

Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)