Thế giới

Tàu tuần duyên Trung Quốc gây hấn nhiều nhất ở Biển Đông

Kết quả từ cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ chỉ ra rằng hầu hết các vụ đụng độ giữa tàu thuyền các nước trên Biển Đông từ năm 2010 đến nay đều có liên quan đến tàu tuần duyên của Trung Quốc, từ đó cho thấy thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại khu vực này.

Kết quả từ cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ chỉ ra rằng hầu hết các vụ đụng độ giữa tàu thuyền các nước trên Biển Đông từ năm 2010 đến nay đều có liên quan đến tàu tuần duyên của Trung Quốc, từ đó cho thấy thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại khu vực này.

Tàu tuần duyên Trung Quốc (Ảnh: China Defense)

Theo các thành viên của CSIS, những người thực hiện cuộc khảo sát nhằm theo dõi hoạt động của lực lượng chấp pháp các nước trên Biển Đông, những động thái gây hấn ngày càng tăng của các tàu tuần duyên Trung Quốc đã gây ra tình trạng bất ổn tại khu vực này.

Reuters đưa tin ngày 7/9, nhóm khảo sát của CSIS mới đây đã công bố thông tin chi tiết về 45 vụ đụng độ giữa lực lượng chấp pháp của các nước trên Biển Đông từ năm 2010 trên trang web ChinaPower của trung tâm này. Mặc dù các vụ đụng độ xảy ra liên quan tới nhiều quốc gia trong khu vực cũng như nhiều loại tàu thuyền khác nhau nhưng các tàu tuần duyên Trung Quốc vẫn là lực lượng gây hấn nhiều nhất.

Theo đó, tàu tuần duyên Trung Quốc bị phát hiện đã dính líu tới 30 vụ, chiếm 2/3 tổng số vụ đụng độ trên Biển Đông. Ngoài ra, còn có 4 vụ việc khác liên quan tới tàu hải quân của nước này, vốn được triển khai để hỗ trợ lực lượng tuần duyên trên biển.

Trong cuộc khảo sát lần này, nhóm thành viên của CSIS đã xem xét các vụ việc mà ở đó tàu tuần duyên hoặc hải quân của một nước sử dụng các biện pháp cưỡng ép vượt ra ngoài phạm vi cho phép của lực lượng chấp pháp thông thường trên Biển Đông.

Bonnie Glaser, chuyên gia về an ninh khu vực của CSIS, nhận định: “Không nên xem nhẹ mối nguy hiểm từ các vụ đụng độ liên quan tới tàu tuần duyên”.

“Các bằng chứng đã cho thấy rõ lối hành xử của Trung Quốc, vốn đi ngược lại với những gì mà lực lượng chấp pháp của một nước được phép thực hiện”, Glaser nói.

“Chúng ta đang nhìn thấy sự bắt nạt, quấy nhiễu và chèn ép (của tàu Trung Quốc) đối với tàu thuyền của các quốc gia khác, những nước có tàu tuần duyên và tàu cá nhỏ hơn nhiều, nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông”, chuyên gia Glaser nhận định.

Theo đánh giá của CSIS, Trung Quốc hiện là nước có lực lượng tuần duyên lớn nhất thế giới sau khi hợp nhất các hạm đội tàu dân sự vào lực lượng này từ năm 2013, cùng với đó là kinh phí đầu tư cũng không ngừng tăng lên. Con số thống kê của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ cho biết, lực lượng tuần duyên Trung Quốc hiện triển khai khoảng 205 tàu thuyền, trong đó có 95 tàu hơn 1.000 tấn, tại các vùng biển, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản.

Theo Thành Đạt (Dân Trí)