Thế giới

Tàu sân bay Carl Vinson tới VN: Khi Hạm đội 3 và Hạm đội 7 phối hợp

Thủy thủ tàu sân bay Mỹ lên bờ ở Đà Nẵng

Điều động tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam đánh dấu sự phối hợp hoạt động của hai hạm đội ở Tây Thái Bình Dương, khi Mỹ chuyển dần ưu tiên sang châu Á - Thái Bình Dương.

Thông báo của phía Mỹ sau khi tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng nhấn mạnh tới việc "lần thứ hai tàu hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... cho phép Hạm đội 3 và Hạm đội 7 cùng hoạt động trong nhiều sứ mệnh hàng hải tại khu vực".

Tàu USS Carl Vinson dù trực thuộc Hạm đội 3 nhưng đã đi sang khu vực quản lý thường xuyên của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Và đi cùng đoàn lãnh đạo Hải quân ở lễ đón ở cảng Tiên Sa cũng có Phó đô đốc Phillip G. Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7. 

Việc tăng cường giao lưu hai hạm đội này không ngoài chiến lược thúc đẩy "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", phần trọng tâm trong chiến lược an ninh mới của chính quyền Donald Trump. Trong cấu phần này, "Tứ giác Kim cương" với cấu trúc Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Australia là một phần quan trọng. 

Tàu sân bay Carl Vinson tới VN: Khi Hạm đội 3 và Hạm đội 7 phối hợp
Phân bổ các hạm đội hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.

Hạm đội 3 được thành lập năm 1943, phạm vi phụ trách là khu vực Đông Thái Bình Dương, trải dài từ Đường chuyển ngày quốc tế (International Date Line- IDL) đến Bờ Tây nước Mỹ. Hạm đội hiện có 115 tàu và 60.000 thuỷ thủ. Trong quá khứ, hạm đội từng tham gia vào những trận hải chiến mang tính quyết định hồi Thế chiến 2 ở chiến trường Thái Bình Dương, điển hình là trận chiến Vịnh Leyte năm 1944. Từ năm 1945 đến năm 1973, hạm đội này đóng vai trò như đơn vị dự bị, các nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và dự phòng.

Sự tham gia của đội tác chiến tàu USS Carl Vinson ở Tây Thái Bình Dương là một phần của sáng kiến “Hạm đội 3 tiến bước” (3rd Fleet Forward), qua đó tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ bên cạnh Hạm đội 7. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson chính là đội tàu đầu tiên được điều động. 

Tàu sân bay Carl Vinson tới VN: Khi Hạm đội 3 và Hạm đội 7 phối hợp - 1
Tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu trong vịnh Đà Nẵng hôm 5/3. Ảnh: Hải An.

Tăng cường sự hiện diện Hải quân Mỹ

Trên thực tế, sáng kiến từng được nêu lên không phải dưới thời chính quyền Trump mà từ năm 2015, do tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, công bố; với ý tưởng là tăng cường sự linh hoạt cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trong việc kiểm soát cả hai hạm đội dựa trên nhiệm vụ cụ thể, thay vì vùng địa lý.

Trong một báo cáo từ tháng 9/2015, Đô đốc Swift nói ông muốn Hạm đội 3 mở rộng sự hiện diện từ căn cứ chính ở San Diego đến vùng Tây Thái Bình Dương, phối hợp cùng Hạm đội 7 để chú trọng vào những khu vực “bất ổn cao”.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), nói: “Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Mỹ thể hiện sự ưu tiên nhiều hơn trong việc đối phó với mối đe doạ về phổ biến hạt nhân, vũ khí hạt nhân và tình hình bán đảo Triều Tiên. Điều này dẫn đến việc điều động nhiều tàu và máy bay quân sự đến Tây Thái Bình Dương”.

Lần đầu tiên Mỹ triển khai đội tác chiến tàu USS Carl Vinson đến Tây Thái Bình Dương là vào đầu năm 2017 nhằm chuẩn bị đối phó với những tình huống bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên. Tư lệnh Hạm đội 3 khi đó là Phó đô đốc Nora Tyson nói nếu sự kiện khẩn cấp phát sinh ở bán đảo thì sẽ do Hạm đội 7 giải quyết, trong khi hạm đội của ông sẽ đi thực hiện những nhiệm vụ khác như cứu hộ nhân đạo hoặc giám sát diễn biến an ninh ở Biển Đông.

Việc điều động các tàu của Hạm đội 3 đến Tây Thái Bình Dương cũng diễn ra trong bối cảnh Hạm đội 7 gặp phải hai tai nạn lớn gây chấn động Hải quân Mỹ hồi năm ngoái. Hai vụ va chạm tàu đã khiến 17 thuỷ thủ thiệt mạng. Một cuộc điều tra đã kết luận Hạm đội 7 phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, nên họ không còn đủ thời gian cho những bài tập huấn vốn phải tiến hành đầy đủ.

Như vậy, với sáng kiến phối hợp hoạt động này, Hải quân Mỹ hiện có hai hạm đội cùng hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ điều chuyển dần sự ưu tiên từ các điểm nóng ở Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Carl Vinson tới VN: Khi Hạm đội 3 và Hạm đội 7 phối hợp - 2
Tàu tuần dương USS Lake Champlain tiến vào cảng Tiên Sa hôm 5/3. Ảnh: Hải An.

Khẳng định cam kết của Mỹ

Theo Giáo sư Carl Thayer, so với chính quyền Obama thì Tổng thống Trump trao quyền quyết định nhiều hơn cho các quan chức quốc phòng. Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được chủ động hơn trong việc điều động các tàu và máy bay để đối phó với những thách thức an ninh với nước Mỹ.

“Ông Mattis là có kinh nghiệm rất lớn về tình hình an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, việc điều động đội tàu USS Carl Vinson nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực, và những đối tác chiến lược tiềm năng, rằng Mỹ sẽ tiếp tục gắn kết với khu vực này”, ông Thayer nói.

Chia sẻ với quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glasser (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, Mỹ) nói với Zing.vn rằng sự phối hợp hoạt động của Hạm đội 3 và Hạm đội 7 ở Biển Đông gửi đi tín hiệu về sự cam kết của Mỹ với hoà bình và ổn định trong khu vực; và các tàu Mỹ có quyền đi lại ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

“Những nước tiếp đón các tàu Mỹ cũng chính là thể hiện thông điệp ủng hộ. Cùng với nhau, họ sẽ hình thành một môi trường mà buộc các bên phải tính toán cẩn thận trong lối hành xử”, bà Glasser nói.

Nhà phân tích Renato Cruz De Castro tại Đại học De La Salle ở Philipines thì nói trên trang NPR rằng việc điều động tàu của Hạm đội 3 đi về hướng Tây cho thấy “Biển Đông ngày càng thu hút sự chú ý từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và có thể là cả Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Theo ông Cruz De Castro, khu vực hiện nay không có ít hơn 4 điểm căng thẳng. Bên cạnh bán đảo Triều Tiên là sự đối đầu của các tàu quân sự Trung Quốc và Nhật xoay tranh tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tình hình Biển Đông và đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng khiến Washington để tâm.

Một số tàu của Hạm đội 3 cũng từng tiến hành những nhiệm vụ tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, Thiếu tá Timothy Hawkins, sĩ quan phụ trách quan hệ công chúng của đội tác chiến USS Carl Vinson, nói rõ các tàu của họ sẽ không tham gia vào những hoạt động như vậy trong đợt điều động năm 2018 này.

Tuy nhiên, ông Douglass Verissimo, Hạm trưởng tàu USS Carl Vinson, khẳng định rõ ràng khi ở Philippines và trước khi đến Việt Nam rằng: “Chỉ riêng sự hiện diện của đội tàu chúng tôi đã gửi đi thông điệp quan trọng. Nó thể hiện quyết tâm của các lãnh đạo Mỹ. Khi họ điều động một đội tác chiến tàu sân bay đến đâu nghĩa là họ chú trọng đến khu vực đó”.

Theo Cảnh Toàn (Tri Thức Trực Tuyến)