Thế giới

Tàu chiến Mỹ bị đâm: Công bố bất ngờ

Sau thời gian điều tra, phía Hải quân Mỹ cho rằng vụ va chạm của các tàu chiến không phải do tấn công mạng.

Sau thời gian điều tra, phía Hải quân Mỹ cho rằng vụ va chạm của các tàu chiến không phải do tấn công mạng.

Đô đốc John Richardson cho biết ông từng quan tâm đến thuyết âm mưu cho rằng 2 vụ va chạm do các cuộc tấn công mạng gây ra, nhưng sau đó ông khẳng định “cho đến bây giờ, các hoạt động điều tra mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy không có bất cứ chứng cứ nào về bất cứ loại tấn công công nghệ cao nào cả”.

Trước đó, Phó chỉ huy chiến dịch hàng hải, đô đốc Bill Moran cho rằng vụ tai nạn liên quan đến khu trục tên lửa USS John S. McCain là do thủy thủy đoàn. Ông nói, “rõ ràng ở một số điểm nào đó, đội trực trên đài chỉ huy đã không nhận thức được tình huống”.

Dường như sự nghi ngờ của ông Bill là khả quan hơn cả. Bởi lẽ, sau khi vụ tai nạn liên quan đến khu trục USS John S. McCain xảy ra, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, phó đô đốc Joseph Aucoin mất chức khi chỉ vài tuần nữa là nghỉ hưu “do đã đánh mất sự tin tưởng vào khả năng chỉ huy của mình”, theo lời đô đốc Scott Swift tuyên bố ngày 23/8.

 Lỗ thủng trên khu trục USS John S. McCain sau khi bị tàu chở dầu - hóa chất Alnic MC đâm trúng.

Lỗ thủng trên khu trục USS John S. McCain sau khi bị tàu chở dầu - hóa chất Alnic MC đâm trúng.

Theo Global Security, tàu khu trục USS John S. McCain được trang bị hàng loạt thiết bị điện tử hàng hải tối tân. Con tàu trị giá khoảng 1,5 tỷ USD bao gồm cả vũ khí. Mỗi tàu chiến của Hải quân Mỹ được trang bị ít nhất 4 loại radar khác nhau cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu trên biển, trên không, điều khiển hỏa lực và điều hướng hàng hải.

Đặc biệt, các tàu chiến hiện đại của Mỹ cũng như các nước khác đều được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm tự động (ARPA). Radar của hệ thống ARPA sẽ theo dõi và tự động hiển thị thông tin vị trí của tàu và các tàu khác trong khu vực. Máy tính của hệ thống sẽ dựa trên tốc độ, hướng đi của tàu so với tàu khác từ đó đưa ra thông tin cảnh báo va chạm.

Ở khía cạnh trang bị kỹ thuật, các chiến hạm Mỹ hầu như được “trang bị tận răng” cho các tình huống trên biển, vấn đề còn lại có thể nằm ở thủy thủ đoàn. Các chuyên gia quân sự cho biết những vụ va chạm liên tiếp gần đây đặt ra câu hỏi về vấn đề đào tạo thủy thủ của Hải quân Mỹ.

Rick Francona, nhà phân tích kỳ cựu của CNN nói rằng: "Hải quân hiện nay có vẻ không tốt, đặc biệt khi chúng ta cần những con tàu có trang bị hệ thống Aegis để phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm đề phòng kịch bản xấu trên bán đảo Triều Tiên".

Trong báo cáo về vụ va chạm trước đó của tàu khu trục Fitzgerald vừa được công bố vào đầu tuần trước, Hải quân Mỹ cho biết sẽ rà soát lại quy trình đào tạo thủy thủ. “Vụ va chạm có thể tránh được, thủy thủ đoàn 2 tàu đều có nhiều năm kinh nghiệm trên biển.

Trong vụ tai nạn của tàu Fitzgerald, sự phối hợp nhóm kém và chỉ đạo không kịp thời của các sĩ quan chỉ huy đã góp phần dẫn đến va chạm”, theo một tuyên bố của Hạm đội 7.

Trong năm 2017, có đến 4 vụ tai nạn liên quan đến chiến hạm của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 2 vụ còn lại không có thương vong. Tuy nhiên, đô đốc Swift khẳng định rằng, “mặc dù bốn sự cố kể trên xảy ra ở các thời điểm khác nhau, nhưng không có nghĩa là có thể xem xét chúng một cách biệt lập”.

Hải quân Mỹ đang thực hiện việc rà soát toàn bộ các vụ va chạm và sự cố trong 1 thập kỷ qua để tìm cách khắc phục tình trạng mà Chỉ huy chiến dịch hàng hải, đô đốc John Richardson gọi là một “trào lưu”. Năm nay là năm mà chiến hạm Mỹ gặp nhiều tai nạn nhất trong 2 thập kỷ vừa qua.

Theo Nhật Quang (Đất Việt)