Thế giới

Tăng T-34 Lào chuyển cho Nga vẫn hoạt động tốt sau 75 năm

Các kỹ sư Nga không cần can thiệp sâu với 30 tăng T-34 tiếp nhận từ Lào, dù chúng được sản xuất vào cuối Thế chiến II.

Tăng T-34 Lào chuyển cho Nga vẫn hoạt động tốt sau 75 năm
Đoàn tàu chở 30 xe tăng T-34 do quân đội Lào bàn giao cho Nga tạm dừng tại thành phố Chita. Ảnh: RIA Novosti.

"Số xe tăng này là phiên bản T-34-85 đời 1944, một kiệt tác công nghệ với khoảng 23.000 chiếc được sản xuất trong giai đoạn 1944-1945. Số tăng này vẫn trong điều kiện rất tốt và không cần can thiệp kỹ thuật chuyên sâu", phó giám đốc phụ thiết bị đặc biệt của tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) Vyacheslav Khalitov ngày 20/1 phát biểu trong lễ tiếp nhận lô xe tăng T-34 do Lào chuyển giao, theo RIA Novosti.

Khalitov cho biết các chuyên gia của tập đoàn UVZ sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình trạng và hỗ trợ kỹ thuật cho 30 xe tăng T-34-85 vừa được quân đội Lào chuyển giao. "Xe tăng T-34-85 phiên bản 1944 sẽ kỷ niệm 75 năm được đưa vào biên chế trong ngày 23/1", ông cho hay.

Liên Xô bắt đầu phát triển xe tăng T-34 từ năm 1939 và đưa vào biên chế sau đó 5 năm, với tổng cộng 84.070 chiếc T-34 được chế tạo, khiến nó trở thành dòng xe tăng được sản xuất nhiều thứ hai lịch sử, chỉ xếp sau dòng T-54/55 Liên Xô. T-34 là một trong những dòng xe tăng tốt nhất và nổi tiếng nhất của Liên Xô, trở thành biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Sư đoàn Tăng Cận vệ số 4 "Kantemirovskaya" Nga hôm qua tổ chức lễ đón 30 xe tăng T-34 tại thành phố Naro-Fominsk, gần thủ đô Moskva. Lô xe tăng hạng trung này được Liên Xô bàn giao cho Lào vào năm 1987 và được quân đội Lào biên chế, sử dụng cho tới cuối năm 2018 mà không bị hư hại đáng kể.

Số xe tăng này được Lào chuyển cho Nga theo chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự của hai nước được ký tháng 1/2018 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu. Chúng sẽ được Nga sử dụng trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5, trưng bày tại các bảo tàng, sử dụng trong các dự án phim tài liệu và phim điện ảnh đề tài lịch sử.

Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)