Thế giới

Tân Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trở lại ngoạn mục, đập bàn tại lễ tuyên thệ nhậm chức

Vương Kỳ Sơn tuyên thệ nhậm chức

Chỉ với 1 phiếu chống trong số tổng 2970 phiếu bầu, ông Vương Kỳ Sơn đã phá vỡ thông lệ 20 năm tại Trung Quốc, trở thành Phó Chủ tịch với tư cách đảng viên phổ thông.

Tân Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trở lại ngoạn mục, đập bàn tại lễ tuyên thệ nhậm chức
Tân Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn. Ảnh: Reuters

Vương Kỳ Sơn tuyên thệ nhậm chức

Sáng nay 17/3, tại phiên họp toàn thể lần thứ năm, trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII (tức Quốc hội), ông Vương Kỳ Sơn đã giành được 2969/2970 phiếu thuận và trở thành đảng viên phổ thông duy nhất trong 20 năm qua tại Trung Quốc trở thành Phó Chủ tịch nước.

Đáng chú ý, tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi được bầu - nghi thức lần đầu tiên được tổ chức căn cứ theo quy định hiến pháp sửa đổi, Vương Kỳ Sơn đã có hành động đặc biệt, thu hút sự chú ý của dư luận.

Tân Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trở lại ngoạn mục, đập bàn tại lễ tuyên thệ nhậm chức - 1
Ông Vương đập bàn sau khi tuyên thệ.

Sau khi đọc xong lời tuyên thệ, khi tay trái vẫn còn đặt trên quyển hiến pháp, tay phải ông đã đập mạnh xuống mặt bàn. Hành động này không xảy ra với Chủ tịch Tập Cận Bình và Ủy viên trưởng Ban thường vụ Đại biểu nhân đại nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư khi các ông này tuyên thệ trước đó.

Giới phân tích cho rằng, động tác của Vương Kỳ Sơn đơn thuần bày tỏ sự hài lòng trước kết quả bỏ phiếu của mình hoặc thể hiện sự quyết tâm trước nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức phía trước.

Ngoài ra, theo ghi nhận, tại hội nghị sáng nay, không có sự tiếp xúc giữa tân Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và người tiền nhiệm Lý Nguyên Triều.

Theo thông lệ, sau khi kết quả bỏ phiếu chính thức được công bố, các nhân sự sẽ thể hiện sự chuyển giao quyền lực ngay tại hội trường. Trong các kỳ Lưỡng hội trước đây, khi chuyển giao chức vụ Phó Chủ tịch thường xảy ra hai trường hợp.

Thứ nhất, nếu Phó Chủ tịch được bầu trở thành Chủ tịch, người này có cử chỉ bắt tay với Chủ tịch tiền nhiệm.

Ví dụ, năm 2003, khi ông Hồ Cẩm Đào từ Phó Chủ tịch trở thành Chủ tịch, ông này đã bắt tay thân mật với người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân. Ông Tập Cận Bình khi từ Phó Chủ tịch trở thành Chủ tịch, cũng đã bắt tay chào hỏi Hồ Cẩm Đào.

Thứ hai, đối với trường hợp Phó Chủ tịch về hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Ví dụ, năm 2008, ông Tăng Khánh Hồng rời vị trí Phó Chủ tịch, về hưu; ông Tập Cận Bình bấy giờ kế nhiệm vị trí này. Khi đó, hai ông Tăng, Tập không chỉ bắt tay mà còn ôm thân mật tại lễ chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, tại hội nghị hôm nay, ông Vương Kỳ Sơn đã không có cơ hội tham gia lễ chuyển giao quyền lực này bởi đơn giản, người tiền nhiệm Lý Nguyên Triều không trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nên không có tư cách xuất hiện tại Đại lễ đường nhân dân sáng nay.

Trong bối cảnh đó, ông Vương Kỳ Sơn đã bắt tay thân mật, chúc mừng ông Tập tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ mới.

Tân Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trở lại ngoạn mục, đập bàn tại lễ tuyên thệ nhậm chức - 2
Ông Vương Kỳ Sơn bắt tay chúc mừng Chủ tịch Tập Cận Bình, thay vì tiếp xúc với người tiền nhiệm nhằm thể hiện bước chuyển giao quyền lực theo thông lệ. Ảnh: Reuters

Sự trở lại ngoạn mục của "cánh tay phải" của ông Tập

Nhận định về việc ông Vương Kỳ Sơn được bầu làm Phó Chủ tịch Trung Quốc, tờ First Post (Ấn Độ) dẫn lời Kerry Brown, cựu nhà ngoại giao người Anh cho rằng, việc này cho thấy Vương sẽ trở thành cố vấn chính trị vô cùng quan trọng của ông Tập. "Điều này đồng nghĩa rằng chính trị Trung Quốc đang ở thời đại phi truyền thống", ông Brown nói.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời một chuyên gia chuyên nghiên cứu vấn đề Trung Quốc tại Washington nhận định rằng, kinh nghiệm của Vương Kỳ Sơn rất phù hợp để giải quyết vấn đề quan hệ Trung-Mỹ.

"Vương Kỳ Sơn rất có danh tiếng ở Washington, được đánh giá là người có năng lực, biết cách giải quyết khó khăn, là đối thủ đàm phán dễ tiếp cận nhưng có thể đưa ra nhiều quyết định khó khăn", chuyên gia Mỹ nói.

Một bộ phận giới phân tích cũng cho rằng, việc đưa Vương Kỳ Sơn lên vị trí Phó Chủ tịch Trung Quốc là một quyết định khá táo bạo của ông Tập bởi Vương chỉ là đảng viên phổ thông, khác với các trường hợp đắc cử Phó Chủ tịch trước đây khi những người này đều là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị.

Trước đó, bà Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) cho rằng, ông Vương sẽ dùng "một vai trò phi chính thức nào đó" để tham gia vào các quyết sách của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bà này chỉ ra, dưới thời Đặng Tiểu Bình, rất nhiều lãnh đạo lão thành đã dùng chức danh cố vấn để tham gia vào các quyết sách của đảng nên ông Tập sẽ đưa ra những sắp xếp nhân sự như vậy.

Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)