Thế giới

T-72: Từ 'kẻ đóng thế' trở thành xương sống lực lượng xe tăng Nga

Là mẫu xe tăng ra đời như giải pháp tình thế nhưng T-72, từ kẻ "đóng thế", đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Lục quân Liên Xô và xương sống của lực lượng xe tăng Nga hiện nay.

Lực lượng tăng – thiết giáp có vai trò vô cùng quan trọng đối với một đất nước có lãnh thổ rộng lớn như nước Nga. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, các nhà quân sự Liên Xô hết sức sùng bái sức mạnh xe tăng, nên lực lượng tăng – thiết giáp của Liên Xô luôn được quan tâm đầu tư, là nòng cốt trong các binh đoàn cơ động của Lục quân Liên Xô.

Liên Xô tự hào là quốc gia cho ra đời những dòng tăng chủ lực (MBT) nổi tiếng, được chế tạo với số lượng lớn và có mặt trong biên chế của quân đội nhiều nước, trong đó có dòng tăng T-72.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 25.000 chiếc T-72 đã được chế tạo, khiến nó trở thành dòng xe tăng được sản xuất nhiều thứ hai trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ đứng sau T-54/T-55 (cũng do Liên Xô chế tạo).

Dù ra đời đã gần 50 năm nhưng T-72 vẫn là loại MBT hiện đại, nhờ tiếp tục được nâng cấp và đang hiện diện trong biên chế quân đội khoảng 40 nước. Nó tiếp tục có mặt tham chiến tại các điểm nóng xung đột trên thế giới.

Vào những năm 1970, xe tăng T-72 là biểu tượng sức mạnh của Lục quân, niềm tự hào của bộ đội tăng thiết giáp Liên Xô.

Vào thời điểm T-72 xuất hiện trong biên chế của quân đội Liên Xô, Tổng thống Mỹ khi đó - Richard Nixon đã ví T-72 là những con "quái vật thép", có thể sánh ngang với các máy bay tiêm kích phản lực hiện đại nhất của quân đội Mỹ lúc đó là F-4 Phantom.

Giải pháp tình thế

Ít ai biết rằng, T-72 ra đời như một giải pháp tình thế - một sự thay thế rẻ hơn cho xe tăng T-64. Dù rằng T-64 là phiên bản xe tăng có tính cách mạng nhưng do cấu tạo phức tạp và đắt đỏ, vượt quá khả năng công nghệ của Liên Xô thời bấy giờ nên T-64 chỉ được trang bị hạn chế trong những đơn vị đặc biệt của quân đội Liên Xô và không được xuất khẩu.

Năm 1976, mẫu T-64 tiếp tục được nghiên cứu phát triển thành T-80, đây là mẫu MBT thế hệ 3 đầu tiên của Liên Xô. Nhưng phiên bản T-80 cũng chỉ được trang bị hạn chế do giá thành quá cao, ngân sách quốc phòng của Liên Xô khi đó không thể gánh nổi.

Xe tăng T-72 được chế tạo trên cơ sở cải tiến sâu xe tăng T-62, đồng thời tiếp thu một số công nghệ tiên tiến của dòng T-64 như vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực, thiết bị nạp đạn tự động, máy đo xa, giáp bảo vệ.

T-72 ra đời đáp ứng được tiêu chí của quân đội Liên Xô là sản xuất với giá thành rẻ, cấu tạo đơn giản, có thể sản xuất loạt lớn nếu điều kiện chiến tranh nổ ra (vì khi đó Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đỉnh điểm).

Với những tính năng gần như tương đương T-80, trong khi giá thành lại rẻ hơn nhiều (chỉ gần bằng 1/2 so với xe tăng T-80), T-72 ngay lập tức được đưa vào sản xuất với số lượng lớn, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của cuộc chạy đua vũ trang.

Được biên chế hàng loạt trong quân đội Liên Xô vào năm 1977, T-72 có khối lượng 41 tấn, trang bị một pháo nòng trơn 125 mm. Pháo được trang bị máy nạp đạn tự động, thành viên kíp xe chỉ còn 3 người (trưởng xe, lái xe và pháo thủ) thay vì 4 như trong biên chế của những chiếc T-55.

Những chiếc T-72 đời đầu được trang bị vỏ giáp tương đương khoảng 410 đến 500 mm thép đồng nhất (RHA) đối với tháp pháo và bán cầu trước của xe. Đây cũng là khả năng bảo vệ tốt cho một chiếc MBT của những năm 1970.

Điểm yếu của nó là không có khoang riêng biệt để mang đạn, mà đạn để chung trong khoang chiến đấu cùng kíp xe, dẫn đến tăng nguy cơ cháy nổ khi xe bị trúng đạn.

Trong cuộc chiến tranh tại Iraq, nhiều xe tăng T-72 biên chế trong quân đội Iraq đã bị thổi tung tháp pháo khi bị trúng đạn của xe tăng Mỹ cũng như của phiến quân. Trong những trường hợp như vậy, kíp xe ít có cơ hội sống sót.

Liên tục được cải tiến nâng cấp

Những phiên bản nâng cấp đầu tiên của xe tăng T-72 đó là T-72A xuất hiện vào năm 1979 với lớp giáp cải tiến dày hơn.

Tiếp theo là phiên bản T-72B xuất hiện vào năm 1985, kết hợp các tính năng từ chiếc T-80. Cụ thể, chiếc T-72B được nâng cấp với thiết bị đo xa laser và tiếp tục được nâng cấp về vỏ giáp, nhất là phần tháp pháo với giáp composite, tương đương với 560 mm thép đồng nhất.

Phiên bản T-72BI được nâng cấp sau khi Liên Xô sụp đổ (1991); nó có một tháp pháo được bảo vệ tốt hơn, bộ giáp tổng hợp có độ dày tương đương 900 đến 950 mm thép đồng nhất (RHA). Với bộ giáp này, nó có thể chống lại hầu hết đầu đạn chống tăng của phương Tây.

Về hỏa lực, T-72B và T-72BI cũng có khả năng bắn tên lửa từ pháo chính. Các tên lửa 9M119 Svir và 9M119M Refleks (NATO định danh: AT-11 Sniper) là tên lửa dẫn đường bằng laser với tầm bắn tối đa là 3 km. Từ các phiên bản T-72B sau này đều được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) để chống lại các loại đạn lõm và đạn chống tăng có thanh xuyên.

T-72: Từ 'kẻ đóng thế' trở thành xương sống lực lượng xe tăng Nga
Xe tăng T-72B2

T-72B2 - phiên bản cải tiến sâu của T-72 - được công bố vào năm 2006, đã nâng cao giáp bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Relickt, trang bị hệ thống phòng hộ chủ động Shtora-1 để gây nhiễu tên lửa dẫn đường bằng laser và hồng ngoại; đồng thời T-72B2 được trang bị động cơ mạnh hơn, công suất 1.000 mã lực.

Các nâng cấp mới nhất, được công bố vào năm 2010 là phiên bản T-72B3 và B3M. Đây là một bản nâng cấp rẻ hơn so với T-72B2; chương trình B3 nâng cấp những chiếc T-72B cũ với một động cơ kiểu mới, hệ thống kiểm soát hỏa lực tốt hơn và một khẩu pháo mạnh hơn.

T-72: Từ 'kẻ đóng thế' trở thành xương sống lực lượng xe tăng Nga - 1
T-72B3M

Sẽ tiếp tục là xương sống của lực lượng tăng Nga

Sau khi ra đời, Liên Xô đã đồng ý chuyển giao công nghệ để các nước anh em XHCN của mình như Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư, nhiều phiên bản "nhái" T-72 cũng được chế tạo theo giấy phép hoặc không theo giấy phép trong quân đội nhiều quốc gia.

Iraq có T-72 Sư tử Babylon, Nam Tư có M-84, Ấn Độ Ajeya, Nam Phi có gói nâng cấp T-72 Tiger và Syria T-72 Adra.

Có hàng nghìn chiếc T-72 được sử dụng trên khắp thế giới. Song không có gì đáng ngạc nhiên, quân đội sử dụng nhiều xe tăng T-72 nhất vẫn là Nga, với khoảng 2.500 chiếc hiện trong biên chế chiến đấu và có khoảng 8.000 chiếc dự trữ khác.

Theo một trang quốc phòng Nga, tính đến tháng 9/2016, khoảng 1.000 chiếc T-72 đã được nâng cấp thành các phiên bản T-72 B3.

Hiện nay, T-72 vẫn đang được sử dụng và tiếp tục được nâng cấp. Đây là dòng MBT có tính thông dụng nhất thế giới.

Có một điều hết sức thú vị là, trong cuộc nội chiến tại Iraq, các MBT M1 Abrams của Mỹ được xem là rất hiện đại. Chúng bị các lực lượng nổi dậy chiếm giữ nhưng những lực lượng này lại chưa bao giờ sử dụng các xe tăng chiến lợi phẩm M1 Abrams như một vũ khí chống lại quân đội chính phủ.

Trong khi đó các MBT T-72 mà chúng chiếm được thường được sử dụng làm hỏa lực chính chống lại đối phương. Như vậy, có thể đánh giá được tính thông dụng, dễ dàng khai thác sử dụng cũng như tính thích ứng cao của dòng xe tăng T-72.

Hiện nay quân đội Nga có 3.500 chiếc T-80 và một số lượng lớn xe tăng T-90 - phiên bản MBT được đánh giá cao hơn cả M1A1 Abram của quân đội Mỹ. Gần đây, họ tiếp tục cho ra đời một MBT có tính cách mạng đó là T-14 Armata.

Mặc dù là mẫu tăng có tính năng hiện đại nhưng có vẻ T-14 vẫn chưa sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt để trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Nga trong thời kỳ hậu Xô viết.

Điều đó có nghĩa là trong tương lai gần, T-72 sẽ tiếp tục là xương sống của lực lượng tăng - thiết giáp Nga.

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến/ Trường Đại học Chính trị 

Theo Soha/Trí Thức Trẻ