Thế giới

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn

Thành tựu mang tính biểu tượng cho sự thành công đột phá của Nga trong lĩnh vực quân sự là những loại vũ khí được Tổng thống Putin giới thiệu trong Thông điệp liên bang 2018.

Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, một trong những chủ đề được đề cập nhiều là: Với xuất phát điểm của một quốc gia bị khủng hoảng toàn diện về kinh tế-xã hội, chính trị, giáo dục, khoa học-kỹ thuật dưới thời cầm quyền của Tổng thống Boris Yeltsin những năm 1990, nhờ đâu nước Nga có lực lượng vũ trang Nga hiện đại, hùng mạnh bậc nhất thế giới sau gần 18 năm cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin?

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn

Nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng đặt ra trước V. Putin ngay sau khi ông nhậm chức Tổng thống Nga năm 2000 là khôi phục tiềm lực công nghiệp hùng hậu bậc nhất thế giới được kế thừa của Liên Xô nhưng đã bị tàn phá do tác động của quá trình tư nhân hóa ồ ạt dưới thời Boris Yelsin. 

Mức độ tàn phá này thậm chí còn khủng khiếp hơn Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong đó, 500 xí nghiệp lớn của nước Nga bị đem ra bán đấu giá, trung bình mỗi xí nghiệp khoảng 8 triệu USD!

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 1

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 2

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống V.Putin ký sắc lệnh thực hiện nhiều chương trình công nghiệp quốc gia như Chương trình phát triển công nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh, Chương trình phát triển công nghiệp điện tử và vô tuyến điện tử, Chương trình công nghiệp hàng không, Chương trình đóng tàu v.v…

Kết quả là ngành công nghiệp của Nga không chỉ đi vào phát triển ổn định mà còn định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao.

Đồng thời, Tổng thống V. Putin đã lãnh đạo thành công quá trình tổ chức lại tổ hợp công nghiệp quốc phòng - một tổ hợp hoàn chỉnh liên kết rất nhiều nhà máy chế tạo và viện nghiên cứu ở các nước cộng hòa Xô Viết, từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực quân sự hùng mạnh bậc nhất thế giới. 

Sau khi Liên Xô tan rã, quá trình tư nhân hóa ồ ạt trong những năm 1990 đã hủy hoại một cách có hệ thống tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga, trong đó 92% xí nghiệp luyện kim màu - cơ sở cực kỳ quan trọng của công nghiệp quốc phòng - bị tư nhân hóa.

Ví dụ điển hình là nhà máy luyện kim màu nikel - một loại nguyên liệu then chốt trong công nghệ chế tạo vũ khí - với 160.000 công nhân, trị giá hàng trăm tỷ USD đã bị bán cho công ty nước ngoài với giá nửa triệu USD!

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 3

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 4

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 5

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 6

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 7

Sau khi bước vào Điện Kremlin năm 2000, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh thành lập nhiều công ty công nghiệp quốc phòng chuyên ngành thuộc sở hữu nhà nước.

Thực hiện sắc lệnh này, Nga đã xây dựng được 50 công ty công nghiệp quốc phòng do nhà nước quản lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại vũ khí trang bị chiến lược, chiến lược - chiến dịch, chiến dịch - chiến thuật, tạo cơ sở vật chất để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga.

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga từng bước giành lại vị thế hàng đầu thế giới, xét về khả năng, tiềm lực và triển vọng phát triển

Hiện nay, các công ty công nghiệp quốc phòng Nga không chỉ nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí trang bị đủ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu trang thiết bị quân sự hàng đầu và có uy tín nhất thế giới.

Năm 2014, Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật - quân sự với 89 nước.

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 8

Trên cơ sở sắp xếp lại và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật cho tiềm lực quốc phòng, Tổng thống V. Putin đã chỉ đạo thực hiện 2 chương trình cải cách quân sự (2004 - 2008 và 2008 - 2020). 

Theo đó, Nga đã điều chỉnh học thuyết quân sự, xác định nguy cơ hàng đầu là NATO không ngừng mở rộng và đưa cơ sở hạ tầng quân sự của các nước thành viên trong khối này áp sát biên giới Nga.

Học thuyết quân sự Nga xác định vai trò và tác dụng của sức mạnh quân sự trên bình diện quốc tế; tác dụng của biện pháp răn đe chiến lược, xác định chiến lược quân sự của Nga chuyển từ phòng ngự bị động sang phòng ngự tích cực; đề ra các biện pháp tổng hợp để bảo đảm an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Nga. 

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 9

Học thuyết cũng xác định rõ, thắng lợi trong chiến tranh hiện đại không chỉ phụ thuộc vào số lượng binh sĩ, xe tăng hay máy bay, tên lửa tham gia chiến tranh mà trước hết phụ thuộc vào hệ thống vũ khí kiểu mới, vào tố chất và bản lĩnh, tầm trí tuệ của người lãnh đạo, của người chỉ huy và ý chí của người lính trên chiến trường. 

Học thuyết quân sự Nga định hướng chuyển từ tư duy tác chiến hợp đồng, phối hợp sự chi viện các quân binh chủng khác nhau, lấy lục quân làm chủ đạo, sang phương thức tác chiến liên hợp trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

Theo chương trình cải cách quân sự đến năm 2020, Chính phủ Nga thông qua quyết định tăng ngân sách cho chương trình mua sắm vũ khí quốc gia giai đoạn 2011-2013 lên 1,5 lần so với tổng kinh phí dự toán ban đầu, từ 1.300 tỷ rup lên 20.000 tỷ rúp.

Trên cơ sở đó triển khai chương trình tái trang bị tới năm 2020, trong đó xác định các nội dung: 

* Phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất theo hướng "thông minh hoá"; phát triển hệ thống tích hợp chỉ huy - truyền thông - tình báo - tự động hoá - chỉ thị mục tiêu - chiến tranh điện tử; tập trung chế tạo các phương tiện chiến đấu mang vác gọn nhẹ, siêu nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực trinh sát và chỉ huy chiến đấu;

* "Tàng hình hoá" các loại vũ khí trang bị kỹ thuật và các công trình quân sự trong tất cả các dải tần số; nâng cao khả năng cơ động của quân đội, chú ý cân đối giữa khả năng chuyên chở với khối lượng và tính chất bao gói của vũ khí trang bị kỹ thuật;

* Ưu tiên phát triển các vũ khí trang bị kỹ thuật có điều khiển chính xác cao; giảm chi phí khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật; ưu tiên chế tạo các vũ khí trang bị kỹ thuật mới không cần sửa chữa và không cần bảo dưỡng kỹ thuật.

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 10

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 11

Mục đích chính của chương trình tái trang bị là đổi mới 70-80% tổng số vũ khí có từ thời Liên Xô vào năm 2020.

Chương trình trang bị còn nhằm tạo ra và duy trì sức mạnh răn đe bằng biện pháp phi đối xứng, với số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược hợp lý; dùng lực lượng thông thường đánh bại các cuộc xâm lược trên hướng lục địa và cả trên hướng biển.

Bên cạnh đó là xây dựng cơ sở hạ tầng chung của quân đội phối hợp với cơ sở hạ tầng vận tải, truyền thông, cung ứng chung của quốc gia; xây dựng hệ thống hậu cần, bảo đảm kỹ thuật, triển khai động viên thống nhất và tập trung của quân đội và các lực lượng khác.

Trong lĩnh vực tổ chức hệ thống chỉ huy, Nga chuyển hệ thống chỉ huy bốn cấp (quân khu - tập đoàn quân - sư đoàn - trung đoàn) thành hệ thống chỉ huy ba cấp (quân khu - tập đoàn quân - lữ đoàn). Sau khi cải cách, số Quân khu chỉ còn lại bốn. 

Ngoài bốn Quân khu còn có Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp "Phương Bắc" bao gồm cả Hạm đội Biển Bắc. Về tổ chức hành chính quân sự, sau cải cách quân sự, tất cả các đơn vị quân đội trong quân khu trực thuộc quyền chỉ huy của Tư lệnh Quân khu là người chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh trong khu vực. 

Việc liên kết các đơn vị của các tập đoàn quân, hạm đội hải quân và phòng không - không quân về dưới quyền chỉ huy thống nhất của Tư lệnh Quân khu cho phép nâng cao đáng kể chất lượng và khả năng chiến đấu của các quân khu.

Đặc biệt, Nga đã thành lập Trung tâm chỉ huy quốc phòng quốc gia trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga để quản lý thống nhất tất cả các nhiệm vụ quốc phòng.

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 12

Thành tựu nổi bật và mang tính biểu tượng cho sự thành công có tính đột phá của Nga trong lĩnh vực quân sự là một số loại vũ khí được Tổng thống Nga V.Putin giới thiệu trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018. Theo ông, những loại vũ khí này là "độc nhất vô nhị trên thế giới" và "có khả năng vượt qua mọi lá chắn tên lửa hiện có".  

Sức mạnh quân sự Nga từ Yeltsin đến Putin: Trỗi dậy từ đống tro tàn - 13
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal

Trong đó có hệ thống tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược thế hệ mới "Sarmat" với khả năng cơ động trên quỹ đạo; Tên lửa hành trình được lắp động cơ hạt nhân gọn nhẹ có tầm xa không hạn chế và bay theo quỹ đạo không thể đoán định trước.

Ngoài ra còn có khí tài chạy ngầm không người lái được lắp động cơ hạt nhân có thể tấn công hủy diệt tàu sân bay, tàu chiến nổi, tàu ngầm và hạ tầng cơ sở ven biển của đối phương.

Đáng chú ý tiếp theo là tên lửa siêu vượt âm "Kinzhal" có thể bay nhanh gấp hàng chục lần tốc độ âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Đầu đạn tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược "Avangard" có thể bay cơ động với tốc độ siêu vượt âm trong bầu khí quyền dày đặc và chịu được sức nóng do cọ xát với không khí trên bề mặt bên ngoài tới 1.600 - 2.000 độ C.

Cuối cùng là hệ thống vũ khí laser.

Theo Tổng thống Nga V. Putin, đó chỉ là một số loại vũ khí hiện có trong trang bị của Nga, chứng tỏ mọi toan tính nhằm kiềm chế sự phát triển của Nga đã hoàn toàn bị phá sản.

Theo đánh giá của tổ chức quốc tế Global Firepower, Nga đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng những quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định: "Hoa Kỳ đang nhanh chóng mất đi lợi thế quân sự đối với Nga". 

Chuyên gia phân tích quân sự ở Mỹ Michael Kofman thuộc tổ chức CNA Corporation đánh giá:

"Hiện Nga đã đuổi kịp năng lực quân sự của Mỹ, trong đó một số vũ khí mới của Nga thể hiện bước tiến công nghệ lớn, khiến NATO phải lo ngại. Đó quả là loại vũ khí mới phi thường".

Chiến dịch quân sự chống khủng bố do Nga tiến hành ở Syria từ ngày 30/9/2015 tới nay là minh chứng rõ ràng nhất hiệu quả cải cách các lực lượng vũ trang Nga.

Chiến dịch này chứng tỏ Nga đã thực sự trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, còn các lực lượng vũ trang Nga trở thành biểu tượng về sức mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Theo kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu công luận toàn Nga, hơn 90% người Nga cho rằng hệ thống phòng thủ của Nga đã trở nên mạnh hơn trong những năm gần đây và tin tưởng vào khả năng quân đội sẽ bảo vệ được đất nước nếu xảy ra trường hợp có mối đe dọa từ bên ngoài.

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu (Soha/Trí Thức Trẻ)