Thế giới

Sự thực đằng sau nghi vấn của phương Tây về cái chết của các đại sứ Nga

Truyền thông phương Tây gần đây đã “đào sâu” vào cái chết của các đại sứ Nga, tạo cảm giác rằng mọi thứ liên quan đến Moskva đều mờ ám. Tuy nhiên, một nhà báo người Ireland làm việc tại Nga đã đưa ra lý giải cho thấy thực tế không phức tạp như vậy.

Truyền thông phương Tây gần đây đã “đào sâu” vào cái chết của các đại sứ Nga, tạo cảm giác rằng mọi thứ liên quan đến Moskva đều mờ ám. Tuy nhiên, một nhà báo người Ireland làm việc tại Nga đã đưa ra lý giải cho thấy thực tế không phức tạp như vậy.

Sự thực đằng sau nghi vấn của phương Tây về cái chết của các đại sứ Nga

Nhà báo Bryan MacDonald đã viết một bài phân tích trên trang mạng của kênh RT (Nga) ngày 26/8 lý giải về những trường hợp đại sứ Nga tại nước ngoài qua đời.

Đầu tiên, ông MacDonald đề cập đến Richard Holbrooke, Đại sứ Mỹ tại Đức trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Được biết, ông Holbrooke giữ vai trò nổi bật trong cuộc chiến tranh Nam Tư và sau đó nhận vị trí phái viên của Mỹ tại Liên hợp quốc.

Ông Holbrooke từ năm 2009 được chỉ định là đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama về Afghanistan và Pakistan, được coi là vị trí khá nhạy cảm trong thời gian đó khi Osama bin Laden vẫn là mối đe dọa lớn.

Đến tháng 12/2010, nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm này đột nhiên cảm thấy không khỏe trong khi đang làm việc tại trụ sở của Bộ Ngoại giao. Hai ngày sau, ông qua đời do biến chứng về đứt động mạch chủ. Vào thời điểm đó, có thông tin rằng lời nói cuối cùng trước phút lâm chung của ông Holbrooke là “phải ngừng cuộc chiến tranh tại Afghanistan”.

Đối với nhà báo MacDonald, đến nay, câu nói này có thể châm ngòi cho hàng triệu thuyết âm mưu, bởi có các tổ chức và cá nhân muốn duy trì cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Bên cạnh đó, Mỹ đã đổ rất nhiều tiền vào cuộc chiến tranh này.

Tuy nhiên, chẳng có bất cứ phương tiện truyền thông chính thống nào của Nga hoặc Mỹ đưa ra nghi vấn rằng ông Holbrooke bị sát hại. Thay vào đó, dư luận chấp nhận lý giải rằng ông Holbrooke qua đời vì lý do tự nhiên, bất chấp thực tế khi đó ông ở cuối độ tuổi lục tuần và nhìn khá khỏe mạnh.

Vậy nhưng, đối với trường hợp của các nhà ngoại giao Nga, truyền thông Mỹ lại không có cái nhìn giống như vậy. Điển hình là về vụ việc Đại sứ Nga tại Sudan - Mirgayas Shirinsky tử vong ở Khartoum ngày 23/8 vừa qua.

Thông tin thực tế

Ông Shirinsky có tiền sử huyết áp cao và qua đời khi đang bơi trong bể tại nhà riêng. Trước đó, nhà ngoại giao 62 tuổi có triệu chứng về cơn đau tim cấp tính. Nhân viên đại sứ quán Nga đã gọi xe cấp cứu nhưng các bác sĩ không thể giữ được tính mạng của ông Shirinsky.

Chính các cảnh sát Sudan đã loại trừ khả năng ông Shirinsky bị ám sát. Kênh CNN (Mỹ) đưa tin rằng “không có bằng chứng đáng nghi ngờ nào về cái chết của đại sứ Shirinsky”.

Vậy nhưng, không lâu sau đó, một bài viết khác của CNN lại đặc biệt chú trọng đến chi tiết đã có 9 nhân vật cấp cao của Nga, trong đó gồm 7 nhà ngoại giao, qua đời trong 9 tháng qua, kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.

Sự thực đằng sau nghi vấn của phương Tây về cái chết của các đại sứ Nga - Ảnh 1.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vitaly Churkin đã qua đời ở New York (Mỹ) hôm 20/2. Ảnh: Sputnik

CNN liệt kê các trường hợp gồm Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander Kadakin, quan chức ngoại giao Nga tại Hy Lạp Andrey Malanin, cựu quan chức tình báo Nga Oleg Erovinkin và quan chức lãnh sự quán Nga tại New York (Mỹ) Sergei Krivov. Nhà báo MacDonald nhận xét CNN đã không hề đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có điều mờ ám.

Và CNN không phải là trường hợp duy nhất khi các tờ báo Anh như Independent, Sky News hay The Daily Telegraph (Australia) và The Daily Beast (Mỹ) đều nhắc đến số lượng các nhà ngoại giao Nga qua đời trong 9 tháng qua sau trường hợp của ông Shirinsky.

Chắc chắn độc giả sẽ nhận ra sự khác biệt rõ rệt trong các tít “Đại sứ Nga tại Sudan thiệt mạng trong bể bơi” của hãng thông tấn Reuters (Anh) và “Đại sứ Nga tại Sudan là nhà ngoại giao thứ 8 của Nga đột ngột qua đời trong 10 tháng qua” của The Telegraph (Anh) hay “9 tháng, 9 người Nga nổi tiếng qua đời” từ CNN.

Khoảng cách tuổi tác

Nhà báo MacDonald đánh giá rằng Bộ Ngoại giao Nga đang có một vấn đề, được kiểm chứng bởi các nhân viên làm việc tại đây và xuất phát từ cái mà họ gọi là “thế hệ biến mất”. Theo đó, trong thập niên 1990 của thế kỷ trước, kinh tế Nga chệnh choạng khiến lương của công chức, viên chức nhà nước giảm mạnh và không được trả đúng kỳ hạn.

Sự thực đằng sau nghi vấn của phương Tây về cái chết của các đại sứ Nga - Ảnh 2.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga tại Moskva. Ảnh: Sputnik

Ở thời điểm đó, các nhà ngoại giao Nga - những người có học thức cao, kỹ năng ngoại ngữ tốt, đã được các công ty nước ngoài săn đón. Do vậy, khi đó họ đối mặt với hai lựa chọn: một là làm việc cho nhà nước với mức lương 100 USD/tháng hoặc chuyển đến các công ty tư nhân và nhận khoản lương hậu hĩnh. Lựa chọn đã khá rõ ràng với các nhân viên khi đó đang ở độ tuổi 20 và 30.

Hậu quả của tình trạng này là đến nay ngành ngoại giao Nga thiếu hụt trầm trọng những nhân viên trong nhóm tuổi từ 45-55. Đến thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, những nhân sự mới tuyển vào Bộ Ngoại giao đều chỉ trong độ tuổi 20, 30 và được đánh giá chưa có nhiều kinh nghiệm cho vị trí cấp cao.

Chính điều này khiến chính phủ Nga buộc phải gửi gắm trách nhiệm lên những nhà ngoại giao ở độ tuổi có thể đã được cho nghỉ hưu nếu ở các quốc gia châu Âu khác.

Và, theo lẽ tự nhiên, những nhà ngoại giao cao tuổi có tử lệ tử vong vì nguyên nhân sức khỏe nhiều hơn các đồng nghiệp trẻ tuổi. Đó là chưa đề cập đến thực tế rằng độ tuổi trung bình của nam giới Nga sinh trong thập niên 50 của thế kỷ trước khá khiêm tốn, ở mức 60,5 tuổi. Nếu đem so sánh thì độ tuổi trung bình của các đại sứ Nga là 64.

Ngoại giao là công việc nhiều áp lực, gồm nhiều cuộc họp và các cuộc nghiên cứu. Những nhà ngoại giao còn đặc biệt cẩn trọng với hành vi của mình bởi chỉ một câu nói lỡ lời có thể gây hậu quả lớn. Bên cạnh đó là những buổi tiệc tối, rượu mừng chúc tụng… đều ảnh hưởng tới sức khỏe của nam giới.

Nhà báo MacDonald cho rằng truyền thông phương Tây đang bám víu vào câu chuyện về các nhà ngoại giao Nga để thu hút thêm độc giả cho các bài viết thiếu bằng chứng của mình. Do vậy, ông MacDonald quan ngại rằng với thái độ hiện tại, mối quan hệ Nga và phương Tây sẽ gặp nhều khó khăn về trung và ngắn hạn.

Theo Hà Linh (Baotintuc.vn)