Thế giới

Sự thật ở thế giới ngầm buôn bán nội tạng người

Những kẻ buôn bán nội tạng Ai Cập đang cố dụ dỗ người di cư châu Phi bán thận để đổi lấy mại dâm và một khoản tiền lớn.

Những kẻ buôn bán nội tạng Ai Cập đang cố dụ dỗ người di cư châu Phi bán thận để đổi lấy mại dâm và một khoản tiền lớn.

Một báo cáo trên Tạp chí Khoa học tội phạm của Anh cho biết, những tên ma cô đã sử dụng "dịch vụ mại dâm" làm mồi nhử khi thương lượng về giá cả với cả kẻ bán và người mua. "Một đêm với gái mại dâm được đưa ra như một món khuyến mại", báo cáo cho biết.

Cũng theo báo cáo, các bệnh viện đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ buôn bán trái phép cơ quan nội tạng khi thực hiện các ca cấy ghép.

di cư, nội tạng, cắt thận, Ai Cập, cấy ghép
Những người di cư châu Phi đã dừng chân ở Ai Cập để kiếm tiền trả cho những kẻ buôn người trước khi tiếp tục hành trình tới những miền đất hứa ở châu Âu. (Ảnh minh họa: AP)

Mua bán nội tạng đã bị cấm tại Ai Cập, dù quốc gia này là một trong những điểm đến phổ biến đối với các bệnh nhân ra nước ngoài để cấy ghép nội tạng, theo một nghiên cứu riêng rẽ của Bệnh viện Đại học Erasmus MC Rotterdam, Hà Lan.

Hồi tháng 4, các bức ảnh về những thi thể đầy sẹo của người di cư Somalia trên một bãi biển Ai Cập được đăng tải trên mạng xã hội đã làm dấy lên nghi ngờ họ bị cắt nội tạng.

Ba tháng sau đó lại xuất hiện báo cáo về việc những người di cư châu Phi ở Ai Cập bị giết để lấy nội tạng, nếu họ không có đủ khả năng để trả tiền cho đám buôn người, những kẻ đã đưa họ lên những chiếc thuyền chật chội để tới châu Âu.

Sau khi bị bắt, tay buôn người Nouredin Atta nói với các nhà điều tra rằng: "Những người Ai Cập mang dụng cụ tới để cắt nội tạng và vận chuyển chúng trong những chiếc túi cách nhiệt".

Bức tranh về buôn bán nội tạng tại Ai Cập đã vượt ra ngoài thế giới tội phạm ngầm, với các bệnh viện thực hiện các ca cấy ghép sử dụng những quả thận được mua bán ở chợ đen, theo Sean Columb, tác giả của báo cáo.

Columb, một giảng viên luật tại Đại học Liverpool, Anh, đã dành nhiều tuần tại thủ đô Cairo để phỏng vấn những kẻ môi giới và những người hiến tạng, chủ yếu tới từ Sudan. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ai Cập chưa có bình luận chính thức về những phát hiện của Columb.

Trong khi việc mua bán thận bị cấm ở Ai Cập, thì việc trả tiền cho một ca cấy ghép lại được coi là hợp pháp, với một số người bệnh phải trả tới 75.000 bảng Anh (hơn 2,2 tỷ đồng) cho một cơ quan nội tạng mới.

Có rất ít dữ liệu về những người nhận nội tạng hiến tặng ở Cairo, nhưng một trong số 13 người bán nội tạng nói chuyện với Coumb cho biết, anh ta đã được trả 3.300 bảng Anh (gần 100 triệu đồng) cho quả thận của mình.

Các cuộc thương lượng thường diễn ra ở những nơi công cộng như một quán cafe, với sự có mặt của kẻ môi giới và đại diện cơ sở y tế thực hiện cấy ghép nội tạng, báo cáo cho hay.

Ai Cập, nằm tại nơi giao nhau giữa Trung Đông, Bắc Phi và Địa Trung Hải, đã trở thành một điểm trung chuyển khổng lồ cho hàng ngàn người di cư và tị nạn tìm cách vào châu Âu.

Ranh giới không rõ ràng giữa buôn bán thận trái phép và phẫu thuật cấy ghép hợp pháp đồng nghĩa với việc cắt nội tạng rất hiếm khi được báo lên các nhà chức trách, Columb nói.

Giảng viên luật này cũng đi tới kết luận rằng, chính các lệnh cấm đã thúc đẩy hoạt động mua bán nội tạng trái phép, nâng cao vai trò của những kẻ môi giới lên và khiến những người bán nội tạng bị bóc lột ở cấp độ tinh vi hơn.

Theo Sầm Hoa (VietNamNet)