Thế giới

Sử dụng lính đánh thuê tư nhân: Mốt thời thượng vì 'máu chiến'?

Video: Lính đánh thuê Mỹ đấu súng ác liệt với cướp biển

Lính đánh thuê tư nhân có khả năng "miễn dịch" đặc biệt, không chịu sự trừng phạt của pháp luật và việc họ thiệt mạng nhiều hơn lính chính quy được coi là hết sức bình thường.

Sử dụng lính đánh thuê tư nhân: Mốt thời thượng vì 'máu chiến'?
Lính đánh thuê tư nhân. Ảnh minh họa.

Sự hình thành công ty quân sự tư nhân

Thực tế đã từ lâu và nhiều người biết rõ về việc thu hút các chuyên gia, cố vấn, hướng dẫn viên quân sự dưới dạng hợp đồng có một quá trình lịch sử khá dày. Và công ty quân sự tư nhân – Private Military Company (gọi tắt là PMC) đầu tiên có tên Watchguard International được thành lập từ năm 1967 tại Anh.

Người sáng lập Công ty này là Đại tá quân đội Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu David Sterling. Từ khi còn phục vụ trong quân ngũ, ông đã xây dựng đơn vị nổi danh SAS của Anh – một trong những đơn vị đặc nhiệm tốt nhất trên thế giới.

Watchguard International có hoạt động chủ yếu là đào tạo các chuyên gia quân sự cho những lực lượng vũ trang các nước Trung Đông và châu Phi.

Ngay giữa thập niên 70, Công ty PMC Vinnell Corp. của gã khổng lồ Northrop Grumman trong lĩnh vực công nghiệp Mỹ đã có những bản hợp đồng dài hạn đầu tiên từ Chính phủ Mỹ. Giá trị của chúng đã đạt mức hơn 500 triệu đôla Mỹ.

Đây là bản hợp đồng đầu tiên của PMC từ chính phủ của mình, để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia ở bên ngoài lãnh thổ. Các nhân viên của PMC phải huấn luyện lực lượng vệ binh quốc gia của Ả Rập Xê Út và những nhiệm vụ bảo vệ chung trên lãnh thổ của quốc gia này.

Phần lớn những lính đánh thuê của các công ty PMC từng tham gia vào các chiến dịch quân sự ở Angola vào những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Đây từng được coi như thao trường để thử nghiệm các chiến thuật hành động của những nhân viên PMC trong điều kiện xung đột quân sự.

Cần phải nhấn mạnh rằng, các lính đánh thuê nước ngoài không nhất thiết và thậm chí ít khi được đẩy lên làm bộ binh ở tuyến đầu.

Đây là những nhân sự có trình độ cao: Họ có thể là liên lạc viên, sĩ quan chỉ huy, kỹ sư các hệ thống kỹ thuật, nhân viên điều khiển những hệ thống vũ khí công nghệ cao và tất cả các loại vũ khí khí tài mà không một quân đội hiện đại và công nghệ nào có thể thiếu được.

Sử dụng lính đánh thuê tư nhân: Mốt thời thượng vì 'máu chiến'? - 1
Các cố vấn quân sự Liên Xô tại Angola

Số lượng các PMC tăng nhanh, và các dịch vụ của họ được không chỉ chính phủ nhiều nước sử dụng, mà cả những doanh nghiệp lớn. Xu hướng mới này là một thực tế của cuối thập niên 70 – vẫn đề này thậm chí còn được LHQ quan tâm, và đã thông qua một nghị quyết đặc biệt về vấn đề trên và thành lập một ủy ban gây ra khá nhiều ầm ĩ vào năm 1979.

Sau khi Liên Xô tan rã và chiến tranh lạnh kết thúc, những xu hướng hoạt động mới của PMC xuất hiện. Lấy ví dụ, Mỹ cắt giảm đột ngột các chi phí cho quốc phòng, nhiều dự án quân sự bị đóng lại, quân số các lực lượng vũ trang Mỹ giảm. Chính vào thời điểm này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có ý tưởng sử dụng các PMC nhiều hơn.

Ban đầu PMC tham gia vào công tác hỗ trợ ở hậu phương và kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang (hậu cần, sửa chữa khí tài, cung ứng), nhưng sau này PMC bắt đầu ký các bản hợp đồng và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp hơn.

Xu hướng trong những năm gần đây - đó là sự tham gia trực tiếp của lính đánh thuê vào các hành động quân sự. Hiện nay các PMC sẵn sàng tham chiến trực tiếp được thành lập tại Mỹ, châu Âu, tại Trung Đông và cả ở Nga.

Thử nghiệm thực sự đối với PMC là chiến dịch tại Iraq. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến ở đây vào năm 1991, số lượng các nhân viên của nhiều công ty PMC chiếm khoảng gần 1% tổng số lượng binh lính Mỹ hiện diện tại Vịnh Persian.

Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Đến cuối cuộc chiến tại Iraq, PMC (chủ yếu của Mỹ) đã thực hiện hơn 90% các nhiệm vụ hậu cần. Còn trong chiến dịch quân sự tại Afghanistan thì tỷ lệ này lên tới 99%.

Thời kỳ vàng son của các công ty quân sự tư nhân bắt đầu sau khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan, Iraq và Syria. Hiện nay số lượng các nhân viên PMC có mặt tại những quốc gia này từ lâu đã vượt quá số lượng binh lính Mỹ.

Vào năm 2016, cứ 1 lính chính quy của quân đội Mỹ (tổng cộng 9,8 nghìn) thì có 3 lính đánh thuê (28,6 nghìn) có mặt tại Afghanistan. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Iraq: 4.087 lính quân chính quy và 7773 nhân viên các công ty quân sự tư nhân.

Những con số này, nhiều khả năng, chưa phải là cuối cùng bởi vì Bộ Quốc phòng Mỹ không thống kê con số chính xác về PMC. Thêm vào số lượng này còn có các nhân viên hợp đồng được CIA và các đơn vị tình báo khác của Mỹ thuê.

Cần phải nhờ rằng, đứng đầu tất cả các PMC của Mỹ và Anh là những cựu sĩ quan và tướng lĩnh cấp cao, vẫn còn giữ mối liên lạc với ban lãnh đạo đất nước và tiếp tục trung thành thực hiện tất cả những chỉ đạo từ giới chính trị-quân sự chóp bu.

Từ năm 1997, Cục tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ định kỳ 6 tháng tập trung họp lãnh đạo tất cả các công ty quân sự để bàn bạc về những nhiệm vụ và mục tiêu mới. Các cuộc kiểm tra những công ty này về lòng trung thành thường xuyên được thực hiện. Nhưng mọi vấn đề có vẻ như ổn thỏa, vì những hợp đồng chủ yếu đều là của chính phủ.

Sử dụng lính đánh thuê tư nhân: Mốt thời thượng vì 'máu chiến'? - 2
PMC Mỹ tại Iraq

Cần phải thừa nhận cả việc lính đánh thuê thiệt mạng nhiều hơn lính quân chính quy, và tất cả đều thấy điều đó hết sức bình thường. Lấy ví dụ, người Mỹ có hệ thống tính toán thiệt hại khá chặt chẽ, họ có hẳn một trang điện tử mà qua đó có thể tìm kiếm những dữ liệu về tất cả các chiến dịch của Mỹ ở nước ngoài.

Thông tin này thường xuyên được cập nhật, tách bạch giữa thiệt hại chiến đấu và phi chiến đấu. Nhưng các nhân viên PMC không được đưa vào dữ liệu thống kê này. Hơn nữa, PMC thường không thông báo cho giới quân sự liên quan tới thiệt hại về người, và phần lớn lính đánh thuê không phải là công dân Mỹ.

Chức năng của PMC

Hiện nay trên thế giới có khoảng 450 công ty quân sự tư nhân được đăng ký chính thức, còn danh sách các dịch vụ liên tục được mở rộng. Các công ty quân sự tư nhân hiện đại được thuê để thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Phổ biến nhất đó là tư vấn quân sự: Họ thực hiện công tác đào tạo các đơn vị vũ trang, nâng cao khả năng chiến đấu của đội ngũ sĩ quan và kỹ thuật, thực hiện công tác lập kế hoạch chiến lược và chiến thuật.

Hướng hoạt động thứ hai của PMC là hậu cần: Cung ứng kỹ thuật và hậu phương cho các đơn vị chính quy tham gia vào các chiến dịch quân sự, như sửa chữa khí tài quân sự, cung ứng cho các đơn vị tiền phương, và duy trì hoạt động của các hệ thống công nghệ cao.

Các PMC thường xuyên được thuê để bảo vệ các mục tiêu khác nhau như giếng và đường ống dẫn dầu tại Iraq. Công việc này được PMC đảm nhiệm từ lâu. Trong những năm gần đây các công ty quân sự tư nhân tích cực giới thiệu các dịch vụ về rà phá bom mìn của mình.

Liên quan tới sự xuất hiện của nạn cướp biển tại một số vùng biển, các PMC đã có một hướng hoạt động mới: Bảo vệ tàu thuyền và chống lại các nhóm cướp biển hiện đại. Các chủ tàu có lợi hơn nhiều khi thuê PMC, thay vì phải trả nhiều triệu đôla tiền chuộc tàu và hàng hóa.

Những vấn đề liên quan tới chuộc và trả tự do cho các thủy thủ bị bắt làm con tin cũng do các nhân viên của PMC thực hiện.

Quá trình gia tăng số lượng các PMC trên thế giới và mở rộng thị trường các dịch vụ quân sự diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Quy mô hoạt động của họ trong các cuộc xung đột vô cùng lớn. PMC "Lukoil-A" của Nga cũng hoạt động tại Iraq.

Công ty này là một đơn vị của Tập đoàn dầu mỏ Nga, nó được thành lập bởi các cựu sĩ quan đặc nhiệm từ giữa thập niên 90. Về pháp lý, đây là công ty bảo vệ tư nhân, nhưng tại Iraq, tổ chức này thực hiện các nhiệm vụ của một công ty quân sự tư nhân (bảo vệ các giếng và đường ống dẫn dầu, vận chuyển và áp tải hàng hóa).

Vậy lý do nào để chính phủ các nước phương Tây thích làm việc với PMC?

Rất đơn giản - điều đó có lợi hơn nhiều (bao gồm cả lĩnh vực tài chính) so với việc đưa quân đội tới một khu vực nhất định, xây dựng và thiết lập ở đó các doanh trại, thực hiện cung ứng vật chất-kỹ thuật.

Các công ty quân sự tư nhân có trình độ chuyên nghiệp cao, và họ thường giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu-tác chiến hiệu quả hơn. PMC có tính cơ động cao, tại các công ty này hoạt động quản lý không ì chệ mà rất linh hoạt và họ không ngại thiệt hại hay mất mát.

Nhưng điều quan trọng là thứ khác: Khi sử dụng PMC, quốc gia đó không công khai sự hiện diện của mình trong cuộc xung đột vũ trang hoặc giảm thiểu sự hiện diện đó xuống mức thấp nhất, có nghĩa là lính đánh thuê thực hiện toàn bộ hoạt động chiến đấu trong bất cứ cuộc chiến tranh và cuộc xung đột vũ trang xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay.

Sử dụng các lực lượng vũ trang của mình thường gây ra những rủi ro về mặt chính trị trong cũng như ngoài nước đối với chính phủ. Bởi vậy, sẽ có lợi nếu lính đánh thuê tư nhân nhận toàn bộ trách nhiệm triển khai.

Các công ty quân sự tư nhân rất thích hợp với các quốc gia không muốn cử binh lính của mình tham gia vào những chiến dịch đầy ngờ vực mà có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của quốc gia.

Lính đánh thuê có khả năng "miễn dịch" đặc biệt và không chịu sự trừng phạt của pháp luật. Thêm vào đó, những thiệt hại của công ty quân sự tư nhân dễ che giấu hơn của quân đội chính quy, bởi vậy, lấy ví dụ, người Mỹ thích sử dụng lính đánh thuê tư nhân tại Iraq, Afghanistan và Syria.

Nhưng không nên nghĩ rằng PMC chỉ thực hiện các chiến dịch quân sự, lợi nhuận chủ yếu của họ là từ hoạt động hậu cần hậu phương, thiết lập các lộ trình cung cấp những nguồn lực, vận chuyển binh lính và hàng hóa bằng đường không, rà phá bom mìn, bảo vệ các mục tiêu hoặc đối tượng VIP và huấn luyện các đơn vị quân chính phủ.

Theo Bảo Lam (Soha/Trí Thức Trẻ)