Thế giới

Số phận trớ trêu của mẫu xe tăng 'lùn' bị Nga khai tử

Những năm 1960, Liên Xô từng phát triển một trong những mẫu xe tăng nhỏ nhất thế giới trang bị tên lửa.

Mẫu xe tăng với tên mã là Object 775 đã ra đời vào năm 1964 - thời điểm các lực lượng quân đội trên thế giới đang nỗ lực phát triển những "con quái vật" bọc thép hạng nặng đầu tiên trang bị tên lửa.

Điều mà "Gấu" Nga làm được là đã tích hợp 2 hệ thống tên lửa phòng không - Rubin và Astra - vào cùng một mẫu xe tăng.

Thiết kế

Mẫu xe tăng mới khác biệt với các xe tăng "cổ điển" ở chỗ: Kíp lái 2 người ngồi trong một cabin riêng bên trong tháp pháo. Khi tháp pháo xoay, kíp lái bên trong cũng xoay theo.

Để đáp ứng thiết kế mới, các kỹ sư Nga đã hạ chiều cao của Object 775 xuống còn 170cm (thấp hơn các mẫu xe tăng cùng thời khoảng 1m).

Thay đổi này ban đầu cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng sống sót của xe tăng trên chiến trường. Tuy nhiên trên thực tế, nó đã làm giảm tầm nhìn của kíp lái và bất cứ chướng ngại vật nào cũng có thể trở thành rắc rối lớn đối với chiếc xe tăng chỉ cao hơn 1 mét rưỡi.

Số phận trớ trêu của mẫu xe tăng 'lùn' bị Nga khai tử
Ảnh: Vitaly V. Kuzmin/rbth.com

Xe tăng mini trang bị tên lửa

Lợi thế chủ yếu của Object 775 nằm ở vũ khí. Nó được trang bị pháo 125mm có thể bắn được cả đạn tên lửa dẫn đường và không dẫn đường.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho biết, các tên lửa dẫn đường trên Objct 775 có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 4km và xuyên phá 250 mm giáp thép.

Ngoài ra, Object 775 còn được trang bị hệ thống nạp đạn tự động và quy trình khai hỏa được thực hiện thông qua một bảng điều khiển của người chỉ huy.

Số phận trớ trêu của mẫu xe tăng 'lùn' bị Nga khai tử - 1
Ảnh: Vitaly V. Kuzmin/rbth.com

Trong khi đó, các tên lửa không dẫn đường của Object 775 có đầu đạn phân mảnh HE, là vũ khí hiệu quả để chống lại sinh lực đối phương. Chúng có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 9km, ngang ngửa với khả năng của các xe tăng ngày nay.

Object 775 có thể mang 24 tên lửa dẫn đường và 48 tên lửa dẫn đường, tổng cộng 72 tên lửa.

Nhiều hạn chế

Mặc dù thoạt đầu có rất nhiều điểm tiên tiến và đáng gờm nhưng thực chất, Object 775 lại có nhiều khiếm khuyết lớn.

Vấn đề của Object 775 nằm ở hệ thống ngắm bắn hồng ngoại.

"Bất cứ chướng ngại vật nào, thậm chí chỉ là một màn khói, cũng có thể 'làm mù' hoàn toàn các tên lửa dẫn đường của xe tăng. Như thế, yếu tố mang lại sức mạnh then chốt cho xe tăng lại trở thành điểm yếu lớn nhất của nó" - ông Litovkin nói.

Số phận trớ trêu của mẫu xe tăng 'lùn' bị Nga khai tử - 2
Ảnh: Vitaly V. Kuzmin/rbth.com

Ngoài ra, hệ thống tên lửa này đắt đỏ hơn các loại đạn chống tăng tiêu chuẩn, khiến chi phí xe tăng cũng bị đội lên đáng kể.

Chưa hết, tầm nhìn bị hạn chế bởi tháp pháo thấp cũng đã làm mất đi toàn bộ những lợi thế khi tích hợp hệ thống tên lửa vào xe tăng.

Trước những bất cập này, Bộ Tư lệnh quân đội Nga đã quyết định ngừng chương trình phát triển xa hơn và hủy bỏ kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng Object 775.

Hiện nay chỉ còn duy nhất một nguyên mẫu xe tăng Object 775 được trưng bày tại bảo tàng ở Moscow.

Theo QS (Soha/Trí Thức Trẻ)