Thế giới

Siêu xe tăng Armata T-14 của Nga thực sự đáng sợ với NATO nhờ APS?

Tính năng APS mới ở chiếc siêu xe tăng Armata T-14 đã khiến Na Uy (một nước thành viên NATO) phải thay thế nhiều hệ thống chống tăng hiện hành của họ.

Tính năng APS mới ở chiếc siêu xe tăng Armata T-14 đã khiến Na Uy (một nước thành viên NATO) phải thay thế nhiều hệ thống chống tăng hiện hành của họ.

sieu xe tang armata t 14 cua nga thuc su dang so voi nato nho aps hinh 1

Xe tăng Armata T-14 của Nga. Ảnh: RT.

Lời cảnh báo này đến từ chuyên gia Brig Ben Barry của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London. Ông này cho rằng đây là một vấn đề mà hầu hết các nước NATO đều bắt đầu gặp phải.

Hệ thống APS đe dọa làm cho các vũ khí chống tăng hiện nay trở nên kém hiệu quả rất nhiều. Và giữa các quân đội phương Tây với nhau ít có sự trao đổi thực sự về vấn đề này.

Một số nước đang thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm để trang bị APS cho xe tăng của nước họ. Na Uy là một trong các nước NATO đầu tiên mạnh dạn tiến hành cải tiến vũ khí để giải quyết vấn đề này. Kế hoạch mua sắm mới nhất của Na Uy dự kiến chi 200-350 triệu kroner (tương đương 24-42 triệu USD) cho việc thay thế các tên lửa Javelin “nhằm duy trì năng lực đối phó với các xe bọc thép hạng nặng”.

Kế hoạch này nêu rõ: “Cần một tên lửa chống tăng có khả năng chọc thủng hệ thống APS”.

Cuộc chiến giữa khiên và kiếm

APS là bước phát triển mới trong cuộc chiến giằng co theo kiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” giữa tấn công và phòng ngự trong công nghệ quân sự. Tuy từng thời kỳ mà cái này hoặc cái kia chiếm ưu thế so với cái còn lại. Chẳng hạn “kỵ binh mặc giáp” từng chiếm thế thượng phong nhưng việc sử dụng các hỏa khí đã khiến cho ưu thế này mất đi.

Kể từ Thế chiến 2, giống như kỵ binh thuở nào, xe tăng lại chiếm ưu thế trên chiến trường.

Thế nhưng xe tăng vẫn có thể bị chế ngự bởi pháo lớn từ các xe tăng khác. Nếu có đạn pháo đủ lớn, được bắn đi với vận tốc đủ cao thì hoàn toàn có thể xuyên thủng lớp giáp dày nhất, tốt nhất.

Ngoài pháo của xe tăng khác, xe tăng còn đối mặt với các nguy cơ từ các loại vũ khí khác nữa. Đây là lý do cho sự ra đời của APS (hệ thống phòng thủ chủ động).

Cũng từ Thế chiến 2, một loạt các loại vũ khí chống tăng có trọng lượng nhẹ, có thể xách và vác vai, đã ra đời.

Do các vũ khí chống tăng mới này phải nhỏ nhẹ để bộ binh có thể vác được nên để có thể xuyên thủng lớp giáp dày, các vũ khí đó không chỉ trông cậy vào vận tốc và khối lượng của đạn mà còn dựa vào phản ứng hóa học. Các đầu đạn này tác động vào lớp giáp bên ngoài và một cái lõi kim loại sẽ tạo thành một dòng vật chất nóng chảy phun xuyên qua phần giáp còn lại.

Các nhà thiết kế xe tăng đã cố gắng khắc phục chiêu thức trên bằng nhiều cách khác nhau, như sử dụng các lớp thụ động nổ bên ngoài vỏ xe tăng khi trúng phải đạn pháo địch, hay sử dụng các lớp giáp bổ sung.

Phòng thủ bằng tên lửa

Trong khi đó, hệ thống phòng thủ APS sử dụng một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đây thực chất là một hệ thống chống tên lửa dành riêng cho xe tăng. Nó có radar có khả năng truy tìm các tên lửa chống tăng đang lao tới xe tăng. Hệ thống sẽ phóng ra các vật thể phòng thủ để cản trở hoặc phá hủy đạn pháo địch.

Israel hiện nằm trong số các nước đi đầu trong lĩnh vực này. Xe tăng Merkava của họ đã sử dụng thành công công nghệ này trong cuộc đối đầu quân sự gần đây ở Gaza.

Hệ thống Trophy của Israel đang được phía Mỹ kiểm định. Nước Anh cũng đang nghiên cứu các hệ thống như thế. Người Hà Lan gần đây cũng quyết định trang bị cho các xe chiến đấu bộ binh của họ một hệ thống khác do Israel phát triển.

Các APS gắn vào xe thiết giáp nhằm chống lại một loạt vũ khí khác nhau, từ khẩu B-41 “thần thánh” của Nga đến các loại vũ khí chống tăng hiện đại được dẫn đường như tên lửa Kornet của Nga.

Nhưng mặt khác, chuyên gia Brig Barry của IISS chỉ ra rằng công nghệ APS của Nga cũng đặt ra nhiều vấn đề cho nhiều hệ thống chống tăng của NATO. Na Uy đang hành động để giảm nguy cơ và Barry tin rằng các nước NATO cũng sẽ làm điều tương tự./.

Theo Trung Hiếu (Vov.vn)