Thế giới

Siêu hạm 3 thân Indonesia cạch mặt C-705

Dù C-705 được trang bị trên tàu tên lửa KCR-60M nhưng chiến hạm 3 thân Trimaran của Indonesia đã nói không với dòng tên lửa do Trung Quốc sản xuất này.

Khó thay đổi module?

Theo tờ TNI-AL của Indonesia, lực lượng hải quân nước này đã mua và trang bị tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc lên các tàu tên lửa tấn công lớp KCR-60M.

Theo nguồn tin này, tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải ở Singapore mới đây, Hải quân Indonesia đã đem đến triển lãm tàu tên lửa KRI Tombak cũng như tàu hộ tống KRI John Lie (358) lớp Bung Tomo. KRI Tombak được Nhà máy đóng tàu quốc doanh PT PAL Indonesia đóng và biên chế cho Hải quân nước này.

Siêu hạm 3 thân Indonesia cạch mặt C-705
Chiến hạm Indonesia phóng tên lửa C-705.

Trước đây, thông tin cho rằng KRI Tombak được trang bị hai hệ thống phóng tên lửa chống hạm C-705 hoặc C-802. Tuy nhiên, tại sự kiện quốc phòng ở Singapore, quan chức Indonesia đã xác nhận thông tin chỉ sử dụng tên lửa C-705.

"Chúng tôi sẽ sử dụng tên lửa chống hạm C-705 từ bây giờ. Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch trang bị cho các tàu KCR-60M tên lửa C-802", quan chức giấu tên này xác nhận.

Đô đốc hải quân Indonesia Marsetio từng trả lời phỏng vấn tạp chí quốc phòng Jane's cho biết, Jakarta có kế hoạch đóng ít nhất 16 tàu tên lửa tấn công lớp KCR-60M trước năm 2018. Và tất cả loạt tàu này đều được thiết kế với module phóng tên lửa C-705 của Trung Quốc.

Đây là lớp tàu đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược "Lực lượng tối ưu" của quân đội Indonesia cho đến năm 2024. Mỗi tàu chiến lớp KCR-60M được thiết kế để trang bị 4 ống phóng tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất.

Thiết kế đã hoàn chính và công việc đóng đang được thực hiện và đây được coi là nguyên nhân khiến Indonesia khó thay đổi vũ khí cho lớp tàu tên lửa KCR-60M dù trong quá trình thử nghiệm C-705, tên lửa này đã nhiều lần bắn trượt mục tiêu hoặc phát nổ ngay sau khi phóng.

Nói không với tên lửa Trung Quốc

Rút kinh nghiệm từ các tàu tên lửa KCR-60M, trên mẫu tàu chiến tàng hình 3 thân FMPV Trimaran Indonesia đã không thấy sự xuất hiện của tên lửa Trung Quốc. Lớp chiến hạm tối tân này là sản phẩm hợp tác giữa Công ty đóng tàu North Sea Boats (PT. Lundin) của Indonesia và Tập đoàn quốc phòng Saab của Thụy Điển.

Một đại diện của Saab giải thích rằng, công ty Thụy Điển đang lên kế hoạch sẽ tích hợp một hệ thống radar Sea Giraffe 1X 3D lên phần tháp thượng tầng cho chiến hạm FMPV Trimaran cải tiến của Indonesia.

Radar mới được cho là có khả năng dò tìm, phát hiện mục tiêu cực nhạy với vùng không gian phủ rộng lớn và gần như không bị giới hạn bởi đường cong bề mặt trái đất. Việc tích hợp radar mới lên thiết kế chiến hạm 3 thân FMPV của Indonesia là hoàn toàn khả thi bởi nó nặng chỉ 150kg.

Theo Saab thì ngoài việc tích hợp radar mới, họ cũng sẽ tham gia trang bị hệ thống ESM và thông tin liên lạc lên phần tháp thượng tầng cho FMPV. Do đó, hình dạng thiết kế phần kiến trúc thượng tầng của FMPV Trimaran trở nên khá độc đáo, trông thon nhọn và nhô cao hơn nhiều so với thiết kế trước đó.

Siêu hạm 3 thân Indonesia cạch mặt C-705 - 1
Chiến hạm tàng hình 3 thân của Indonesia.

Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn đáng tiếc đối với chiếc tàu đầu tiên trong dự án FMPV là KRI Klewang (được hạ thủy trong năm 2012) khiến con tàu bị thiêu dụi hoàn toàn, Saab và North Sea Boats đã ký kết một dự án đối tác.

Trong đó, công ty của Thụy Điển sẽ được đưa ra giải pháp chìa khóa cho cả hai thiết kế dự án FMPV cải tiến là TNI AL (Hải quân Indonesia) và một biến thể dành cho xuất khẩu với tên gọi Stealth FAC (Tàu tàng hình tấn công nhanh).

Theo vị đại diện của Saab, FMPV Trimaran mới sẽ được lắp đặt các hệ thống vũ khí "toàn châu Âu", bao gồm 4 tên lửa chống hạm RSB15 MK3; 01 pháo hạm tàng hình 40mm MK4 của BAE Systems; hệ thống quản lý chiến đấu 9LV; hệ thống theo dõi quang học và radar Ceros 200 và hệ thống thông tin chiến thuật TactiCall đều của Saab.

Thiết kế ban đầu của tàu tên lửa KRI Klewang được Hải quân Indonesia lắp đặt chủ yếu là các hệ thống và vũ khí của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là tên lửa chống hạm C-705. Tuy nhiên, có thể thấy ở biến thể cải tiến, tất cả các thiết bị điện tử và vũ khí này đều được thay thế bằng những giải pháp đến từ châu Âu.

RBS15 MK3 là loại tên lửa hành trình chống hạm cận âm, hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", có khả năng tác chiến trong mọi điện kiện thời tiết và đạt tầm bắn xa lên tới 200km. RBS15 MK3 được xem là đặc điểm đáng chú ý nhất trên thiết kế chiến hạm Trimaran cải tiến của Indonesia.

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)