Thế giới

Seoul tuyên chiến với camera quay lén ở nhà vệ sinh công cộng

Thủ đô Hàn Quốc thành lập lực lượng chuyên rà tìm những camera quay lén được lắp ở các nhà vệ sinh công cộng, phòng thay đồ.

Seoul tuyên chiến với camera quay lén ở nhà vệ sinh công cộng
Lực lượng chuyên trách của Hàn Quốc dò camera nhìn trộm trong một phòng vệ sinh công cộng. Ảnh: Korea Times.

Những chiếc camera quay lén với kích thước nhỏ được giấu trong điện thoại di động, đồng hồ, nhà vệ sinh ở ga tàu điện ngầm hay phòng thay đồ ở hồ bơi đang trở thành nỗi ám ảnh lớn với phụ nữ Hàn Quốc, theo Korea Times.

Những hình ảnh và video quay lén có nội dung nhạy cảm này có thể bị kẻ xấu phát tán trên mạng, gây hoang mang cho nạn nhân. Trước tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 8 quyết tâm có hành động cứng rắn, cam kết thúc đẩy các chiến dịch truy quét camera quay lén.

Một chiến dịch tương tự được chính quyền thành phố Seoul triển khai từ tháng 8 năm ngoái khi thuê 50 "quan chức", phần lớn là phụ nữ, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuần tra tại các nhà vệ sinh ở công viên, nhà ga tàu điện ngầm, trường học và các cơ sở khác để dò tìm camera quay lén. 

Bà Song Jae-kyung, trên 60 nuổi, nghỉ hưu sau 20 năm làm việc ở một khách sạn và bà nội trợ họ Kim, nằm trong lực lượng này. Hai bà phụ trách tuần tra quận Jung-gu sau khi đăng ký tham gia chương trình vì có thời gian và muốn làm việc có ý nghĩa.

Hai ngày một lần, họ gặp nhau ở văn phòng quận để lấy máy dò radar và hồng ngoại. Khi đến nhà vệ sinh tại công viên công cộng Inhyeon cạnh văn phòng quận, họ treo biển "Chúng tôi đang dò tìm camera quay lén" ở lối vào. "Để cho mọi người biết chúng tôi làm gì", bà Kim nói trước khi cầm máy dò hồng ngoại theo sau bà Song cầm máy dò radar.

Trong một phòng vệ sinh, bà Song tỉ mỉ đưa máy dò vào bồn cầu, bể nước, cần xả, ống dẫn nước, van khóa, tay nắm cửa và cả bóng đèn trên trần. "Camera rất nhỏ nên chúng có thể được lắp ở bất kỳ đâu", bà Song giải thích.

Khi phát hiện tín hiệu lạ, bà Song gọi đồng nghiệp. "Khi một máy dò radar cho thấy tín hiệu mạnh, chúng tôi dùng máy quét hồng ngoại để xác nhận", bà Kim nói thêm.

Không phải là người dùng máy dò tìm chuyên nghiệp, bà Song và bà Kim học cách sử dụng qua các buổi tập huấn. Kỹ năng của họ được nâng lên trong những lần đi thực tế.

Những lúc phát hiện dấu hiệu khả nghi, hai bà gọi về văn phòng quận và chính quyền thành phố. Giới chức cùng đại diện từ nhà máy sản xuất máy dò tìm sau đó đến kiểm tra. Việc xác nhận này chỉ mới diễn ra một lần. Tuy nhiên, không có camera quay lén nào được phát hiện.

Theo bà Kim, công việc của những người như bà phải được thực hiện thận trọng vì nhiều tín hiệu điện tử từ các thiết bị của người dân ngày nay có thể khiến máy dò đọc sai tín hiệu.

Trong trường hợp camera quay lén được phát hiện, cảnh sát sẽ được thông báo để điều tra. Tại Hàn Quốc, việc lắp camera quay lén có thể bị phạt 5 năm tù hoặc gần 9.000 USD. Phần lớn người quay lén chấp nhận nộp tiền để không phải ngồi tù.

Khi muốn kiểm tra những địa điểm như trường trung học cơ sở Deoksu hay các trường tư khác, bà Song và bà Kim thường phải gửi thông báo để được cấp phép. "Chúng tôi cũng muốn kiểm tra phòng vệ sinh ở rạp chiếu phim, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn nhưng không được phép vào trừ phi họ đồng ý", bà Song nói.

Cô Kim Bo-kyung, 20 tuổi, có mặt ở nhà ga tàu điện ngầm Chungmuro, tỏ ra cảm kích trước hành động của bà Song và bà Kim. "Tôi đã lo lắng về camera quay lén ở nhà ga tàu điện ngầm. Tôi thấy an toàn hơn khi biết giờ đây họ đang dò tìm chúng", Kim nói.

Theo cảnh sát Park Ha-kyung, nhờ nỗ lực của chính quyền, các nhà vệ sinh ở nhà ga tàu điện ngầm, nơi từng có nhiều tai tiếng về camera quay lén, đã thoát khỏi vấn nạn này.

Cuộc tuần tra của bà Song và bà Kim kết thúc bằng việc phát tờ rơi cảnh báo cho người dân. "Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao nhận thức của người dân tại khu vực nhà ga Chungmuro vì có một trường đại học gần nhà ga và có nhiều nữ sinh ở đó", bà Kim nói.

Theo Vũ Phong (VnExpress.net)