Thế giới

Sau tuyên bố đưa quân chiếm đảo, Duterte nói cân nhắc bán đảo ở biển Đông cho Trung Quốc

Phát ngôn được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra trước khi ông lên đường sang Trung Đông để kỷ niệm Tuần lễ Thánh (Holy Week).

Phát ngôn được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra trước khi ông lên đường sang Trung Đông để kỷ niệm Tuần lễ Thánh (Holy Week).

Sau tuyên bố đưa quân chiếm đảo, Duterte nói cân nhắc bán đảo ở biển Đông cho Trung Quốc

"Có thể khi chúng tôi trở nên giàu, rất giàu, thì tôi có thể bán đảo cho các anh (Trung Quốc), khi mà viễn cảnh chiến tranh biến mất và không còn đe dọa nào đối với Philippines," hãng tin ABS-CBN của Philippines dẫn lời ông Duterte ngày 10/4.

Tổng thống Philippines cũng xoa dịu Bắc Kinh về tuyên bố mới đây của ông, nói rằng ông sẽ ra lệnh quân đội chiếm đóng một số thực thể không có người ở biển Đông mà Manila có yêu sách chủ quyền.

"Để phía Trung Quốc được rõ, chúng tôi sẽ không triển khai bất kỳ vũ khí tấn công nào. Ngay cả một khẩu súng cũng không", Duterte tuyên bố. 

"Trung Quốc hãy thư giãn. Chúng ta là bạn," ông nói. "Chúng tôi sẽ không gây chiến với các anh. Chúng tôi chỉ cố gắng duy trì cục diện cân bằng địa chính trị ở đó (biển Đông)."

Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng tỏ thái độ quan ngại về mệnh lệnh của Duterte.

Liên quan đến thông tin ông Duterte yêu cầu quân đội chiếm đóng tất cả các thực thể Philippines có yêu sách chủ quyền ở biển Đông mà chưa bị bên nào chiếm đóng cũng như tuyên bố sẽ thăm đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong thời gian tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 9/4 nói Việt Nam rất quan tâm và đang theo dõi, xác minh.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Bà Hằng nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề biển Đông đó là mọi tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

"Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002," bà cho biết.

Theo Hải Võ (Thời Đại)