Thế giới

Sau Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên

Cuộc huy động quân sự quy mô chưa từng có đầu năm 2018 cho thấy Bắc Kinh đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

“Đừng sợ cái chết”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với hơn 7.000 binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tập trung tại cơ sở huấn luyện ở tỉnh Hà Bắc vào ngày 3/1, báo Nikkei cho biết. Đó là một ngày lạnh giá và Chủ tịch Tập xuất hiện trong bộ đồ quân sự mùa đông.

Cuộc huy động quân sự quy mô lớn đầu tiên liên quan đến toàn bộ PLA, từ lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược. Bài phát biểu của ông Tập được truyền hình trực tiếp và phát sóng đến hơn 4.000 địa điểm.

Sau Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên
Quân đội Trung Quốc được huy động cho cuộc tập trận quy mô lớn hôm 3/1. Ảnh: Xinhua.

Ông Tập cũng là Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với quân đội sẵn sàng trong mọi tình huống. Sự kiện quân sự khổng lồ này không nghi ngờ gì nữa là để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh đang theo sát tình hình bán đảo để chuẩn bị cho mọi tình huống. Nếu Triều Tiên không từ bỏ chương trình hạt nhân, Mỹ có thể hành động sớm hơn. “Ngày đó có thể đến ngay sau Thế vận hội mùa Đông diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc”, một nguồn tin cho hay. Thế vận hội sẽ kết thúc vào ngày 25/2.

Học Mỹ đổ bộ từ biển

Bắc Kinh luôn cương quyết chống lại bất kỳ quốc gia nào xâm chiếm Triều Tiên. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định phương án tấn công, rất khó để ngăn chặn Mỹ dừng lại. Do đó, Trung Quốc cần chuẩn bị cho các sự kiện bất ngờ, bao gồm tấn công phủ đầu vào lãnh đạo Bình Nhưỡng, hoặc chiến thuật tấn công chớp nhoáng nhằm làm tê liệt quân đội Triều Tiên.

Sau Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - 1
Xe thiết giáp của thủy quân lục chiến Trung Quốc đổ bộ lên bờ biển trong một cuộc tập trận. Ảnh: Navy.81.cn.

Cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ sẽ được tránh bằng mọi giá. Ông Tập hiểu rằng PLA rất khó chiến thắng cuộc chiến với Mỹ. Nhưng nếu Mỹ xâm chiếm Triều Tiên, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của họ.

Trong tình huống này, nhiều nhà quan sát quân sự tin rằng Trung Quốc sẽ triển khai quân đội từ Đông Bắc nước này qua sông Áp Lục, biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Đây là cách mà Bắc Kinh đã làm trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Tuy nhiên, đây không phải là con đường phù hợp cho các tình huống khẩn cấp ở Bình Nhưỡng hoặc xa sông Áp Lục. Trung Quốc có thể sử dụng cách thức trong lịch sử để giải quyết vấn đề này.

Sau Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - 2
2 mũi tấn công mà Trung Quốc có thể sử dụng để can thiệp vào Triều Tiên. Đồ họa: Nikkei.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, sau khi bị quân đội Triều Tiên bị dồn tới cực Nam của bán đảo. Tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh quân đội Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên đã tiến hành cuộc đổ bộ táo bạo lên Incheon. Thành công của cuộc đổ bộ đã giúp Mỹ lật ngược thế cờ.

Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, Trung Quốc có thể đi con đường mà tướng MacArthur đã chọn 68 năm trước. Ngay cả khi quân đội Trung Quốc không can thiệp vào đối tác của Mỹ, họ có thể sẽ thiết lập một chỗ đứng gần Bình Nhưỡng để bảo toàn lợi ích.

Vai trò chủ chốt của thủy quân lục chiến Trung Quốc

Trong chiến tranh hiện đại, hải quân đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu Mỹ xâm chiếm Triều Tiên, Trung Quốc có thể tiếp cận các khu vực gần Bình Nhưỡng một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng các quân đoàn thủy quân lục chiến.

Thủy quân lục chiến Trung Quốc đã sao chép nhiều yếu tố của Thủy quân lục chiến Mỹ, với những chiếc xe thiết giáp được triển khai bằng tàu đổ bộ. Thật thú vị, vào đêm của cuộc điều động quân đội quy mô lớn, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tập trung ca ngợi những quân đoàn thủy quân lục chiến quý giá.

Bài phát biểu của ông Tập cũng nhấn mạnh đến thủy quân lục chiến. Lực lượng này có trụ sở tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, cách khá xa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện của thủy quân lục chiến được tổ chức ở bán đảo Sơn Đông, nằm trên Hoàng Hải, tiếp giáp bán đảo Triều Tiên.

Sau Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - 3
Thủy quân lục chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ. Ảnh: Sputnik.

Bán đảo Sơn Đông là nơi có trung tâm hải quân lớn của Trung Quốc, quê hương của tàu sân bay Liêu Ninh. Đầu tháng 12/2017, thủy quân lục chiến tiến hành nhiều đợt huấn luyện tại cảng ở Sơn Đông. Cuộc diễn tập liên quan đến việc vận chuyển thiết bị quân sự bằng tàu thủy.

Nếu quân đội Trung Quốc tiến vào Triều Tiên bằng cả đường bộ và đường biển. 2 mũi tiến công sẽ có nhiệm vụ khác nhau. Bộ binh vượt qua sông Áp Lục sẽ tiến thẳng về Punggye Ri, cách biên giới khoảng 100 km để kiểm soát khu thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.

Các căn cứ chính của quân đội Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc, nơi ít có khả năng bị tấn công bởi lực lượng Mỹ. Sau đó, Không quân Mỹ có thể phát động cuộc không kích kéo theo cuộc xung đột Mỹ - Trung.

Nếu cuộc không kích phủ đầu của Mỹ thất bại. Mỹ và Triều Tiên có thể bị sa lầy trong cuộc chiến. Khi đó, quân đội Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển.

Trong một động thái phản ánh tính toán của ông Tập. Nhật báo Cát Lâm, tờ báo của Đảng Cộng sản ở tỉnh Cát Lâm, trên biên giới Triều Tiên, đầu tháng 12/2017 xuất bản bài viết cảnh báo người dân chuẩn bị cho cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

Sự chuẩn bị lực lượng quân sự ở bán đảo Sơn Đông, cảnh báo người dân ở tỉnh Cát Lâm đều không ngoài mục đích lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Một năm đầy rủi ro

Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc đang tham gia vào cuộc chiến tranh tâm lý cực kỳ nguy hiểm. Đầu năm 2018, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đe dọa Mỹ rằng “nút hạt nhân luôn ở bên bàn làm việc của tôi”. Trong khi đó, Bình Nhưỡng báo hiệu cách tiếp cận hòa giải với Hàn Quốc. Triều Tiên đã gửi đoàn vận động viên đến tham gia Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc.

Đáp lại đe dọa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “nút hạt nhân của tôi to và mạnh hơn”. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, ông Trump ngỏ ý muốn đối thoại với Triều Tiên nếu đáp ứng vài điều kiện nhất định.

Đối với ông Tập, người vừa củng cố quyền lực sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào tháng 10/2017 đang đối mặt với những lo lắng mới. Cuộc cải cách quân sự và nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên là thách thức vô cùng lớn. Đây có vẻ là một năm nguy hiểm đối với châu Á.

Theo Trung HIếu (Tri Thức Trực Tuyến)