Thế giới

"Săn" tên lửa Scud: Mỹ đánh Triều Tiên thế nào khi còn nhầm cả xe phóng với... đàn dê?

Cuộc săn lùng tên lửa Scud đã cho thấy, ngay cả các xe phóng tên lửa di động lỗi thời vẫn có thể trở thành mối đe dọa khó có thể dập tắt.

Cuộc săn lùng tên lửa Scud đã cho thấy, ngay cả các xe phóng tên lửa di động lỗi thời vẫn có thể trở thành mối đe dọa khó có thể dập tắt.

Trong quá trình tập hợp liên minh để đẩy lùi lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait giai đoạn 1990-1991, có một điều mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ không hề lo ngại, đó là các tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B của Iraq.

Mặc dù Iraq đã bắn hàng trăm tên lửa Scud do Liên Xô thiết kế nhằm vào các thành phố của Iran trong cuộc chiến tranh giữa hai nước nhưng loại vũ khí này được phát triển dựa trên rocket V-2 của phát xít Đức từ thời Thế chiến II nên khó có thể đánh trúng được mục tiêu nào nhỏ hơn... một thành phố.

Tên lửa Scud Al-Hussein nội địa, do các kỹ sư Iraq phát triển, đã được thu nhỏ đầu đạn và tăng lượng nhiên liệu để tăng tầm bắn, đổi lại chúng bị giảm độ chính xác và sức mạnh hủy diệt.

Tướng Norman Schwarzkopf, chỉ huy lực lượng liên minh khi ấy, cho rằng tên lửa Al-Hussein không hơn gì mấy so với những loại vũ khí "không có khả năng gây thiệt hại đáng kể" của quân khủng bố.

Khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Iraq ngày 17/1/1991, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã triển khai mọi loại vũ khí, từ máy bay ném bom B-52 cho tới máy bay tàng hình F-117 và tên lửa hành trình Tomahawk để phá hủy 28 trận địa Scud cố định của Iraq, cũng như các khu vực lưu trữ và nhà xưởng.

Tuy nhiên, đêm hôm sau, điều mà liên minh không ngờ tới là quân đội Iraq còn có một đội xe mang phóng tự hành (TEL) được phân tán ở khắp miền tây và miền nam Iraq. Saddam Hussein đã áp dụng một chiến lược được vạch định nhằm làm suy yếu nền tảng chính trị của liên minh.

Từ ngày 18/1/1991, các tên lửa Scud bắt đầu ào ạt dội xuống các thành phố ở Ả Rập Saudi và Israel, khiến hàng chục người thương vong.

Thường thì Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin sẽ đáp trả động thái khiêu khích này bằng cách huy động không quân san phẳng nhiều khu vực của Iraq.

Tuy nhiên, nếu Saddam thành công trong việc kéo Israel vào cuộc chiến, điều này có thể sẽ khiến lực lượng liên minh mất đi sự ủng hộ của các đồng minh Ả Rập then chốt. Vì vậy, chính quyền Tổng thống George H. W. Bush đã nài nỉ Rabin để cơn giận đó cho liên minh giải quyết với Saddam.

Điều ấy chưa thể khiến Tel Aviv thỏa mãn, chính quyền Israel muốn lực lượng liên minh thể hiện rằng họ đang làm mọi thứ có thể để xóa sổ mối đe dọa từ tên lửa Scud, nếu không, Israel sẽ tự mình ra tay.

Săn tên lửa Scud: Mỹ đánh Triều Tiên thế nào khi còn nhầm cả xe phóng với... đàn dê? - Ảnh 1.

Máy bay A-10 Warthog trên bầu trời Trung Đông trong chiến tranh vùng Vịnh. Ảnh: Không quân Mỹ.

Cuộc săn lùng tên lửa Scud bắt đầu

Trong lúc 2 tổ hợp tên lửa đất-đối-không Patriot tại Ả Rập Saudi được tái triển khai sang Israel để bảo vệ nước này, các máy bay quân sự của Anh và Mỹ được giao phó nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt lực lượng tên lửa Scud của Saddam.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đó không hề dễ dàng, bởi xe mang phóng của tên lửa Scud có thể di chuyển tới vị trí tấn công, phóng tên lửa, sau đó rút về vị trí ẩn nấp trước khi bị phát hiện và phá hủy.

Để săn được các xe mang phóng tên lửa Scud, lực lượng liên minh đã triển khai cường kích A-10 Thunderbolt quần thảo trên sa mạc vào ban ngày, các máy bay chiến đấu-ném bom F-15E Strike Eagle và Tornado lùng sục vào ban đêm. Các máy bay do thám tầm cao U-2 cũng bắt đầu vẽ sơ đồ sa mạc Iraq, tìm kiếm những vị trí mà Iraq có khả năng bố trí tên lửa Scud.

Khi phát hiện một vụ phóng tên lửa Scud (thường là nhờ vệ tinh chụp lại được tia sáng lóe lên từ tên lửa sau khi bắn), thông tin này sẽ được chuyển tiếp tới Trung tâm chỉ huy Không quân Mỹ ở Riyadh, sau đó truyền tới máy bay chỉ huy E-8 JSTAR và cuối cùng là tới một máy bay tấn công đang hoạt động quanh khu vực đó. Quy trình này mất ít nhất 30 phút.

Trên lý thuyết, 30 phút cũng là khoảng thời gian cần có để kíp vận hành Iraq bắt đầu rời đi sau khi thực hiện vụ phóng. Tuy nhiên, trên thực tế, các kíp vận hành tên lửa Iraq đã rút ngắn quy trình phóng xuống chỉ còn 6 phút. Tương tự như vậy, họ đã rút ngắn thời gian chuẩn bị phóng từ 2 tiếng xuống còn nửa giờ.

Không thể tóm được các tên lửa Scud dù là trước hay sau khi phóng, các máy bay quân sự của lực lượng liên minh buộc phải truy quét "Scud Boxes" - hiểu đơn giản là những vị trí mà các nhà hoạch định quân sự nghi ngờ Iraq cất giấu tên lửa Scud.

Vì vậy, gần 50% số vũ khí hàng không được thả xuống trong chiến dịch săn lùng Scud đã nhằm vào các khu vực "có khả năng" cất giấu xe mang phóng tên lửa, bao gồm cả các cây cầu vượt và các tòa nhà quanh khu vực bị tình nghi.

Số cuộc tấn công nhằm vào đúng các đơn vị xe mang phóng ước tính khoảng 15% nhưng con số này không đáng tin cậy, bởi thực tế, các thiết bị dò quét hồng ngoại gặp khó khăn lớn trong việc dò tìm xe mang phóng tên lửa và không thể phân biệt chúng với các xe tải thông thường, thậm chí còn nhầm với cả… những đàn dê.

Ngay cả trong những trường hợp may mắn, tức là máy bay phát hiện được các vụ phóng tên lửa Scud vào ban đêm thì số lần mà chúng nhắm đúng mục tiêu (các xe mang phóng) cũng không vượt quá 20%.

Săn tên lửa Scud: Mỹ đánh Triều Tiên thế nào khi còn nhầm cả xe phóng với... đàn dê? - Ảnh 2.

Một tên lửa Scud bị bắn hạ trong chiến tranh vùng Vịnh. Ảnh: Không quân Mỹ

Đặc nhiệm đi săn

Rõ ràng, rất khó để phát hiện các xe mang phóng tên lửa từ trên không. Vì vậy, mặc dù không mấy thích thú "những kẻ ăn thịt rắn" (ám chỉ các đơn vị tác chiến đặc biệt), tướng Schwarzkopf vẫn quyết định điều động lực lượng này tới hỗ trợ tìm kiếm các tên lửa Scud.

Ngày 20/1, các trực thăng MH-47 đã chở theo Brave-Two-Zero - đơn vị tuần tra đầu tiên của đặc nhiệm đường không Anh (SAS), cùng xe đặc chủng Land Rover của họ, tới thực hiện nhiệm vụ săn lùng tên lửa Scud, phá hoại cơ sở chỉ huy và điều khiển của chúng.

Thêm hai đơn vị nữa được triển khai bằng đường bộ. Ban ngày, các toán biệt kích tinh nhuệ này núp mình trong những vị trí quan sát bí mật và theo dõi, do thám các vụ phóng tên lửa Scud vào ban đêm.

Đêm 23/1, sau khi phát hiện 4 trận địa Scud cố định, lực lượng biệt kích đã phát tín hiệu để một nhóm các máy bay chiến đấu Strike Eagle tới phá hủy chúng.

Đặc nhiệm Mỹ đến tiếp ứng vào ngày 7/2, đơn vị đầu tiên trong số 4 đơn vị Delta Force đã tới tây bắc Iraq bằng trực thăng MH-60 và MH-53. Các đơn vị đặc nhiệm này được trang bị xe bọc thép Humvee và xe tấn công nhanh.

SAS và Delta Force đã phối hợp phá hủy các cơ sở tên lửa của Iraq, đồng thời điều máy bay tấn công các kíp tên lửa Scud nếu phát hiện được các vụ phóng vào ban đêm.

Tuy nhiên, họ cũng gặp phải cùng một vấn đề như các đơn vị tình báo vệ tinh: thường phải mất 50 phút để dữ liệu mục tiêu được chuyển tiếp tới các máy bay tấn công đang hoạt động trong khu vực, và phi công thường không thể xác định được vị trí xe mang phóng tên lửa Scud ngay cả khi dò quét khu vực rộng 1 dặm vuông (khoảng 2,5km2).

Hơn nữa, việc tìm kiếm nhiều tuần trong chiến tuyến của đối phương là một nhiệm vụ nguy hiểm vào thời điểm đó, Từng có một chiếc trực thăng MH-60 đâm vào đụn cát khi bay đêm, khiến 3 người thiệt mạng. Các đội phục kích cũng luôn có nguy cơ bị phát hiện.

Điều này đã xảy ra với đơn vị tuần tra Bravo-Two-Zero của SAS, họ đã bị lực lượng Iraq mạnh hơn truy đuổi, khiến 3 thành viên thiệt mạng, 4 người bị bắt và tra tấn.

Trong khi đó, mặc dù có thông tin tình báo và trang bị tốt hơn nhưng vẫn có đơn vị Delta Force bị phát hiện. Một đơn vị tuần tra đã phải gọi các tiêm kích Strike Eagle tới yểm trợ tiêu diệt hơn 100 bộ binh cơ giới Iraq để có cơ hội trốn thoát được bằng trực thăng.

Bất chấp các nỗ lực phá hoại của liên minh, Iraq đã phóng tổng cộng 88 tên lửa Scud nhằm vào Israel, Ả Rập Saudi và Bahrain trong cuộc chiến này. Mặc dù tỷ lệ bắn đã giảm sau tuần đầu tiên của cuộc chiến nhưng lại tăng vọt trở lại trong tuần cuối cùng, cho thấy năng lực duy trì tấn công bằng tên lửa của Iraq không giảm nhiều.

42 tên lửa tấn công vào các thành phố của Israel chỉ khiến 2 dân thường thiệt mạng ngay lúc đó nhưng lại gián tiếp gây ra cái chết của 15 người nữa do những tác động mà nó mang lại như căng thẳng, tai nạn, đau tim. Ngoài ra, các tên lửa này còn khiến hàng trăm căn nhà bị phá hủy.

Scud đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các lực lượng Mỹ khi hệ thống phòng không Patriot đánh chặn thất bại, để tên lửa này bắn trúng một doanh trại của Mỹ ở Dhahran, Ả Rập Saudi, khiến 28 lính vệ binh đến từ Pennsylvania thiệt mạng.

Săn tên lửa Scud: Mỹ đánh Triều Tiên thế nào khi còn nhầm cả xe phóng với... đàn dê? - Ảnh 3.

Một chuyên gia đạn dược của Không quân Mỹ đã kiểm tra phần đuôi của tên lửa Scud bị bắn rơi trong chiến tranh vùng Vịnh. Ảnh: Không quân Mỹ.

Đánh giá hậu chiến tranh

Sau khi cuộc chiến kết thúc, lực lượng không quân liên minh và các đơn vị đặc nhiệm tuyên bố đã phá hủy hơn 100 xe mang phóng tên lửa Scud. Nhiều tài liệu về lịch sử hoạt động cũng lặp lại con số này.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn tiến hành đánh giá hậu chiến tranh và đi đến một kết luận rất khác: "một số" trong tổng số 30 xe mang phóng của Iraq (theo ủy ban Liên Hiệp Quốc được phái tới Iraq, con số này là 19) đã bị phá hủy.

Sở dĩ Lầu Năm Góc đưa ra kết luận chung chung như vậy là bởi họ không xác nhận được chắc chắn đã có xe mang phóng tên lửa nào bị phá hủy, dù là 1 xe.

Trên thực tế, Juergen Gietler – một chuyên viên lưu trữ tại Bộ ngoại giao Đức – đã lấy cắp thông tin tình báo chi tiết mà Mỹ có được về các căn cứ tên lửa Scud của Iraq cho vào những chiếc túi nhựa rồi chuyển chúng cho tướng Osmat Judi Mohammed của Iraq để đổi lấy khoản tiền mặt khổng lồ.

Thông tin tình báo này đã thúc đẩy Baghdad phân tán các tên lửa Scud sang xe mang phóng di động, thay vì phóng chúng từ các bệ phóng cố định.

Các trận địa tên lửa cố định vẫn được xây dựng để chuyển hướng tấn công của liên minh. Ngoài ra, Iraq còn sử dụng rất tài tình mồi bẫy cao su được sản xuất tại Đông Đức để đánh lạc hướng máy bay của lực lượng này.

Từ chiến dịch săn Scud, thấy gì về cuộc chiến với Triều Tiên?

Nhìn chung, cuộc săn lùng tên lửa Scud đã thành công ở mục tiêu chiến lược – thuyết phục được Israel không trả đũa, nhưng lại thất bại ở mục tiêu quân sự và vô cùng tốn kém (bao gồm chi phí sinh hoạt của các đơn vị đặc nhiệm và chi phí dành cho 2.500 đợt xuất kích để săn lùng tên lửa Scud).

Một số người tranh luận rằng, cuộc đi săn này chí ít đã làm giảm tốc độ bắn phá của Iraq bằng cách buộc các kíp tên lửa phải mất nhiều thời gian hơn để ẩn nấp, từ đó bảo toàn được nhiều mạng sống của dân thường.

Song, thất bại trong chiến dịch phá hủy các xe mang phóng tên lửa đã cho thấy nhiệm vụ săn lùng một mục tiêu áp dụng chiến thuật "hit and run" (Tạm dịch: đánh và chạy) khó khăn tới mức nào, trong khi đó, việc đánh giá quá cao những tổn thất mà mình có thể giáng xuống đối phương lại dễ dàng tới mức nào?

So với Iraq, hiện nay Triều Tiên còn có lực lượng xe mang phóng tên lửa đạn đạo di động lớn hơn nhiều.

Tất nhiên, không quân Mỹ đã được thừa hưởng những bước tiến lớn trong công nghệ so với năm 1991, như cảm biến tốt hơn, mạng lưới liên lạc hiệu quả hơn, hệ thống liên kết dữ liệu gần như tức thời, và máy bay không người lái với khả năng do thám các khu vực rộng lớn hiệu quả hơn nhiều so với máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, cuộc săn lùng tên lửa Scud đã cho thấy, ngay cả các xe phóng tên lửa di động lỗi thời vẫn có thể trở thành mối đe dọa khó có thể dập tắt.

*** Bài viết bao gồm các tài liệu sưu tầm và quan điểm riêng của chuyên gia Sébastien Roblin - thạc sĩ về Giải quyết xung đột từ Đại học Georgetown (Mỹ).

Theo Linh Lâm (Soha/Trí Thức Trẻ)