Thế giới

Săn 'phù thủy' thời hiện đại ở nông thôn Trung Quốc

Niềm tin vào sự tồn tại phù thủy đang lan tràn ở một số cộng đồng nông thôn Trung Quốc và những người bị buộc tội là phù thủy bị cô lập, phải cùng nhau sống sót.

Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 8/1 trên tạp chí Nature Human Behaviour, 13,7% người dân tại một cộng đồng nông thôn phía tây nam Trung Quốc được coi là "phù thủy".

"Các gia đình 'phù thủy' được cho là nuôi rắn và đầu độc mọi người bằng đồ ăn hoặc đơn giản chỉ bằng ánh mắt", AP dẫn lời Ting Ji, nhà nhân chủng học tại Học viện Khoa học Trung Quốc tham gia vào nghiên cứu. "Tin đồn về một gia đình 'phù thủy' sẽ lây lan nhanh chóng trong làng và các làng lân cận", bà nói.

Trong nghiên cứu mới, Ting và các đồng nghiệp tìm hiểu về những ảnh hưởng của việc bị coi là "phù thủy" trong cộng đồng dân cư ở tây nam Trung Quốc.

Các tác giả nhận thấy mác "phù thủy" gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho người bị cáo buộc và gia đình họ, nhưng những hậu quả này sẽ được giảm bớt khi các "phù thủy" co cụm lại cùng nhau.

Săn 'phù thủy' thời hiện đại ở nông thôn Trung Quốc
Nhiều ngôi làng ở nông thôn Trung Quốc hiên có xu hướng tin vào tà thuật, điều có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: SCMP.

Niềm tin vào phù thủy có trong nhiều nền văn hoá trên khắp thế giới, dù mác "phù thủy" mang ý nghĩa khác nhau đối với những cộng đồng khác nhau.

"Các khái niệm về tà thuật rất khác nhau, vì vậy việc sử dụng từ này đôi khi không hữu ích", Ruth Mace, nhà nhân chủng học tại Đại học London cho biết.

Tuy nhiên định nghĩa "phù thủy" ở những nơi khác nhau vẫn có những điểm chung. Mác "phù thủy" thường được gán cho phụ nữ trung niên, và thường liên quan đến những sự kiện xui xẻo.

Những phụ nữ bị coi là phù thủy trong cộng đồng Trung Quốc mà Mace và các đồng nghiệp nghiên cứu phần lớn là trung niên, có ít con cái và thường là những người đứng đầu gia đình. Họ không bị săn đuổi và thiêu sống, nhưng bị cộng đồng tẩy chay.

Việc buộc tội một người là phù thủy ở Trung Quốc là điều bất hợp pháp và là chủ đề thảo luận cấm kỵ, do đó các nhà nghiên cứu đã rất khó khăn để tìm hiểu về nguồn gốc của việc định nghĩa phù thủy. Một số nhà nhân chủng học cho rằng các nền văn hoá có thể gán mác "phù thủy" cho những người sống vị kỷ hơn và ít hợp tác hơn những người khác.

Nỗi lo sợ bị phù thủy làm hại có thể khuyến khích các thành viên trong cộng đồng hành động vì lợi ích tập thể. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các tác giả không tìm thấy bằng chứng cho thấy phụ nữ bị coi là "phù thủy" ít cởi mở hơn những người láng giềng.

Vì vậy, các tác giả đề xuất một nguyên nhân tiềm tàng khác. "Phát hiện của chúng tôi cho thấy mác 'phù thủy' có xu hướng rơi vào các gia đình giàu có và phụ nữ là chủ hộ gia đình, qua những câu chuyện được thêu dệt phát sinh từ lòng đố kỵ", các các giả viết trong nghiên cứu.

Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)