Thế giới

Rơi máy bay 142 người chết, Indonesia mất phi công ưu tú

Vụ tai nạn máy bay tại Indonesia đã khiến 142 người thiệt mạng. Trong đó có những phi công ưu tú của lực lượng không quân Indonesia.

Vụ tai nạn máy bay tại Indonesia đã khiến 142 người thiệt mạng. Trong đó có những phi công ưu tú của lực lượng không quân Indonesia.

Swet Eka, một quân nhân Indonesia, bên cỗ quan tài của chồng bà, một nạn nhân trong vụ tai nạn - Ảnh: Reuters


“Không quân Indonesia đã mất những người ưu tú nhất trong khi họ đang làm nhiệm vụ”, ​ông Marshal Agus Supriatna, người đứng đầu lực lượng không quân Indonesia, cho biết ngày 1-7.  

Khó còn người sống sót

Cơ trưởng người Indonesia Sandhy Permana Alumni, viên phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay quân sự ngày 30-6, được coi là một trong những phi công ưu tú nhất của không quân nước này.

Cơ trưởng Sandhy thiệt mạng sau khi máy bay của anh lao vào một khách sạn ở Medan, Bắc Sumatra. Tốt nghiệp Học viện không quân quốc gia năm 2005, cơ trưởng Sandhy là thủ khoa với thành tích học tập cũng như thực hành cực kỳ xuất sắc ở Trung tâm huấn luyện không quân quốc gia Jakarta.

Anh mới ra trường hồi tháng 6-2014 và được phân về phi đội 32 thuộc căn cứ không quân Abdul Rahman Saleh ở Malang, Đông Java. Anh đã có vài trăm giờ bay và một nhiệm vụ tuần tra biên giới ở Papua vài tháng trước.

Đồng nghiệp của cơ trưởng Sandhy, Riri Setiawan, hoa tiêu trên máy bay, cũng là một người lính rất tận tụy. 

Cho tới chiều 1-7, cảnh sát Indonesia xác nhận họ đã tìm thấy được 142 thi thể, bao gồm cả những nạn nhân ở dưới mặt đất trong khu dân cư.

Chiếc máy bay C-130 Hercules gặp nạn không lâu sau khi cất cánh ngày 30-6, theo lời thiếu tá cảnh sát A. Tarigan ở Bắc Sumatra.

Cơ trưởng Sandhy - Ảnh: tribunnews.com

Không quân Indonesia nói có 122 người trên máy bay, bao gồm nhiều quân nhân và gia đình họ. Lực lượng cứu hộ cho biết khó thể có người còn sống sót. Ban đầu, không quân cho biết có 12 thành viên phi hành đoàn trên chiếc C-130 và không cho biết số hành khách.

Sau đó số người trên máy bay cứ tăng dần, cho thấy việc kiểm soát hành khách lỏng lẻo và nêu ra câu hỏi về việc liệu máy bay có chở quá số người quy định.

Việc đi nhờ kiểu “quá giang” tới những vùng xa xôi trên các máy bay quân sự là khá phổ biến ở Indonesia, một đất nước với hàng nghìn hòn đảo trải rộng ba múi giờ.

Chiếc máy bay gặp nạn xuất phát từ thủ đô Jakarta và đã dừng ở hai điểm trước khi tới Medan, Sumatra, một trong những đảo chính của Indonesia.

Người nhà nạn nhân sốc nặng

Hàng chục thành viên các gia đình nạn nhân đã tập hợp bên ngoài bệnh viện Adam Malik ở Medan ngày 1-7. Wall Street Journal nói bên ngoài nhà xác bệnh viện, có khoảng 100 cỗ quan tài gỗ xếp hàng, gần đó là các phụ nữ gào khóc bên người thân của họ.

Một nhóm sinh viên ở một trường cấp ba Công giáo đã khóc ngất đi khi một chiếc túi thi thể mở ra cho thấy xác đã bầm dập của bạn học của họ, Esther Lina Josephine, 17 tuổi, vẫn còn đang ôm cô em gái 14 tuổi của mình.

Giám đốc bệnh viện, Yusirwan, nói hơn 20 nạn nhân đã được các người nhà nhận mặt.

Chiếc máy bay, đã được sử dụng từ năm 1964, gặp nạn hai phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Soewondo ở Medan và đang bay đi Natuna. Nó đã lao vào một tòa nhà gồm có cả nhà ở và khu mua sắm dưới đất.
 
>> Vụ rơi máy bay ở Indonesia: Đã có 113 người chết
>> "Phi cơ bay qua đầu chúng tôi rồi nổ tung"
>> Máy bay Indonesia chở 113 người rơi: Khả năng không còn ai sống sót
>> Xác máy bay nát vụn tại hiện trường tai nạn ở Indonesia
>> Máy bay quân sự rơi xuống khu dân cư ở Indonesia, ít nhất 30 người chết
 
Theo C.Văn (Tuổi Trẻ)