Thế giới

Rạn nứt âm ỉ trong hoàng gia Saudi giữa quốc vương và thái tử

Nguồn tin của Guardian cho biết đang có dấu hiệu của sự mâu thuẫn xảy ra giữa Vua Salman và Thái tử Mohammed về một số vấn đề chính sách quan trọng, trong đó có cuộc chiến ở Yemen.

Theo Guardian, những mâu thuẫn này bắt đầu hình thành từ vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul mà CIA kết luận là do Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) ra lệnh.

Tuy nhiên căng thẳng gia tăng vào cuối tháng 2 trong chuyến thăm Ai Cập của Vua Salman, vị vua 83 được các cố vấn cảnh báo về một hành vi chống lại ông.

Đoàn tùy tùng của nhà vua trở nên cảnh giác tới mức một đội ngũ an ninh mới, bao gồm 30 nhân viên trung thành đến từ Bộ Nội vụ được tuyển chọn và bay ngay đến Ai Cập thay thế nhóm an ninh cũ.

Rạn nứt âm ỉ trong hoàng gia Saudi giữa quốc vương và thái tử
Theo Guardian, đang có những mâu thuẫn giữa Quốc vương Salman (trái) và Thái tử Mohammed bin Salman về một số chính sách ngoại giao quan trọng của Saudi Arabia. Ảnh: AP.

Động thái này là một phản ứng tức thì, và phản ánh sự quan ngại về việc một số thành viên trong đội an ninh cũ có thể là người trung thành với thái tử.

Các cố vấn của Vua Salman cũng loại bỏ những nhân viên an ninh người Ai Cập được phân nhiệm vụ bảo vệ nhà vua Saudi khi đang ở Ai Cập.

Sự mâu thuẫn giữa nhà vua và thái tử càng được nghi vấn thêm sau khi Thái tử MBS không có mặt trong số những người đến sân bay chào đón Vua Salman trở về từ Ai Cập.

Một thông báo chính thức cho thấy trong danh sách những vị khách đến sân bay Riyadh đón nhà vua không có Thái tử Mohammed.

Nhà vua giận dữ

Bên cạnh đó, trong lúc vua Salman ra nước ngoài, thái tử trên cương vị “phó vương” đã ký sắc lệnh bổ nhiệm 2 nhân sự quan trọng, bao gồm đưa Quận chúa Reema bint Bandar bin Sultan tới Mỹ, trở thành nữ đại sứ đầu tiên của nước này trong lịch sử, và đưa em trai ruột Khalid bin Salman vào Bộ Quốc phòng.

Quyết định bổ nhiệm em trai được đánh giá là sẽ đem quyền lực tập trung hơn cho Thái tử MBS. Mặc dù trước đây đã có dự đoán về việc những thay đổi này sẽ diễn ra, nhưng việc thông báo bổ nhiệm được đưa ra mà không trình lên Vua Salman đã khiến người trị vì vương quốc Vùng Vịnh vô cùng giận dữ.

Theo nguồn tin của Guardian, nhà vua và đoàn tùy tùng chỉ biết được thông tin này qua truyền hình. Nhà vua được cho là rất không hài lòng trước việc vội vã đưa Hoàng tử Khalid lên một ví trí cấp cao hơn.

Rạn nứt âm ỉ trong hoàng gia Saudi giữa quốc vương và thái tử - 1
Hoàng tử Khalid bin Salman, em ruột của Thái tử Mohammed bin Salman, được điều động về Riyadh để nắm giữ một vị trí trong Bộ Quốc phòng Saudi Arabia sau khi đảm nhiệm vị trí đại sứ nước này tại Washington. Quận chúa Reema bint Bandar, một cố vấn thân cận của Thái tử MBS, sẽ đảm nhiệm vị trí cũ của Hoàng tử Khalid. Ảnh: AP.

Vị vua 83 tuổi đã cố gắng để khôi phục những tổn hại về mặt hình ảnh của Saudi Arabia sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Những người ủng hộ nhà vua cũng muốn ông tham gia nhiều hơn vào quá trình đưa ra quyết định, thay vì để Thái tử MBS có quá nhiều quyền lực.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington cho biết vào ngày 4/7: "Theo thông lệ, nhà vua Saudi Arabia ban hành sắc lệnh của hoàng gia, giao quyền quản lý các vấn đề của đất nước cho cấp phó của ông, tức thái tử, bất cứ khi nào ông công du nước ngoài. Đó là những gì diễn ra trong chuyến thăm gần đây của Vua Salman tới Ai Cập".

Phát ngôn viên cũng nhận định những thông báo được Thái tử Mohammed đưa ra thuộc thẩm quyền của phó vương, thay mặt cho nhà vua.

"Mọi suy đoán nào trái với điều này đều là vô căn cứ", người phát ngôn cho biết.

Phát ngôn viên không trả lời những câu hỏi về động thái thay đổi đội ngũ an ninh của nhà vua khi ông ở Ai Cập. Người này cũng không bình luận về việc sa thải các nhân viên an ninh Ai Cập, vốn được cho là phản ảnh mối bất hòa giữa Vua Salman và Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.

Thái tử MBS đã khiến nhiều người giận dữ vào tháng trước khi nhà lãnh đạo trẻ xuất hiện trên nóc của Kaaba, (còn được gọi là Phiến đá Đen), trung tâm thánh địa Mecca và là nơi được coi là linh thiêng nhất của đạo Hồi. Các học giả tôn giáo đã phàn nàn với nhà vua về việc này, cho rằng đó là hành động không phù hợp.

Những bất đồng khác

Nhà vua và thái tử cũng bất đồng trong một số chính sách ngoại giao quan trọng, bao gồm việc đối xử với tù binh chiến tranh ở Yemen và cách phản ứng trước các cuộc biểu tình ở Sudan và Algeria.

Vua Salman được cho là không đồng tình với cách tiếp cận cứng rắn của Thái tử MBS để dập tắt các cuộc biểu tình này. Dù nhà vua không phải là một người theo chủ trương cải cách, ông ủng hộ việc báo chí Saudi đưa tin tự do hơn về cuộc biểu tình ở Algeria.

Rạn nứt âm ỉ trong hoàng gia Saudi giữa quốc vương và thái tử - 2
Một người dân ở thủ đô Riyadh đi qua tấm biển in hình Thái tử Mohammed bin Salman, Quốc vương Salman và nhà lập quốc, Vua Abdulaziz.

Ông Bruce Riedel, từng làm việc cho CIA trong 30 năm và là giám đốc tại Dự án Tình báo của Viện Brookings, nhận xét: "Có những dấu hiệu nhỏ nhưng quan trọng về một điều gì đó không ổn trong cung điện hoàng gia".

"Một thái tử bình thường đáng lẽ phải ra chào đón nhà vua trở về sau chuyến đi nước ngoài, đó là dấu hiệu của sự tôn trọng và tính liên tục của chính phủ. Gia đình hoàng gia sẽ theo dõi sát sao vụ việc để xem điều đó nghĩa là gì", ông Riedel cho hay.

Tuy nhiên, một nhà phân tích khác lại cho rằng tình hình có thể đã bị hiểu sai. Ông Neil Quilliam, nhà nghiên cứu tại chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House (Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh), cho rằng kể cả khi Thái tử MBS ra quyết định thay đổi nhân sự trong khi vua cha đang vắng mặt, điều này vẫn nhất quán với chính sách đã được thống nhất từ trước về sự thay đổi cần thiết ở Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington.

"Mặc dù vậy, điều này thể hiện mong muốn của Thái tử MBS trong việc thực hiện những thay đổi và sẵn sàng khẳng định quyền lực của mình", theo ông Quilliam.

"Chúng ta đã thấy những khác biệt giữa hai người, trong đó đáng chú ý có vấn đề về Jerusalem, nhưng Thái tử MBS nhiều khả năng sẽ không khăng khăng chống lại cha mình, vì thái tử vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ vua cha để có được tính chính danh", ông Quiiliam nhận định.

Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)