Thế giới

Quyền lực to lớn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiệm kỳ mới

Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi tổ chức trưng cầu dân ý nhằm tăng cường quyền lực cho tổng thống.

Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, với kết quả ủng hộ sát nút, đã trao thêm quyền lực cho tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Vị trí này, từ chỗ chỉ mang tính biểu tượng, giờ có quyền lực hành pháp to lớn và có thể can thiệp cả vào nhánh lập pháp, tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, sau khi 99% phiếu được kiểm, ông Erdogan giành được 52,54% số phiếu, trong khi ứng viên đảng CHP đối lập, Muharrem Ince giành được 30,68% số phiếu.

Không những vậy, đảng bảo thủ của ông Erdogan và đồng minh đã giành 53% số phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện, diễn ra cùng ngày 24/6 với cuộc bầu cử tổng thống, biến nghị viện nước này trở này nơi dễ dàng hậu thuẫn cho tổng thống.

Từ sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016, ông Erdogan đã tiến hành một chiến dịch truy quét, ban hành tình trạng khẩn cấp và siết chặt kiểm soát với các luật sư, thẩm phán, viên chức và nhà báo. Những người chỉ trích mô tả cuộc bầu cử hôm 24/6 là nỗ lực cuối cùng để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nhà nước chuyên chế.

Quyền lực to lớn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiệm kỳ mới
Ông Erdogan sẽ trở thành vị trí tổng thống trong nhiệm kỳ 2 với quyền lực lớn chưa từng có đối với một tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.Quyền lực vượt trên hành pháp

Kể từ nhiệm kỳ này, chức danh thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hủy bỏ và toàn bộ quyền lực hành pháp được chuyển giao cho tổng thống. Tổng thống sẽ đồng thời là người đứng đầu nhà nước và chính phủ.

BBC cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trực tiếp chỉ định các bộ trưởng, nhiều thẩm phán, một hoặc nhiều phó tổng thống. Vị trí phó tổng thống không phải qua bầu cử.

Ngân sách quốc gia trước đây do quốc hội quyết định. Từ nhiệm kỳ mới, tổng thống sẽ là người đệ trình dự thảo ngân sách cho quốc hội thông qua. Nếu quốc hội không thông qua, kế hoạch ngân sách của năm trước đó sẽ tiếp tục được áp dụng. Quốc hội có quyền luận tội tổng thống nếu 2/3 số nghị sĩ đồng ý. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do tòa hiến pháp quyết định, nơi mà phần lớn các thẩm phán lại do chính tổng thống chỉ định.

BBC so sánh rằng ở Mỹ nếu quốc hội từ chối một dự thảo ngân sách, chính quyền liên bang sẽ phải đóng cửa cho đến khi tổng thống tìm được đồng thuận với lưỡng viện. Tổng thống Mỹ cũng được đề xuất thành viên nội các và thẩm phán cho Tòa tối cao, nhưng các vị trí phải do Thượng viện phê chuẩn.

Hoặc ở Pháp, nơi tổng thống chỉ định 3 trong số 9 thẩm phán Tòa tối cao, trong khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chỉ định 2/15 thẩm phán.

Cũng như nhiều quốc gia đang chứng kiến sự ủng hộ dành cho những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có xu hướng chuyên quyền, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã chấp nhận luận điểm tranh cử của ông Erdogan rằng một chính quyền mạnh mẽ và tập trung là cần thiết để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa khủng bố.

Ông Erdogan vẫn có hàng triệu người ủng hộ trên khắp đất nước, những người tin rằng họ cần một người lãnh đạo mạnh mẽ hơn để đối phó với những thách thức trước mặt.

"Tổng thống được bầu bởi người dân và ông ấy chịu trách nhiệm trực tiếp đối với thùng phiếu", BBC dẫn lời Zeynep Jane Kandur, một lãnh đạo của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.

Quyền lực to lớn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiệm kỳ mới - 1
Bất chấp nhiều sự chỉ trích, ông Erdogan vẫn có hàng triệu người ủng hộ trên khắp nước . Ảnh: AP.

"Có vẻ đất nước đã tin tưởng tôi với bổn phận tổng thống và tin tưởng chúng tôi (đảng của ông Erdogan và đồng minh) với trách nhiệm lập pháp to lớn", tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói sau khi đắc cử. "Thổ Nhĩ Kỳ là một bài học về dân chủ với tỷ lệ đi bầu gần 90%. Tôi hy vọng một số người sẽ không cố khiêu khích để che giấu thất bại của họ".

Theo quy định mới được thông qua từ cuộc trưng cầu dân ý, ông Erdogan có thể chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ ba nếu ông kêu gọi bầu cử sớm. Điều này mở ra khả năng ông có thể tại vị đến sau năm 2023.

Các ứng viên đối lập đã tuyên bố họ sẽ lật lại hệ thống bầu cử tổng thống nếu họ thắng cuộc. Nhưng họ không thắng.

Nền dân chủ "vẫn sống"

New York Times nhận định chiến thắng của ông Erdogan có thể kéo theo các hệ quả cho sự hợp tác của NATO, khối liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên, tình hình an ninh ở Iraq và Syria, sự kiểm soát dòng người di cư vào châu Âu (thông qua Thổ).

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang hợp tác với các đối tác phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cũng thách thức các đồng minh bằng việc xích lại gần Tổng thống Nga Vladimir Putin, trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến từ Nga và chuẩn bị xây dựng một lò phản ứng hạt nhân theo công nghệ Nga tại Thổ.

Ngay sau khi ông Erdogan đắc cử, từ nước Nga, Tổng thống Putin đã ngay lập tức ca ngợi "uy quyền chính trị vĩ đại" của ông người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Amanda Sloat, một cựu quan chức trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama và hiện là nghiên cứu viên tại Viện Brookings, nói rằng "một trong những thách thức to lớn nhất trong tương lai gần của Thổ Nhĩ Kỳ là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội".

Quyền lực to lớn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiệm kỳ mới - 2
Các nhà quan sát nói rằng kết quả cuộc bầu cử, ngoài chiến thắng của ông Erdogan và đảng cầm quyền, còn cho thấy màn thể hiện mạnh mẽ bất ngờ của các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà nói rằng việc ông Erdogan quá dựa vào đảng Phong trào Dân tộc "đồng nghĩa với việc các chính sách đối ngoại sẽ bị các cân nhắc về dân tộc chủ nghĩa ảnh hưởng". Đảng Phong trào Dân tộc, đảng liên minh với AKP trong cuộc bầu cử vừa qua, giành được 11% số phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện. AKP giành được 43% phiếu.

Đứng trên một ban công và nói trước hàng nghìn người ủng hộ ở thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan tái cam kết "chống các tổ chức khủng bố", "tiếp tục chiến đấu để biến chiến trường Syria trở thành nơi tự do hơn" và tăng cường "danh dự quốc tế" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy, bà Sloat lại nói rằng cuộc bầu cử khó khăn vừa qua cho thấy nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sống.

"Các đảng đối lập đã mang đến những chiến dịch tranh cử mạnh mẽ một cách bất ngờ, nhiều năng lượng và có tính cạnh tranh cao", bà nói. "Nghị viện sẽ phong phú, với hệ thống liên minh cho phép sự hiện diện của nhiều đảng, bao gồm đảng của người Kurd".

Đảng HDP, một đảng dân chủ tự do nhấn mạnh quyền của người thiểu số và do một lãnh tụ người Kurd đứng đầu, Selahattin Demirtas, đã giành được trên 10% số phiếu bầu để có ghế trong nghị viện.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)