Thế giới

Quốc hội Nga cho phép không kích IS ở Syria

Thượng viện Nga vừa chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai lực lượng không quân ở Syria để chống khủng bố.

Thượng viện Nga vừa chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai lực lượng không quân ở Syria để chống khủng bố.

Nga vừa cho phép triển khai lực lượng không quân tại Syria, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad đề nghị hỗ trợ quân sự. Ảnh minh họa: ItarTass



"Hội đồng Liên bang (thượng viện) nhất trí ủng hộ yêu cầu của tổng thống, với 162 phiếu thuận", hãng thông tấn Itar Tass dẫn lời Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Ivanov hôm nay nói. Không ai bỏ phiếu trắng hay phản đối.

Theo Sputnik, quyết định chỉ bao gồm việc sử dụng không quân và không tiên lượng bất cứ chiến dịch nào của bộ binh, Ivanov cho hay.

"Chúng ta đang nói đến chiến dịch của riêng không quân Nga, như tổng thống của chúng tôi đã nói, việc sử dụng lực lượng vũ trang trên mặt đất được loại trừ. Mục tiêu quân sự của chiến dịch là hỗ trợ trên không cho lực lượng chính phủ Syria, trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo", Ivanov nói.

Ông Ivanov cũng cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đề nghị Nga hỗ trợ quân sự. Điện Kremlin trong hôm nay sẽ thông báo với các đối tác nước ngoài về quyết định của quốc hội, thông qua các kênh của Bộ Ngoại giao và quân đội cũng làm tương tự thông qua các kênh của họ.

"Chiến dịch của không quân Nga, tất nhiên, không thể kéo dài vô hạn và có khung thời gian xác định rõ ràng. Tuy nhiên, tôi không thể thông báo ngày tháng hay số lượng máy bay, loại vũ khí không quân của chúng tôi sẽ sử dụng trong chiến dịch", chánh văn phòng Điện Kremlin cho hay.

Tổng thống Putin trước đó đã đề nghị Hội đồng Liên bang cho phép sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài.

Theo hiến pháp Nga, Thượng viện chịu trách nhiệm ra quyết định về khả năng dùng lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài.

Ngày 1/3, cơ quan này từng trao quyền cho tổng thống sử dụng lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình ở Ukraine trở lại bình thường. Tháng 6/2014, Thượng viện đã hủy quyết định này theo yêu cầu của Tổng thống Nga Putin, khi các cuộc đàm phán đa phương tìm cách giải quyết vấn đề miền đông Ukraine bắt đầu.
 
>> 10 phút mật đàm của Abe-Putin khiến Mỹ và Trung Quốc bất an
 
Theo T.Giáp (VnExpress.net)