Thế giới

Quan chức giám sát vắcxin rởm Trung Quốc từng bị kỷ luật vì sữa melamine

Tôn Hàm Trạch phải chịu trách nhiệm về vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 cũng chính là người giám sát an toàn vắcxin.

Quan chức giám sát vắcxin rởm Trung Quốc từng bị kỷ luật vì sữa melamine
Em bé được tiêm vaccine ở Quảng Tây, Trung Quốc ngày 24/7.

Ít nhất 4 trẻ em đã chết và hơn 10.000 người nhập viện vào năm 2008, sau khi sau khi dùng sữa công thức của tập đoàn Tam Lộc có chứa melamine - hóa chất công nghiệp độc hại được sử dụng để làm tăng lượng protein trong các bài kiểm tra chất lượng.

Khủng hoảng y tế gây chết người có thể chấm dứt sự nghiệp của các quan chức chính phủ ở nhiều nước, nhưng bê bối vắcxin được phanh phui tuần trước ở Trung Quốc lại xảy ra dưới sự giám sát của quan chức từng chịu trách nhiệm vụ nhiễm độc sữa nói trên, theo SCMP.

Tôn Hàm Trạch là người giám sát quy định an toàn tại Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm năm 2008. Tôn bị khiển trách, mức kỷ luật nhẹ nhất trong số 10 quan chức bị xử lý vì bê bối sữa.

6 năm sau, Tôn lại được chỉ định làm người giám sát an toàn dược phẩm trong cơ quan nói trên cho đến khi ông nghỉ hưu vào tháng ba.

Dưới sự giám sát của Tôn, bê bối vắcxin đã xảy ra, trở thành cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Công ty dược phẩm Công nghệ sinh học Trường Sinh ở tỉnh Cát Lâm đã bán 252.600 liều vắcxin DPT (bạch hầu, ho gà và uốn ván) không đạt chuẩn cho cơ quan y tế Sơn Đông kể từ tháng 11 năm ngoái.

"Người từng giám sát vụ Tam Lộc cũng chịu trách nhiệm về vụ vắcxin lần này, tuyệt đấy!", một người dùng mạng mỉa mai.

Quan chức giám sát vắcxin rởm Trung Quốc từng bị kỷ luật vì sữa melamine - 1
Tôn Hàm Trạch. Ảnh: cn-healthcare.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tuần khẳng định giới chức sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng. Chính quyền trung ương đã gửi một nhóm điều tra đến tỉnh Cát Lâm. Giám đốc điều hành và 14 cán bộ cấp cao của công ty Trường Sinh bị bắt ngày 25/7.

Sự trở lại của Tôn sau bê bối sữa melamine không phải là trường hợp cá biệt. Một số chính trị gia và quan chức khác từng bị trừng phạt vì những lỗi lớn cũng đã được quay lại các vị trí quản lý.

Trong số đó có Ngô Hiển Quốc, bí thư thành ủy Thạch Gia Trang, nơi công ty Tam Lộc đặt trụ sở. Ông bị sa thải vào 2008. Tuy nhiên, 5 năm sau, Ngô trở lại với một vị trí khiêm tốn hơn, giám sát các vấn đề nông thôn trong chính quyền tỉnh.

Tông Quốc Anh là bí thư huyện Bình Hải, Thiên Tân, nơi vụ nổ kho dự trữ chất độc hại bất hợp pháp đã cướp đi 165 mạng người năm 2015. Tông là quan chức cấp cao nhất trong hơn 100 người bị trừng phạt vì liên quan đến việc giám sát tuân thủ an toàn. Sự nghiệp của Tông cất cánh một lần nữa vào năm ngoái, khi ông trở thành phó tỉnh trưởng Vân Nam. 

Zhuang Deshui, chuyên gia từ Đại học Bắc Kinh, nói rằng một số hình phạt hành chính chỉ có thể tác động nhẹ đến sự nghiệp của quan chức và có thể không cản trở quan lộ của cán bộ đảng. "Cảnh cáo là hình thức nhẹ nhất. Quan chức phải đợi hơn một năm để có thể được thăng chức", Zhuang nói.

Các hình phạt khác bao gồm khiển trách, giáng chức, sa thải và bị điều tra. "Có sự khác biệt, tùy thuộc vào việc quan chức đó được quy trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp", ông nói.

Zhuang nói rằng trong khi đảng Cộng sản Trung Quốc có quy định rõ ràng về các loại hình phạt thì việc một quan chức phải chờ đợi bao lâu để được tái xuất không rõ ràng.

"Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đánh giá một cán bộ bị sa thải trước khi người đó trở lại, nhưng thông tin này không bao giờ được công khai", ông nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)