Thế giới

Putin sẽ làm gì nếu Mỹ chiến tranh với Iran?

Tổng thống Putin sẽ không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ nhưng sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và thông tin tình báo cho Cộng hòa Hồi giáo nếu chiến tranh giữa 2 nước trên bùng nổ, theo The Moscow Times.

Putin sẽ làm gì nếu Mỹ chiến tranh với Iran?
Tổng thống Putin được cho là sẽ không thể giữ lập trường trung lập nếu chiến tranh giữa Mỹ và Iran bùng nổ.

Các nhà phân tích tin rằng, việc Nga sự tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Mỹ-Iran sẽ rất khó xảy ra khi Tổng thống Putin đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, Iran không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ của Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích suy đoán rằng phản ứng của ông chủ Điện Kremlin một khi cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Mỹ nổ ra có thể sẽ khác so với những gì ông đã tuyên bố. Nga rõ ràng không có khả năng giữ lâp trường trung lập nếu Mỹ và Iran đi đến chiến tranh, các nhà phân tích nhận định giữa bối cảnh quan ngại xung đột bùng nổ Washington và Tehran.

Theo đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Nga quyết định thực hiện một bước vượt ra ngoài sự hỗ trợ ngoại giao đơn thuần để bảo vệ lợi ích của nước này ở Trung Đông, bao gồm cả việc hỗ trợ quân sự cho Iran trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo. Cụ thể, Moscow có thể thực hiện các bước thận trọng nhất định để tăng cường năng lực răn đe của Iran như cung cấp vũ khí và các tài sản quân sự của nước này cho Iran một cách nhanh chóng.

Teheran cũng có khả năng muốn quân đội Nga đóng quân trên lãnh thổ Iran. Cuối cùng, Nga có thể cung cấp cho Iran thông tin tình báo  trước hoặc trong thời gian nổ ra chiến tranh với Mỹ.

Lý do là, chính sách Trung Đông của Nga được đánh dấu bằng các hành động cân bằng nhằm đảm bảo vai trò của đất nước này trong khu vực, theo The Moscow Times.

Sự sụp đổ của Cộng hòa Hồi giáo Iran được nhận định là có thể làm suy yếu khả năng cân bằng của Moscow ở khu vực Trung Đông. Nó có khả năng làm tê liệt chính sách của Nga ở Syria bằng cách trao thêm sự tự do hành động cho các nhóm đồng minh của Mỹ ở nước này, làm suy yếu thêm chính phủ Assad vốn đang phục hồi nhanh chóng.

Đồng thời, Nga và Iran đã tạo ra một liên minh nhằm chống lại các mối đe dọa chung, bao gồm Mỹ. Đặc biệt, một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào Iran sẽ mở đường cho kiến ​​trúc an ninh do Mỹ đứng đầu ở Trung Đông, cung cấp cho Washington đòn bẩy lớn. Tất cả những điều trên mở ra nền tảng cho những suy đoán về lập trường của Moscow trong cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra giữa Iran và Mỹ.

Mặc dù Moscow có thể thu lợi về tài chính từ một Iran bị cô lập về chính trị  nhưng sự sụp đổ về địa chính trị từ sự thay đổi chế độ ở Teheran sẽ gây ra những thiệt hại vượt xa đáng kể lợi ích kinh tế tiềm năng.

Đặc biệt, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tehran và Washington có thể dẫn đến sự huy động quân sự lớn của Mỹ - một thách thức địa chính trị đe dọa đến lợi ích của Nga ở Trung Đông. Moscow đã đổ lỗi cho Mỹ vì đã kích động Iran và thể hiện sự phản đối việc Mỹ thắt chặt áp lực đối với chương trình quốc phòng của Tehran bằng cách công nhận quyền lợi quốc phòng hợp pháp của Iran.

Nhìn chung, Moscow rõ ràng không có ý định bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ và theo đó họ sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để giảm thiểu rủi ro trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc. 

Nga được cho là không phải là người thay đổi cuộc chơi, cũng không có khả năng xoay chuyển tình thế chiến tranh, nhưng họ chắc chắn có thể tạo ra những trở ngại khá lớn cho những nỗ lực chiến tranh của Mỹ. Những lựa chọn trên của Nga sẽ khiến cho cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Iran phức tạp hơn nhiều.

Theo Minh Nhật (Dân Việt)