Thế giới

Phương Tây 'thở phào' trước chiến lược 'nước Nga là trên hết' của Tổng thống Putin

Trong 6 năm tới, các nước phương Tây có thể sẽ được "thở phào nhẹ nhõm" trước một nước Nga dưới thời Putin sẽ không còn phát triển quá mạnh về quân sự, khi mục tiêu siêu cường đã hoàn thành.

Phương Tây 'thở phào' trước chiến lược 'nước Nga là trên hết' của Tổng thống Putin
Nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin sẽ chỉ tập trung nhiều vào kinh tế.

"Nước Nga là trên hết"

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới tại một buổi lễ lớn ở Điện Kremlin tuần trước. Khi nhiệm kỳ thứ tư bắt đầu – mà cũng có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của nhà lãnh đạo Nga – nhiệm vụ sắp tới của ông sẽ đầy rẫy những khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể làm yên lòng người dân khi đưa ra những chiến lược mới cho nước Nga trong ít nhất là 6 năm tới, trong đó ông ưu tiên củng cố và phát triển kinh tế xã hội của Nga. Giới phân tích gọi đây là “chiến lược nước Nga là trên hết”.

Dù cùng tên gọi nhưng chiến lược của ông Putin hoàn toàn khác với chiến lược “nước Mỹ là trên hết” của người đồng cấp Mỹ Donald Trump.  

Khởi đầu, chương trình sẽ ưu tiên mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực, bao gồm: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhân khẩu học, nhà ở và phát triển đô thị, hợp tác quốc tế và xuất khẩu, năng suất lao động, đường xá và cơ sở hạ tầng, sinh thái, kinh tế kỹ thuật số, khoa học và văn hóa.

Các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ đưa nước Nga trở thành 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2024.

Xét về GDP danh nghĩa, Nga hiện đứng thứ 13 trên thế giới, trong khi về sức mua tương đương, Nga được xếp hạng sáu, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức.

Các mục tiêu khác được nêu trong chiến lược của Tổng thống Putin bao gồm kéo dài tuổi thọ của người dân Nga lên 78 năm 2024, từ 71 đến 80 vào năm 2030 và giảm một nửa số người sống trong tình nghèo khổ - ước tính khoảng 20 triệu người - giúp tăng năng suất ở mức 5% và duy trì tăng trưởng GDP với tốc độ nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.

Cắt giảm chi tiêu quốc phòng

Điều thú vị là, Tổng thống Putin đặt mục tiêu huy động nguồn ngân sách cho chiến lược “nước Nga là trên hết” không phải thông qua việc theo đuổi tích cực các chính sách thương mại ở nước ngoài, mà bằng cách cắt giảm chi tiêu quân sự của đất nước.

Trong khi Tổng thống Trump có ý định làm cho “nước Mỹ vĩ đại” bằng cách tăng cường chi tiêu quốc phòng lên mức cao nhất mọi thời đại, nhà lãnh đạo Nga lại đi theo cách ngược lại.

Về cơ bản, mức tăng ổn định 10% đối với chi tiêu quốc phòng của Nga trong những năm gần đây đã không còn được duy trì.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính Nga đã giảm 20% mức chi tiêu quốc phòng vào năm ngoái.

Theo tỷ lệ phần trăm GDP, chi tiêu quốc phòng dự kiến ​​sẽ giảm từ 6,6% trong năm 2016 xuống còn 5% trong năm nay. Con số này dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 3% khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Putin vào năm 2024.

Các con số này là minh chứng đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại quốc gia của Nga, chống lại các quan điểm chỉ trích Tổng thống Putin là một chính khách “hiếu chiến” đang âm mưu xâm lược các nước Baltic.

Phương Tây 'thở phào' trước chiến lược 'nước Nga là trên hết' của Tổng thống Putin - 1
Ưu tiên hàng đầu của Nga là hàn gắn quan hệ kinh tế với các nước phương Tây.

Có thể hiểu sự thay đổi của Tổng thống Putin từ 3 góc độ khác nhau. Thứ nhất, chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga đầy tham vọng trong thập kỷ qua đã ít nhiều được hoàn thành.

Trong Thông điệp Liên bang hôm 1/3, người đứng đầu nước Nga đã tiết lộ một loạt các công nghệ quân sự tiên tiến mới được phát triển để đảm bảo sự cân bằng chiến lược toàn cầu, là “cội rễ” của chiến lược phòng thủ của Moscow.

Ông Putin muốn chứng minh rằng, nhờ vào sự tiến bộ trên, việc cắt giảm chi tiêu quân sự sẽ không gây nguy hiểm cho quốc phòng của Nga.

Thứ hai, trong nhiệm kỳ sáu năm tới đây, nhà lãnh đạo Nga muốn đi vào giai đoạn “kiến quốc”, sau khi đã thành công trong việc đưa nước Nga trở lại trên sân khấu thế giới với tư cách là một cường quốc.

Trên thực tế, người dân trong nước coi đây là thành tựu lớn nhất của ông Putin. Các cuộc thăm dò tín nhiệm ở mức 82% mà ông có được hiện nay phần lớn nhờ vào sự dẫn dắt nước Nga lấy lại vị thế siêu cường.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những mặt trái mà ông chủ Điện Kremlin chưa làm được. Có 45% người Nga được hỏi bày tỏ sự thất vọng khi chính quyền thất bại trong việc đảm bảo phân phối thu nhập công bằng trong nước. Tương tự, gần 90% người Nga yêu cầu phải có sự “cải cách”.

Thứ ba, mặc dù Tổng thống Putin đã thành công trong việc bình ổn lại nền kinh tế từ năm 2014 sau áp lực kết hợp từ việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây - tình hình kinh tế dự kiến ​​sẽ trở nên khó khăn trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích, dù là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và xuất sắc trong việc đưa nước Nga trở lại sân khấu toàn cầu, nhưng điểm yếu lớn nhất của ông Putin là kinh tế.

Nhà lãnh đạo 65 tuổi đã hứa hẹn một bước đột phá công nghệ ở Nga, điều này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế ở cấp độ quốc tế và giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu hàng hóa.

Nhưng vẫn còn đó những trắc trở khi thành công của Nga trong việc thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí hợp tác từ phương Tây.

Về mặt lý thuyết, Nga có một "lựa chọn Trung Quốc" để hiện đại hóa nền kinh tế của mình, nhưng trên thực tế, một loạt các yếu tố nhạy cảm đã khiến cho quyết định này không thể diễn ra.

Rõ ràng, một chính sách xa lánh phương Tây sẽ không giúp ích gì cho chiến lược “nước Nga là trên hết”. Có thể nói, một nỗ lực mới của chính quyền Putin để hàn gắn lại mối quan hệ của Nga với phương Tây là điều cần thiết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Putin khi ông bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình vào ngày 18/5 tới đây tại Sochi.

Bà Merkel có thể là đại diện cho châu Âu để có các cuộc thảo luận điều chỉnh lại sự căng thẳng giữa hai bên trong thời gian qua. Nhưng quan trọng hơn cả, xây dựng lại mối quan hệ với Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)