Thế giới

Phụ nữ Saudi Arabia muốn tự kiếm chồng, đi ngược truyền thống Hồi giáo

Quốc gia Saudi Arabia nổi tiếng là khắt khe trong chuyện yêu đương và hôn nhân. Nhưng các cô gái ở đây đang chống lại truyền thống này.

Quốc gia Saudi Arabia nổi tiếng là khắt khe trong chuyện yêu đương và hôn nhân. Nhưng các cô gái ở đây đang chống lại truyền thống này.
Cô Amna Fatani ý thức rõ mình muốn gây dựng một sự nghiệp lớn, với một cuộc sống khác với bao phụ nữ Saudi Arabia thuộc thế hệ mẹ mình - những người lấy chồng sớm, thường là theo sự sắp đặt của cha mẹ.
 
Cô gái 27 tuổi này hiện đang học thạc sĩ tại Đại học Georgetown ở Washington (Mỹ) và nuôi hy vọng ngày nào đó sẽ trở thành nữ Bộ trưởng lao động đầu tiên của quốc gia  Hồi giáo Arab này. Cô nằm trong số ngày càng nhiều phụ nữ Saudi lựa chọn việc sống đơn chiếc trong suốt những năm tháng “U-30” và trên 30 tuổi để có thể tập trung vào sự nghiệp của riêng mình.
 

Một cô gái hiện đại của Saudi Arabia (ảnh: Flickr)

 
Xu hướng này đã khiến những người bảo thủ trong xã hội Saudi cảm thấy bất an. Họ xem xu hướng trên như một sỉ nhục đối với chính các nền tảng cơ bản của vương quốc Saudi Arabia, nơi cách giải thích cứng rắn về đạo Hồi cũng như các quy định cứng nhắc trong bộ lạc đã từ lâu quy định lề thói hôn nhân ở xứ này.
 
Fatani nói: “Tôi và bạn bè đã trưởng thành đến độ chúng tôi biết rất rõ mình muốn gì... Tôi cần mọi người tin rằng nếu tôi cần làm gì đó thì tôi có thể quyết định nhờ ai đó giúp hoặc tự mình làm lấy”.
 
Phụ nữ Saudi đang trong quá trình chuyển dịch giữa một bên là các luật lệ cho phép đàn ông đưa ra tiếng nói cuối cùng về cuộc sống của phụ nữ, với một bên là các nỗ lực của vương quốc này tạo cho phụ nữ nhiều cơ hội học hành và làm việc.
 
Phụ nữ không được tự đi lại, du học ở nước ngoài, kết hôn hay chữa trị bệnh tại cơ sở y tế nếu không được sự cho phép của một giám hộ nam, thường là cha hoặc chồng, hoặc một người anh trai hay em trai.
 
Số lượng phụ nữ độc thân gia tăng đã gây báo động cho giới thầy tu, những người đã phản ứng lại bằng cách thúc đẩy việc kết hôn sớm và cảnh báo những hậu quả khủng khiếp của tình trạng trở thành “bà cô”, như là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
 
Trong một buổi lễ tôn giáo năm 2005, một thầy tế của Đại Thánh đường Hồi giáo Mecca, Abdul-Rahman As-Sudais, đã bày tỏ sự phản đối đối với “hiện tượng ở vậy suốt đời”. Ông này cho rằng như thế là nguy hại cho cả cộng đồng nói chung.
 
Theo truyền thống, phụ nữ Saudi Arabia sẽ kết hôn khi ở tầm tuổi 20 hoặc trên 20. Năm 2011, theo Bộ Kinh tế và Đầu tư, hơn 1,5 triệu phụ nữ Saudi trên 30 tuổi vẫn đơn thân,.
 
Theo các con số mà chính phủ đưa ra, ở quốc gia 20 triệu dân này, có tới 3,3 triệu phụ nữ ở độ tuổi trên 30. Và như vậy nếu con số của bộ kinh tế nói trên là không đổi thì có tới 45% phụ nữ Saudi trên 30 là đang sống độc thân.
 
Phụ nữ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội Saudi, mặc dù công việc của họ đa phần là trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Lao động Saudi Arabia cho biết có trên 400.000 phụ nữ Saudi tham gia lao động ở nước này, so với chưa đầy 55.000 hồi năm 2009.
 
Số lượng phụ nữ vượt xa nam giới trong các trường đại học của vương quốc này, và có hàng chục ngàn phụ nữ nằm trong số 150.000 người Saudi du học bằng học bổng chính phủ.
 
Hatoon al-Fassi, một giáo sư về lịch sử phụ nữ ở Saudi Arabia, cho hay, giáo dục cũng đang thay đổi thái độ của phụ nữ đối với hôn nhân và mang lại thêm cho họ sự tự tin. “Giờ bạn không thể kiểm soát được thái độ của họ nữa”.
 
Một vài phụ nữ Saudi Arabia cũng đang thách thức các quy tắc tìm kiếm người chồng tương lai của mình.
 
Theo cách giải thích cực đoan của vương quốc này về đạo Hồi, nam nữ phải thụ thụ bất thân, điều này khiến các thanh niên khó đến được với nhau. Cảnh sát “đạo đức” chuyên canh chừng không cho nam nữ ở bên nhau trong nhà hàng, chợ, và các nơi công cộng. Các trường học và đại học cũng tách biệt nam và nữ.
 
Theo lệ thường các gia đình sẽ sắp xếp hoặc ít nhất là “phê chuẩn” các đám cưới. Các gia đình “gia giáo” xem việc con gái tự đi tìm “trâu” là chuyện động trời. Các phong tục bộ lạc cắm rễ từ ngàn đời có sức nặng rất lớn.
 
Tại khu vực Najd miền trung nước này (nơi đặt thủ đô Riyadh), phụ nữ thường bị cấm cản lấy người ngoài bộ lạc. Hồi năm 1977, có tin đồn về việc một công chúa Saudi 19 tuổi đã bị giết vì cố “theo trai”.
 
Một phụ nữ trẻ nói với hãng AP rằng tại nơi làm việc, em gái cô đem lòng yêu một thanh niên Saudi không cùng bộ lạc. Cha của hai người nhất trí tổ chức đám cưới sau khi đã gặp mặt anh này, nhưng một vị nam giới lớn tuổi trong họ tộc dọa cắt đứt toàn bộ quan hệ với gia đình này nếu hôn lễ được tổ chức.
 
Thế là, người em gái đó buộc phải chấm dứt mối quan hệ yêu đương với chàng trai kia và cuối cùng về làm vợ một người cùng bộ lạc.
 
Cha mẹ thường sắp xếp một buổi xem mặt, để người con trai có thể gặp gỡ cô dâu tương lai của mình tại nhà của cô, khi cô không mặc ào choàng kín người và dùng mạng che mặt như khi xuất hiện ở nơi công cộng.
 
Tục lệ này thường được chấp nhận một cách rộng rãi và đôi khi chính đó là cơ hội duy nhất để người nam và người nữ thấy mặt nhau trước khi hai bên quyết định có đính hôn hay không. Nhưng trong các gia đình bảo thủ nhất ở đây, chú rể chỉ được phép gặp vợ sau lễ cưới.
 
Tuy nhiên chuyện các nam nữ bí mật hẹn hò tránh xa cặp mắt dò xét của cha mẹ cho thấy xu hướng nổi loạn trong thế hệ trẻ hiện nay.
 
Một phụ nữ cho biết cô đã dành nhiều tháng “chat chit” với một thanh niên. Họ cuối cùng đồng ý gặp nhau tại một cửa hàng tạp hóa, nơi hai người gửi tin nhắn cho nhau từ hai đầu lối đi. Họ nói chuyện trực diện với nhau lần đầu tiên khi chàng gặp cha nàng để xin cưới. Cho đến nay, cha mẹ họ vẫn nghĩ con mình gặp nhau qua công việc.
 
Blogger và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Tamador Alyami cho hay, năng lực mai mối của mạng internet đã vượt xa cái truyền thống ở nước này. Các phòng chat riêng tư và mạng xã hội đã đem lại cho thanh niên Saudi không gian riêng để theo đuổi các mối quan hệ tình cảm của mình.
 
Alyami cho biết phụ nữ ngày nay đang xác lập sự độc lập lớn hơn cho bản thân. “Họ không còn muốn cha mẹ mình làm hết mọi thứ, từ việc gặp mẹ chồng tương lai...”
 
Một số hãng truyền thông Saudi đã tiếp tay cho giới thầy tu khi hô hào về cái gọi là “đội quân bà cô”. Một nhà báo trên tờ báo điện tử Al-Sharq của Saudi gọi hiện tượng này là “khối u” của xã hội, dẫn tới các tệ nạn. Người dẫn chương trình truyền hình Dawoud al-Shiryan thì dành cả một buổi để bàn về vấn đề ở vậy trong phụ nữ trẻ Saudi.
 
Trong chương trình này, nhà tâm lý học gia đình Fawzia al-Hani nói rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm một phần về số lượng lớn nữ thanh niên độc thân bởi vì thanh nhiên đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà, lo cho đám cưới cũng như khoản tiền mà chú rể theo lệ phải trao cho cô dâu.
 
Một vài học giả trách cứ các “nhạc phụ” tương lai đã đòi con rể tương lai của mình một khoản tiền thách cưới quá lớn. Họ thậm chí còn tố các ông bố đã cố tình ép con gái làm việc để mang lại thu nhập cho họ, khiến các cô gái này lỡ làng trong việc chồng con.
 
Nhưng cuối cùng thì nhiều phụ nữ Saudi đang kéo dài thời kỳ độc thân do họ chọn như vậy.
 
Cô Fatani chẳng hạn, cô muốn có một tấm chồng sống ở nước ngoài và có cùng chí hướng với cô. Cô thích gặp người chồng của mình một cách ngẫu nhiên, không do sắp đặt. Cô thích được trải nghiệm “những thứ như là trường hợp đi mua tạp hóa” nói trên trước khi quyết định có lấy chàng hay không.
 
Theo Trung Hiếu (Vov.vn)