Thế giới

Phát hiện chấn động từ vụ khủng bố sân bay Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 28/6 khiến gần 50 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 28/6 khiến gần 50 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Đánh bom sân bay, khủng bố, đánh bom sân bay Ataturk, sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, đánh bom tự sát, hàng rào an ninh, an ninh hàng không
Lực lượng an ninh tại sân bay Ataturk, sau khi khủng bố tấn công.

Ba tháng sau vụ tấn công vào sân bay Brussels, Bỉ, những gì khủng bố đã thể hiện tại sân bay Ataturk cho thấy một điều đáng báo động. Đó là chúng có khả năng đi trước một bước các biện pháp chống khủng bố mà các lực lượng chức năng đặt ra.

Sự linh hoạt và mau lẹ trong việc lên kế hoạch tấn công chính là một mối đe dọa mới và nghiêm trọng đối với các sân bay lớn.

Vụ tấn công tại Ataturk được triển khai với sự kết hợp của tình báo tân tiến, nghiên cứu kỹ càng về mục tiêu tấn công và thực hiện trơn tru không khác gì thao tác của các lực lượng đặc nhiệm phương tây.

Vụ tấn công chia thành ba giai đoạn. Trước tiên là nhằm vào khu vực giữ xe, liền kề với cửa đến của nhà ga quốc tế. Mục đích là thu hút các nhân viên an ninh ra khỏi nhà ga.

Những kẻ tấn công hiểu rằng an ninh đã được siết chặt hơn, từ sau vụ khủng bố ở sân bay Brussels. Trước đó, hầu hết các quầy làm thủ tục đăng ký lên máy bay hầu như không hề có kiểm tra an ninh.

Tại Istanbul, bất kỳ ai bước vào nhà ga đều bị camera nhận diện khuôn mặt và kiểm tra tại cửa ra vào.

Bước tấn công ban đầu ở khu vực đỗ xe đã gây sự chú ý của cảnh sát và khiến cho phòng tuyến an ninh đầu tiên bị hổng, dẫn tới việc rất nhiều người ở khu vực chờ lên máy bay trở thành mục tiêu dễ bị tấn công nhất.

Đây cũng chính là thời điểm vụ tấn công thứ hai xảy ra, gây nên thương vong lớn. Vụ nổ có sức công phá rất mạnh, làm vỡ các cửa ra vào và hàng rào an ninh, tạo cơ hội cho kẻ tấn công thứ ba lọt vào trong tòa nhà.

Kẻ tấn công thứ ba sau đó đã bị cảnh sát bắn gục, nhưng vẫn kịp cho phát nổ bom.

Để tránh khủng bố đột nhập được vào bên trong nhà ga máy bay, hàng rào an ninh đã được củng cố và mở rộng ra tới khu vực các sảnh sân bay.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, dù cho những kẻ tấn công có bị chặn lại trước khi vào tới các tòa nhà của phi trường, các chốt an ninh mới lập nên và các máy quét được bố trí thêm sẽ tạo ra các nút cổ chai mới, gây ách tắc. Và đây sẽ lại là các mục tiêu mới cho những kẻ khủng bố.

Có ý kiến cho rằng, một khi khủng bố đã đến sân bay thì việc ngăn chặn hành động của hắn luôn là quá muộn. Phòng tuyến an ninh cuối cùng và hiệu quả nhất chính là nhận diện và ngăn chặn vụ tấn công trước khi nó xảy ra.

Các chuyến bay dân sự vẫn là những mục tiêu hữu hiệu nhất cho các lực lượng khủng bố như ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS). Mọi dấu hiệu của vụ đánh bom tại Ataturk cho đến lúc này đều cho thấy dấu vết của IS.

Nhìn từ các vụ tấn công sân bay gần đây cho thấy, IS dường như quan tâm nhiều tới việc tấn công sân bay, hơn là tấn công các máy bay.

Những vụ tấn công kiểu này gây nên kinh hoàng và sức lan tỏa rộng rãi, trong khi về lâu dài phá hủy kinh tế và ngành du lịch, cản trở tự do lưu thông.

Từ vụ đánh bom ở Ataturk cho thấy, dù IS có bị đánh bại như thế nào trên chiến trường Iraq và Syria, những kẻ khủng bố vẫn không ngừng tìm kiếm các mục tiêu ở phương Tây để tấn công.

Theo Lê Thu (VietNamNet)