Thế giới

Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra Biển Đông

Pháp sẽ đề xuất hải quân các quốc gia châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á để thúc đẩy trật tự hàng hải dựa trên luật pháp trong bối cảnh các quốc gia khác, trong đó có Canada và Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Pháp sẽ đề xuất hải quân các quốc gia châu Âu phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á để thúc đẩy trật tự hàng hải dựa trên luật pháp trong bối cảnh các quốc gia khác, trong đó có Canada và Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (Ảnh: Straitstimes)

Straitstimes đưa tin, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã giải thích tại sao tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng là mối quan ngại với châu Âu và thế giới.

Theo ông Le Drian, nếu luật biển không được tôn trọng tại khu vực vày thì luật biển cũng có thể bị thách thức tại Địa Trung Hải hay Bắc Cực. Vì vậy, Pháp sẽ hối thúc các hải quân châu Âu đảm bảo sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” ở Biển Đông.

“Nếu chúng tôi muốn kiểm soát nguy cơ xung đột, chúng tôi phải bảo vệ lợi ích này, bảo vệ chính mình”, ông Le Drian nhấn mạnh. Hải quân Pháp đã được triển khai ở Biển Đông 3 lần trong năm nay.

Canada cam kết gia tăng sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương

Cũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan đã cam kết căng tường sự kết nối của Canada tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi cam kết tăng cường sự kết nối so với trước đây trong bối cảnh chúng tôi điều chuyển sang một đường hướng năng động hơn và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò”, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Bắc Kinh gần đây đã cải tạo đất ồ ạt để gia tăng đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền.

Bắc Kinh còn tuyên bố không chấp nhận phát quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi pháp, dù Trung Quốc đã ký kết Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc.

Trước các hành động đó của Trung Quốc, Mỹ đã điều tàu áp sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp trong khuôn khổ các hoạt động nhằm đẩy mạnh nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp

Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Canada được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar hối thúc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh an ninh bao gồm các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, cũng đưa ra kêu gọi tương tự. Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Tướng Petr Pavel, cho hay NATO ủng hộ các quốc gia trong khu vực muốn cải thiện năng lực quốc phòng hoặc chia sẻ thông tin tình báo và các kinh nghiệm tốt nhất về an ninh biển.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho hay mối quan tâm ngày càng gia tăng từ các bên khác nhau có nguy cơ biến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thành một cuộc tranh giành sự ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao rộng lớn hơn vốn có thể phủ bóng vai trò của ASEAN. “Dường như tình hình ngày càng đi xa khỏi sự kiểm soát của ASEAN”, học giả Phuong Nguyen, từ tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng nêu ra những quan ngại tương tự. Theo ông, tình hình ngày càng xấu đi, nếu không được giải quyết kịp thời, có thể biến thành một cuộc chạy đua vũ trang và cạnh canh chiến lược của các cường quốc, với các hậu quả thảm khốc và không lường trước được.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói thêm, Việt Nam không đứng về nước này để chống lại nước khác nhưng ủng hộ sự minh bạch và “tôn trọng các lợi ích chung”.

Tiến sĩ Zhu Feng, người đứng đầu Trung tâm phối hợp nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, đã kêu gọi ASEAN đóng vao trò ngoại giao chủ động bằng cách nỗ lực làm trung gian hòa giải và thúc đẩy đối thoại.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng thách thức ngay lúc này của ASEAN là “hạ nhiệt căng thẳng”. Nhưng ông này nói thêm, ASEAN đang bị buộc rơi vào vòng xoáy giữa Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn tham gia bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa hai cường quốc... Chúng tôi tốt hơn là nên ở vị trí quan sát”, ông nói.

Theo An Bình (Dân Trí)