Thế giới

Pháo tự hành bánh xích tích hợp tên lửa vác vai và súng phóng lựu tự động của Triều Tiên

Tương tự như các xe tăng chiến đấu chủ lực Pokpung-ho IV, pháo tự hành M1991 Chuch'e-Po của Triều Tiên cũng được trang bị dàn hỏa lực rất phong phú.

Trong cuộc duyệt binh chào mừng 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên vừa mới diễn ra, có một loại vũ khí của nước này đã thu hút nhiều sự chú ý từ giới quan sát tình hình quân sự quốc tế, đó là pháo tự hành bánh xích M1991 Chuch'e-Po.

Hệ thống pháo tự hành M1991 Chuch'e-Po sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Chonma-ho, có ít nhất 4 phiên bản M1991 từng được giới thiệu, khác nhau ở khẩu pháo chính bao gồm D-30 122 mm (phiên bản nòng ngắn), D-74 122 mm (phiên bản nòng dài), M-46 130 mm và ML-20 152 mm.

Ngoài ra thì Chuch'e-Po còn có thêm phân lớp M1992 trang bị pháo chính SM-4-1 cỡ 130 mm. Đặc điểm phân biệt M1991 với người tiền nhiệm Tok-Ch'on là khung xe cơ sở của nó có 6 bánh chịu lực thay vì 5.

Pháo tự hành bánh xích tích hợp tên lửa vác vai và súng phóng lựu tự động của Triều Tiên
Đội hình pháo tự hành bánh xích M1991 Chuch'e-Po của Triều Tiên xuất hiện trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội

Biến thể xuất hiện trong cuộc duyệt binh vừa qua là loại mang pháo D-74 cỡ 122 mm, tuy nhiên điều khiến nó trở nên đặc biệt lại không nằm ở vũ khí chính mà là các loại "phụ kiện" gắn kèm, bao gồm 2 ống phóng tên lửa phòng không vác vai và 1 khẩu súng phóng lựu tự động 2 nòng.

Cấu hình trên của Chuch'e-Po làm liên tưởng phần nào tới chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Pokpung-ho IV, bởi vì dàn hỏa lực của nó cũng rất phong phú. Nhưng khác với Bão Hổ IV là phương tiện xuất hiện ở tuyến đầu, vị trí của pháo tự hành M1991 là hỗ trợ hỏa lực ở tuyến sau, bởi vậy, những vũ khí bổ sung có vẻ như tương đối thừa thãi và không cần thiết.

Khi tác chiến, Chuch'e-Po sẽ đứng cách đối phương từ cự ly khoảng trên 20 km để tác xạ, nó không phải một khẩu pháo tự hành xung kích nên ít có nguy cơ phải đối đầu trực tiếp với bộ binh hay máy bay của đối phương.

Pháo tự hành bánh xích tích hợp tên lửa vác vai và súng phóng lựu tự động của Triều Tiên - 1
Cận cảnh đội hình pháo tự hành bánh xích M1991 Chuch'e-Po của Triều Tiên trong lễ duyệt binh

Nhưng thực tế diễn biến chiến trường Syria gần đây lại cho thấy điều khác hẳn, đó là pháo tự hành T-155 Firtina (một biến thể của K9 Thunder) của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các tay súng người Kurd tiêu diệt khá nhiều bởi các nhóm biệt kích luồn sâu, bất chấp việc nó cũng được sử dụng với vai trò hỏa lực gián tiếp.

Bởi vậy cho nên việc tích hợp súng phóng lựu tự động 2 nòng cho M1991 ít nhất cũng giúp kíp pháo thủ có thêm một lựa chọn hỏa lực mạnh để có thể đẩy lui kẻ địch trong trường hợp như trên. Bên cạnh đó, tên lửa phòng không vác vai tuy khó có cơ hội chiến thắng nhưng sẽ khiến trực thăng vũ trang đối phương phải dè chừng khi bay xâm nhập với mục đích tiêu diệt nó.

Phương án nâng cấp, tích hợp bổ sung các loại vũ khí khác nhau nhằm tăng cường dàn hỏa lực cho xe tăng hay pháo tự hành sẽ cần được kiểm chứng thêm hiệu quả qua quá trình tác chiến thực tế, nhưng dù sao nó cũng đã tạo ra một hình ảnh đẹp mắt, giúp cho cuộc duyệt binh của Triều Tiên thêm phần hoành tráng.

Theo Sao Đỏ (Soha/Trí Thức Trẻ)