Thế giới

Phản ứng táo bạo bất thường của TQ sau vụ Huawei: Ông Tập Cận Bình bị 'ép buộc'?

Vụ bắt giữ Michael Kovrig của Trung Quốc cũng phản ánh một hướng tiếp cận ngày càng táo bạo đối với tranh chấp quốc tế dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bài viết đăng tải trên AP, cây viết Christopher Bodeen đã phân tích về những sự việc xảy ra gần đây xung quanh vụ Trung Quốc bắt giữ một cựu cán bộ ngoại giao Canada, cùng sự liên quan tới trường hợp của CFO Huawei Mạnh Vãn Chu. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

---

Trung Quốc đang hành xử khá gay gắt khi bắt giữ một cựu nhân viên ngoại giao Canada, chỉ vài ngày sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Theo nhiều cách, chuyện này trông có vẻ như phản ứng cổ điển của Trung Quốc: Phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào, giữ vị trí cao về đạo đức và gây áp lực tối đa để có được sự nhượng bộ.

Tuy nhiên, vụ bắt giữ Michael Kovrig của Trung Quốc cũng phản ánh một hướng tiếp cận ngày càng táo bạo đối với tranh chấp quốc tế dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bắc Kinh thường trả đũa chính phủ và những tập đoàn nước ngoài trong các vụ tranh chấp ngoại giao, tuy nhiên, hiếm khi bắt giữ một công dân nước ngoài. 

Kovrig bị bắt hôm 10/12 tại Bắc Kinh sau khi chính quyền Trung Quốc triệu tập Đại sứ Canada John McCallum vào cuối tuần để phản đối vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver. 

Phản ứng táo bạo bất thường của TQ sau vụ Huawei: Ông Tập Cận Bình bị 'ép buộc'?
Cựu cán bộ ngoại giao Canada Michael Kovrig. Ảnh: ICG

McCallum đã được cảnh báo về "những hậu quả tồi tệ" nếu bà Mạnh không được thả. Sau đó vào ngày 11/12, bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại trong lúc chờ đợi xem có bị dẫn độ tới Mỹ hay không. Washington cho rằng bà có liên quan tới vi phạm cấm vận nhằm vào Iran.

Trung Quốc đã từ chối xác nhận thông tin về Kovrig và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhiều lần né tránh câu hỏi của các phóng viên, tuyên bố rằng ông không có gì để nói trong trường hợp này.

Tuy nhiên, ông Lục cho hay, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) mà Kovrig đang làm ở Hong Kong với vai trò cố vấn, không được đăng ký ở Trung Quốc. Theo đó, mọi hoạt động của ICG ở đó đều được xem là phi pháp.

"Đòn thù" của Bắc Kinh

Vụ Kovrig là một vụ bất thường, nhưng hành động trả đũa thương mại nhằm vào nhiều công ty từ các nước mâu thuẫn với Bắc Kinh về các vấn đề chính trị, quân sự đã ngày càng trở nên phổ biến khi Trung Quốc sử dụng đòn bẩy của mình ở vị trí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mục tiêu nổi bật gần đây nhất là tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Lotte. Tình hình kinh doanh của Lotte ở Trung Quốc đã bị hủy hoại sau khi tập đoàn này bán đất cho chính phủ Hàn Quốc để dùng làm nơi triển khai hệ thống phòng không THAAD của Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hầu hết 99 siêu thị và các cửa hàng khác của Lotte - với cáo buộc vi phạm nguyên tắc an toàn - và chấm dứt một dự án xây dựng khu vui chơi giải trí. Bắc Kinh cho rằng THAAD đe dọa tới an ninh bởi hệ thống này cho phép lực lượng Mỹ do thám lãnh thổ Trung Quốc.

Lotte không phải trường hợp duy nhất.

Người Trung Quốc từng tẩy chay cá hồi Na Uy sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho một nhân vật gây tranh cãi. Bắc Kinh cũng ngừng mua hoa quả từ Philippines liên quan tới một sự vụ ở Biển Đông. Sau khi Tokyo quốc hữu hóa các đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, các trung tâm thương mại và ô tô của Nhật đã bị tấn công.

Thông điệp của Tập Cận Bình

Vụ bắt giữ Kovrig không được đưa tin rộng rãi ở Trung Quốc và cũng không được liên hệ tới trường hợp của Mạnh Vãn Chu. Tuy nhiên, hai vụ này được nhiều người Trung Quốc, những người đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho bà Mạnh, cho là có liên quan tới nhau. Sự thành công của Huawei vốn là một nguồn tự hào dân tộc.

"Nếu người dân ở các nước khác cũng có sự liên tưởng này thì đó là do vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu thực sự đi quá giới hạn. Tất lẽ dĩ ngẫu, người ta sẽ cho là Trung Quốc trả thù", Hu Xijin, nhà báo của Hoàn Cầu đăng trên Weibo.

Vụ bắt giữ Kovrig "là một dạng tuyên bố gửi tới chính phủ Canada", Zeng Yuan, một sinh viên tài chính nói, "Trung Quốc không thể ngồi yên đợi kết cục và để họ đưa ra những cáo buộc nhập nhằng nhằm vào công dân Trung Quốc".

Trong khi đó, Joseph Cheng, một quan sát viên về chính trị Trung Quốc nhận định: Ông Tập cần thể hiện mình đang chống lại những hành động của nước ngoài, đặc biệt là khi chính phủ của ông phải vật lộn với nền kinh tế tăng trưởng chậm, nợ công tăng cao và mâu thuẫn thương mại với Mỹ.

Giống như nhiều nhà phân tích khác, ông Cheng cho rằng: Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện đáng ra đã được tiến hành vào tháng trước, cho thấy giới lãnh đạo đang bận tìm ra chiến lược thuyết phục cho tương lai gần.

Nhà phê bình chính trị tại Bắc Kinh, Zhang Lifan, tin rằng áp lực dư luận đã buộc ông Tập phải phản ứng như vậy. Trung Quốc "đã đẩy một vấn đề pháp lý lên thành một trong những quan hệ đối ngoại, thậm chí là đối đầu quân sự, và điều đó không sáng suốt cho lắm", ông Zhang nói.

Theo Thi Anh (Soha/Thời Đại)