Thế giới

Ông Trump ấn tượng với tình cảm của người dân Việt Nam

Tổng thống Donald Trump nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời cảm ơn tới người dân Việt Nam trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Trump ấn tượng với tình cảm của người dân Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump trong cuộc hội kiến. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay hội kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại trụ sở chính phủ. Ông Trump đã hoàn thành chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 11 đến 12/11, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao.

Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, mong muốn quan hệ song phương phát triển hơn trong thời gian tới. Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước, cho rằng đây là thông điệp về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Trump bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thăm Việt Nam. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông ấn tượng trước tình cảm chân thành và sự chào đón nồng nhiệt của người dân Đà Nẵng và Hà Nội, đồng thời nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời cảm ơn tới người dân Việt Nam.

"Tôi đã được đi tới một số vùng của Việt Nam, nó rất đẹp và tuyệt vời. Người dân Việt Nam rất hạnh phúc, họ vẫy tay với chúng tôi. Họ yêu quý nước Mỹ, có thể họ cũng quý mến tôi nữa. Hàng vạn người đứng dọc các con phố và chúng tôi rất biết ơn vì điều đó", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu.

Tổng thống Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong khu vực, đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức, trong khi Việt Nam là điểm đến đầu tiên của Tổng thống Trump tại Đông Nam Á. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, cùng thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển trong thời gian tới.

"Điều quan trọng với tôi là thương mại, vì hiện nay chúng tôi đang có mức chênh lệch giao thương với Việt Nam xấp xỉ 32 tỷ USD, đó là số tiền rất lớn. Chúng tôi phải chăm lo cho các công ty và người lao động Mỹ. Có thể chính quyền trước tôi không thích và không hiểu chủ đề này, vì có quá nhiều vấn đề với chênh lệch thương mại. Chúng tôi muốn xử lý vấn đề đó thật nhanh", Tổng thống Trump phát biểu.

Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ có thể bán nhiều trang bị khí tài quân sự và máy bay tốt nhất cho Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo tuyên bố tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trump ấn tượng với tình cảm của người dân Việt Nam - 1
Cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump cũng trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy đà phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó tập trung xây dựng khuôn khổ hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, hạn chế thấp nhất những tranh chấp thương mại - đầu tư giữa hai nước, tiếp tục triển khai các thỏa thuận kinh tế - thương mại đã ký kết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi hơn và khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thúc đẩy thương mại và cùng có lợi. 

Tổng thống Trump nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi cho cả hai bên, coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là trọng tâm trong quan hệ hai nước. Tổng thống Mỹ hoan nghênh việc Việt Nam tích cực xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm mở cửa thị trường cho hàng nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình khu vực, nhất trí giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế hợp tác khu vực, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Philippines sắp tới.

Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)