Thế giới

Obama lên tiếng bảo vệ "những kẻ mộng mơ" sắp bị Trump trục xuất

Cựu tổng thống Obama lên án quyết định của chính quyền Trump về việc dừng "Chính sách Giấc mơ" là tàn nhẫn, mang động cơ chính trị và không làm nước Mỹ vĩ đại.

Cựu tổng thống Obama lên án quyết định của chính quyền Trump về việc dừng "Chính sách Giấc mơ" là tàn nhẫn, mang động cơ chính trị và không làm nước Mỹ vĩ đại.

Ngay sau động thái trên của Tổng thống Trump, ông Obama đã lên Facebook để bày tỏ sự phản đối. Kể từ khi rời Nhà Trắng, ông Obama thường ít khi lên tiếng về các chính sách của người kế nhiệm, những lần hiếm hoi ông lên tiếng là khi Trump ban hành sắc lệnh chống nhập cư hoặc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Bài viết dài 850 từ đăng trên Facebook hôm 5/9 được nhận định là lần phản ứng mạnh mẽ nhất của ông Obama đối với một quyết định của ông Trump khi ông gọi việc dừng DACA là "tàn nhẫn".

Obama len tieng bao ve 'nhung ke mong mo' sap bi Trump truc xuat hinh anh 1

Cựu tổng thống Obama hầu như đã tránh việc lên tiếng về các chính sách của người kế nhiệm. Ảnh: Reuters.

"Nhập cư có thể là một chủ đề gây tranh cãi. Chúng ta ai cũng muốn những đường biên giới an toàn, an ninh và một nền kinh tế năng động, những người với thiện tâm có thể sẽ có những bất đồng chính đáng về việc làm sao cải thiện hệ thống nhập cư để mọi người đều cư xử đúng luật.

Nhưng đó không phải là bản chất của quyết định ngày hôm nay từ Nhà Trắng. Bản chất (của quyết định vừa qua) không phải là vì những người trẻ tuổi đã lớn lên trên đất Mỹ - những đứa trẻ đã đi học ở ngôi trường của chúng ta, những thanh niên đang khởi nghiệp, những người yêu nước tuyên thệ trung thành dưới lá cờ của chúng ta. Những kẻ Mộng mơ này là người Mỹ từ trong trái tim họ, tâm hồn họ, trong mọi định nghĩa, chỉ trừ giấy tờ. Họ đã được cha mẹ mang đến đất nước, một số người từ lúc còn là trẻ sơ sinh. Họ có thể chưa từng biết đến đất nước nào ngoài nước Mỹ. Họ có thể không nói bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Anh. Họ thường không hay biết mình không có giấy tờ cho đến khi họ phải đi xin việc, xin học, hoặc thi lấy bằng lái xe.

Trong nhiều năm dài, các chính trị gia từ cả 2 đảng đã làm việc cùng nhau để soạn thảo một dự luật nhằm nói với những người trẻ tuổi này - những thanh niên của đất nước chúng ta - rằng nếu bạn đã được mang đến đây từ khi còn là một đứa trẻ, nếu bạn đã ở đây đủ lâu, nếu bạn tự nguyện đi học tại trường hoặc phụng sự trong quân đội của chúng tôi, bạn sẽ có cơ hội ở lại và có quốc tịch. Trong những năm còn làm tổng thống, tôi đã yêu cầu quốc hội cho tôi một dự luật như vậy.

Dự luật đó chưa từng ra đời. Và bởi vì việc trục xuất những thanh niên tài năng, có động lực và yêu nước khỏi đất nước duy nhất họ từng được biết chỉ vì hành động của cha mẹ họ là không ích gì, chính quyền của tôi đã hành động để dỡ bỏ bóng ma trục xuất ám ảnh họ, để những người trẻ này có thể tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và đất nước chúng ta. Chúng tôi đã làm việc đó dựa trên nền tảng pháp lý vững vàng về việc cân nhắc tố tụng, thứ được các tổng thống từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa sử dụng, bởi vì các cơ quan chấp pháp về nhập cư của chúng ta bị giới hạn về nguồn lực, những nguồn lực trên nên được tập trung vào những người đã nhập cư bất hợp pháp để gây hại cho đất nước này. Số lượng tội phạm bị trục xuất đã tăng lên. Khoảng 800.000 thanh niên đã tiến về phía trước, đáp ứng những yêu cầu khắt khe và vượt qua cuộc kiểm tra nguồn gốc. Nước Mỹ cũng từ đó mà lớn mạnh.

Obama len tieng bao ve 'nhung ke mong mo' sap bi Trump truc xuat hinh anh 2

Người biểu tình phản đối việc tạm ngưng DACA  tại Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ngày hôm nay, bóng ma ấy một lần nữa ám ảnh những thanh niên xuất sắc và sáng sủa nhất của chúng ta. Nhắm vào họ là một việc làm sai lầm - họ chưa hề làm gì sai cả. Chúng ta đang tự hại mình - vì tất cả những gì họ muốn chỉ là mở ra những doanh nghiệp mới, làm việc trong các phòng thí nghiệm của chúng ta, phụng sự quân đội của chúng ta hoặc bằng nhiều cách khác đóng góp cho đất nước mà chúng ta yêu. Việc này thật tàn nhẫn. Sẽ ra sao nếu giáo viên khoa học của con cái chúng ta hoặc người láng giềng thân thiện hóa ra là một kẻ Mộng mơ? Chúng ta phải gửi cô đến đâu? Đến một đất nước cô không biết hoặc không nhớ, với một ngôn ngữ cô không thể nói?

Để tôi làm rõ: hành động ngày hôm nay là không cần thiết về mặt pháp lý. Nó là một quyết định chính trị, và một câu hỏi về mặt đạo đức. Dù cho bất cứ quan ngại hay than phiền nào người Mỹ có thể có về nhập cư nói chung, chúng ta không nên đe dọa tương lai của những thanh niên này, những người đã ở đây không phải vì lỗi lầm của họ, những người không gây ra mối hiểm họa nào, những người không lấy đi của chúng ta bất cứ thứ gì. Họ là người ném bóng trong đội bóng mềm của con chúng ta, là những người đầu tiên đưa tay ra giúp đỡ khi cộng đồng của anh ta gặp tai ương, là học viên của Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Trừ bị, một người không muốn gì hơn là được mặc bộ quân phục của đất nước đã cho anh ta một cơ hội. Trục xuất họ sẽ không làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm nhẹ thuế cho bất cứ ai hay tăng lương cho người nào.

Bởi hành động này chính xác là điều trái ngược cho tinh thần của chúng ta, cho lẽ thường nên các lãnh đạo doanh nghiệp, tôn giáo, các nhà kinh tế, và người Mỹ với đủ các quan điểm chính trị đã kêu gọi chính quyền không làm điều họ vừa làm hôm nay. Giờ thì Nhà Trắng đã chuyển trách nhiệm của họ đối với những thanh niên kia cho quốc hội, và việc bảo vệ họ cũng như tương lai của chúng ta giờ đây phụ thuộc vào quốc hội. Tôi vui mừng được nhìn thấy những người đã đề xuất rằng quốc hội nên làm vậy. Tôi góp giọng cùng phần lớn người Mỹ đang hy vọng quốc hội sẽ tiến lên và thực thi điều đó với sự khẩn thiết về đạo đức tương xứng với sự cấp bách mà những thanh niên kia đang cảm thấy.

Sau cuối cùng, đây là sự tử tế cơ bản nhất. Đây là việc liệu chúng ta có phải là một dân tộc đi trục xuất những người trẻ tuổi khỏi nước Mỹ, hay chúng ta đối xử với họ theo cách chúng ta muốn con cái mình được đối xử. Đây là việc chúng ta là ai trong tư cách một dân tộc, và chúng ta muốn trở thành điều gì.

Điều làm nên người Mỹ chúng ta không phải việc chúng ta trông như thế nào, cái tên chúng ta đến từ đâu hay cách chúng ta cầu nguyện. Điều làm nên người Mỹ chúng ta là lòng tin đối với các lý tưởng - rằng tất cả chúng ta được sinh ra bình đẳng; rằng tất cả đều xứng đáng với cơ hội được tạo dựng cuộc sống theo cách chúng ta mong muốn; rằng tất cả chúng ta có nghĩa vụ phải đứng dậy, lên tiếng và bảo vệ những giá trị quý giá nhất của chúng ta cho thế hệ sau. Đó là cách nước Mỹ đi một chặng đường xa đến vậy. Đó là cách, nếu chúng ta kiên định với nó, chúng ta cuối cùng sẽ trở thành một khối hoàn hảo hơn".

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)